pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cái chết trong cô độc của người già Nhật Bản
Một trong 170 tòa nhà tạo nên khu nhà ở Tokiwadaira gần Tokyo, Nhật Bản
Shikama sống một mình trong căn hộ ở Tokiwadaira, một vùng ven Tokyo và thường đến trung tâm cộng đồng Iki Iki để gặp gỡ những người lớn tuổi khác.
Tại đây, ngoài thảo luận các chủ đề thường ngày trong cuộc sống như có nên nhuộm tóc hay không, họ cũng chia sẻ tin tức mới nhất về kodokushi, được định nghĩa chính thức là cái chết mà "người chết mà không có người chăm sóc và thi thể được tìm thấy sau một khoảng thời gian".
Lần này là một người phụ nữ lớn tuổi chết tại nhà. Thi thể được phát hiện sau khi nạn nhân qua đời năm tháng, khi hàng xóm nhận thấy họ đã nhiều ngày không nhìn thấy bà cụ từ ban công. "Mùi hôi rất khủng khiếp, nó khiên tôi ám ảnh", bà Shikana kể lại.
Theo báo cáo gần đây của cơ quan cảnh sát quốc gia, gần 22.000 người ở Nhật Bản đã chết cô độc tại nhà trong 3 tháng đầu năm nay, khoảng 80% người ở tuổi 65 trở lên. Đến cuối năm, cơ quan này ước tính các trường hợp chết trong cô độc sẽ lên tới 68.000, so với khoảng 27.000 vào năm 2011.
Tokiwadaira ở thành phố Matsudo là cộng đồng đầu tiên buộc phải đối mặt với hiện tượng đau thương này cách đây 2 thập kỷ, với việc phát hiện thi thể một người đàn ông đã qua đời được 3 năm trong căn hộ chung cư. Tiền thuê nhà và hóa đơn được thanh toán tự động và việc người đàn ông qua đời chỉ được phát hiện khi tiền tiết trong tài khoản cạn kiệt.
"Căn hộ đó không phải là nơi con người có thể sống. Chúng tôi không muốn điều gì đó khủng khiếp như thế xảy ra lần nữa", bà Aiko Oshima, Phó Chủ tịch Hiệp hội cư dân Tokiwadaira, cho biết.
Mọi người đều già đi
Cách đây hơn 6 thập kỷ, những căn chung cư 4 tầng ở Tokiwadaira được coi là nơi ở mơ ước của các gia đình trẻ trong giai đoạn phát triển thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh. Khu phố vang vọng tiếng trẻ con chơi đùa trên những đại lộ rợp bóng cây. Ngày nay, Tokiwadaira có 170 tòa chung cư, tạo nên một trong những khu nhà ở công cộng lớn nhất Nhật Bản.
"Nền kinh tế khi đó đang bùng nổ và các gia đình rất muốn sống ở đây. Đó là một nơi sôi động. Nhưng giờ đây mọi người đều già đi", Oshima, người đã chuyển đến Tokiwadaira cùng chồng và con trai nhỏ vào năm 1961, cho biết.
Hiện nay, khi dân số Nhật Bản tiếp tục già đi, ngày càng nhiều người dành những năm cuối đời trong cô độc. Theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia, số người trên 65 tuổi sống một mình là 7,38 triệu người vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên gần 11 triệu người vào năm 2050. Theo điều tra dân số năm 2020, hộ gia đình 1 người chiếm gần 38% tổng số hộ gia đình, tăng 13,3% so với cuộc điều tra được thực hiện 5 năm trước.
Khả năng chết trong cô độc chắc chắn sẽ tăng lên trong xã hội hiện nay. Điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết vấn đề này ngay từ đầu.
Bộ trưởng Y tế Keizo Takemi
Những nỗ lực thay đổi
Tại Tokiwadaira, ước tính 54% cư dân trên 64 tuổi và 1.000 trong số 7.000 cư dân sống một mình. Một loạt trường hợp kodokushi đã thúc đẩy người dân địa phương hành động.
Hiệp hội cư dân phản ứng bằng cách thiết lập đường dây nóng để báo cáo những tình huống quan ngại trong cộng đồng với chính quyền và khởi xướng chiến dịch "không có cái chết trong cô độc" vào năm 2004. Sáng kiến này kể từ đó đã được áp dụng như một mô hình để giải quyết những thách thức tương tự ở các cộng đồng nhà ở dành cho người già khác.
Năm nay, Tokiwadaira đã giới thiệu với người dân kizuna, một thiết bị giám sát được trang bị cảm biến giúp xác nhận người ở trong căn hộ có di chuyển hay không. Nhóm tuần tra tình nguyện cũng dựa vào các dấu hiệu nguy cơ như quần áo để ngoài ban công khi đã khô, rèm cửa được kéo vào ban ngày, không nhận thư hoặc báo gửi đến hay nhà luôn sáng đèn.
Tại Tokiwadaira, Aiko Oshima tạo một album ảnh cho các nạn nhân kodokushi. Dù những hình ảnh này rất đau lòng nhưng bà tin rằng chúng đóng vai trò như lời nhắc nhở quan trọng về hậu quả của cô lập xã hội trong cộng đồng. Mặc dù các chiến dịch chưa xóa bỏ hoàn toàn những cái chết cô độc nhưng số lượng đã giảm xuống, với chỉ một vài trường hợp được báo cáo hàng năm.
Yoko Kohama, người đã sống một mình kể từ khi chồng mất cách đây 8 năm, được tình nguyện viên đến thăm. Người phụ nữ 87 tuổi này, trước đây quản lý cửa hàng quần áo và tiệm mạt chược ở Tokyo, hiện dành cả ngày dùng máy tính bảng và làm món umeboshi.
"Tôi không khỏe lắm", Kohama nói. Kể từ khi chú chó cưng chết vào năm ngoái, Kohama chỉ tiếp xúc với thế giới bên ngoài thông qua chơi mạt chược (các buổi này cấm người chơi hút thuốc, uống rượu và đánh bạc).
Nói rằng tôi không lo lắng việc chết trong cô độc là nói dối. Nhưng chúng ta không thể kiểm soát được mình sẽ ra đi khi nào và ra đi như thế nào. Điều đó là do ông trời.
Bà Yoko Kohama, 87 tuổi
Kohama không có con cái và mắc bệnh phổi mãn tính. Chia sẻ về tình cảnh hiện tại của mình, bà nói: "Tôi có một khoản lương hưu khiêm tốn và tôi cũng lo lắng về sức khỏe của mình. Tôi không biết hàng xóm của tôi là người như thế nào. Tôi nghĩ mình sẽ kết bạn khi chuyển đến đây nhưng điều đó đã không xảy ra".