Cách phòng ngừa một số bệnh về da dễ nặng lên vào mùa đông

Linh Trần
13/01/2021 - 20:54
Cách phòng ngừa một số bệnh về da dễ nặng lên vào mùa đông

Người mắc bệnh mạn tính về da cần chú ý phòng bệnh tái phát trong mùa đông (ảnh: MH)

Thời tiết khô hanh trong mùa đông là điều kiện làm nặng thêm một số bệnh về da mạn tính như mày đay, vảy nến,… Theo các chuyên gia, người dân cần thực hiện các biện pháp dưới đây để phòng bệnh.

Theo BSCKII. Đặng Bích Diệp, Trưởng Phòng Công tác xã hội (BV Da liễu TƯ), thời tiết lạnh như những ngày qua ngoài gây khô da, gây ngứa thì khô hanh cũng làm bùng phát các bệnh da mạn tính như viêm da cơ địa (chàm), mày đay, vảy nến... Trong đó, có những trường hợp trẻ em bị viêm da cơ địa nặng, vảy nến thể nặng cần điều trị nội trú. Cụ thể:

Đối với bệnh ngứa do lạnh

Biểu hiện ngứa có thể từ lâm râm đến dữ dội, nhất là vào ban đêm khi ngủ, đặc biệt trời càng lạnh càng ngứa dữ dội. Nhiều người ngứa không chịu được nên gãi làm trầy xước da, chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng.

Nguyên nhân gây bệnh do chức năng điều tiết của tuyến mồ hôi, tiết bã bị hạn chế nên làm cho da bị khô. Bình thường da tiết ra những chất hữu cơ (chất béo tự nhiên) cùng với mồ hôi giúp da nhờn, đàn hồi chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, bụi bẩn... Khi thời tiết khô lạnh, da ít tiết mồ hôi và các chất béo tự nhiên khiến da bị khô và nứt nẻ sinh ngứa.

Bệnh chàm (hay viêm da cơ địa)

Bệnh thường gặp ở những người có tiền sử dị ứng. Biểu hiện của bệnh là tổn thương khô da chân, mặt, tróc vảy, đỏ. Vào mùa Đông, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Bệnh này hay gặp ở trẻ nhỏ từ 2 tháng đến 2 tuổi, còn gọi là chàm. Khi bị chàm, trẻ có biểu hiện khởi đầu là đỏ da, sẩn, mụn nước, tiết dịch, đóng vảy, rồi bong vảy. Vị trí thường ở hai má, có thể lan đến cằm, da đầu, trán. Bệnh nặng có thể lan đến mặt, dưới cánh tay, khuỷu, da đầu, thân mình, tứ chi.

Bệnh mày đay

Đây là bệnh ngoài da hay gặp với triệu chứng là những mảng sẩn phù, kích thước và số lượng thay đổi, có thể ở bất cứ vị trí nào trên da, khi mày đay khỏi không để lại dấu vết gì. Tuy nhiên, người bệnh rất ngứa, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trường hợp nặng, người bệnh có thể kèm theo đau bụng, khó thở, sốt.

Bệnh vảy nến

Là bệnh về da thường gặp vào mùa Đông, tổn thương là các dát đỏ có vảy trắng, vảy dày, dễ bong. Vị trí hay gặp là khuỷu tay, đầu gối, rìa tóc, vùng xương cùng, mông. Tuy nhiên sau một thời gian tiến triển các thương tổn có thể lan ra toàn thân. Mùa Đông da khô dễ ngứa, chà xát nhiều, có thể là điều kiện thuận lợi làm bệnh nặng lên.

Theo bác sĩ Diệp, để phòng ngừa và làm giảm triệu chứng đối với các bệnh lý này, người dân cần thực hiện các biện pháp dưới đây:

Mọi người cần giữ ấm cho cơ thể, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa, hạn chế tiếp xúc với môi trường lạnh, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

Không nên mặc quần áo quá chật, bằng vải len, sợi tổng hợp vì dễ gây kích ứng da. Đeo khẩu trang, găng tay và mặc quần áo bảo hộ lao động khi tiếp xúc với môi trường có nhiều hóa chất độc hại. Hạn chế gãi, cắt ngắn móng tay để tránh gãi khi ngứa làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da.

Không tắm nước lá, nước quá nóng, xà phòng. Không tự ý điều trị tránh làm nặng bệnh. Bôi dưỡng ẩm thường xuyên và đúng cách để bảo vệ làn da. Khi đã tuân thủ hướng dẫn mà bệnh diễn biến nặng hơn, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị phù hợp.

Sử dụng các sản phẩm làm sạch nhẹ nhàng hơn bằng cách chọn sử dụng một sản phẩm có khả năng làm sạch nhưng vẫn giữ lại được độ ẩm cần thiết để bảo vệ và chăm sóc da tốt hơn. Với da khô, ngoài việc tập trung vào các loại sữa rửa mặt chứa nhiều thành phần dưỡng ẩm thì tần suất rửa mặt cũng có thể được điều chỉnh xuống 1 lần/ngày (buổi tối) nếu quá nhạy cảm.

Tẩy tế bào chết ít hơn: Tần suất tẩy tế bào chết có thể được giảm xuống vào mùa Đông vì lúc này da dễ nhạy cảm hơn. Có thể tẩy da chết 1 lần/tuần để tăng tốc độ tái tế bào đồng thời tạo điều kiện cho các sản phẩm hấp thụ tốt hơn. Tuy nhiên, vì tẩy tế bào chết vật lý có thể khiến da bị tổn thương nên có thể cân nhắc lựa chọn sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học.

Sử dụng dưỡng ẩm phù hợp với từng loại da, vị trí cơ thể, thời điểm: Dưỡng ẩm dạng mỡ có hiệu quả dưỡng ẩm hơn dạng cream và dạng lotion. Tuy nhiên, dạng mỡ gây cảm giác khó chịu, dính và nhờn. Dưỡng ẩm dạng mỡ nên bôi vào buổi tối, dạng cream hoặc dạng lotion vào ban ngày. Khi tổn thương da khô nhiều nên dùng dạng mỡ.

Với tổn thương ở mặt nếu thuộc loại da nhờn hay có mụn trứng cá thì không nên dùng các loại dưỡng ẩm có khả năng gây mụn (hay dùng là glycerin). Với tổn thương khô da nhiều ở bàn tay, bàn chân thì nên sử dụng dưỡng ẩm có ure.

Cách bôi dưỡng ẩm: bôi dày, ít nhất 2 lần/ngày, nên bôi ngay sau tắm hay rửa mặt 5 phút. Có thể phối hợp với các phương pháp điện di, siêu âm dẫn thuốc, mesotherapy để tăng cường tạo ẩm cho da, giúp làn da khỏe mạnh, hồng hào. Cùng đó, không quên sử dụng chống nắng đầy đủ, đúng cách; chú ý uống đủ nước, ăn rau xanh, hoa quả, tập luyện thể dục đều đặn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm