pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Cảm ơn người bệnh đã chiến đấu cùng chúng tôi”
Bác sĩ Thảo thăm khám cho bệnh nhân
"Những ngày còn ở tâm dịch TP.HCM, chiến đấu đến rã rời suốt nhiều ngày đêm không ngủ, tôi từng nghĩ, sau khi dịch bệnh kết thúc, mình sẽ ngủ một giấc thật dài. Thế nhưng khi trở về quê hương, với tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp, tôi cùng các đồng nghiệp lại "lăn mình" vào công việc", bác sĩ Phương Thảo chia sẻ.
Được biết, bác sĩ Hà Thị Phương Thảo sinh năm 1990, là con út trong một gia đình thuần nông tại tỉnh Cao bằng. Sau khi tốt nghiệp ngành Y, chị công tác tại Khoa Nội tổng hợp – Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng và gắn bó với nơi đây đã 6 năm. Chị chia sẻ rằng, chị vào ngành y là do bố mẹ định hướng, nhưng khi vào nghề, chị gắn bó hơn bởi đồng cảm với nỗi đau bệnh tật của bệnh nhân, muốn làm nhiều hơn cho họ, giảm bớt nỗi khổ, đặc biệt với mong muốn người bệnh được chăm sóc tốt từ tuyến cơ sở.
Trong 6 năm gắn bó với y tế cơ sở, biết bao chuyện buồn vui diễn ra, có những điều ghi lại trong chị những dấu ấn khó quên. Chị kể: "Ngày ấy, có một bệnh nhân từ dưới xuôi lên Cao Bằng làm thợ hồ, bị điện giật, vào viện trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, lúc đó tôi còn là một bác sĩ vừa mới hoàn thành chương trình học Chuyên khoa I hồi sức, cấp cứu. Lần đầu tiên thực hiện một ca cấp cứu như vậy, tôi khá lo lắng. Nhưng vì tính mạng bệnh nhân, tôi đã kịp thời báo cáo lãnh đạo, khởi động kíp cấp cứu, tiến hành cấp cứu. Sau gần 1 giờ, ca cấp cứu đã thành công, mạch, huyết áp của bệnh nhân đã trở lại. Sau đó bệnh nhân được chuyển tuyến lên Hà Nội điều trị. Thật hạnh phúc khi sau một thời gian tôi nhận được tin từ người nhà bệnh nhân báo đã điều trị khỏi và trở về nhà".
Đối với bác sĩ Thảo, đó là niềm hạnh phúc khi trao cho bệnh nhân một cơ hội sống lần hai. Nhưng trong cuộc đời của một bác sĩ, cũng có những lần nhìn người bệnh ra đi và cảm nhận nỗi đau từ chính trái tim mình. Chị không thể nào quên một ca bệnh Covid-19 trong thời gian chống dịch tại TP.HCM vào năm 2021. Nơi làm việc của chị là một khu hồi sức của Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19. Trong một gia đình có 6 người bị nhiễm bệnh, người vợ có dấu hiệu chuyển nặng. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân trong tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh, tiên lượng rất nặng. Khi đó hệ thống y tế đang trong tình trạng quá tải không thể chuyển được bệnh nhân tới bệnh viện hồi sức để điều trị, dù đã cố gắng hết sức với điều kiện có thể làm được tại khu thu dung, nhưng bệnh nhân không qua khỏi. Lúc bệnh nhân mất cũng là lúc người nhà gần như gục ngã.
"Lúc đó, tôi và nhiều bác sĩ có mặt đã bật khóc. Tuổi của bệnh nhân cũng xấp xỉ mẹ tôi, còn tuổi con gái bệnh nhân cũng như tuổi tôi. Cho đến giờ ca bệnh vẫn còn ám ảnh tôi, để mỗi ngày, tôi lại càng phải cố gắng hơn nữa để không phải chứng kiến những nỗi đau như thế!", bác sĩ Thảo ngậm ngùi chia sẻ.
Theo bác sĩ Phương Thảo, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, những khó khăn đã là khó khăn chung của tất cả các ngành chứ không của riêng ngành y. Tuy nhiên càng khó khăn hơn cho những người làm nghề y ở tuyến cơ sở. Y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19. Y tế cơ sở cũng là lực lượng "tuyến đầu của tuyến đầu" trong công tác phòng chống dịch bệnh, luôn theo sát nhất người dân, chăm sóc sức khỏe từng hộ gia đình, thực hiện các nhiệm vụ truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, quản lý, vận chuyển kịp thời người bệnh ngay tại các xã, phường, thị trấn. Vì thế, chị mong muốn được các cấp ngành quan tâm, đầu tư nâng cấp, mở rộng, cải tạo, xây mới các trạm y tế không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, vấn đề về nhân lực y tế được xem là một tiêu chí rất quan trọng, quyết định sự thành công trong định hướng phát triển của tuyến y tế cơ sở, tuy nhiên cũng là một tiêu chí khó khăn nhất hiện nay.
Về bản thân mình, bác sĩ Thảo cho biết, trong thời gian tới chị sẽ tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn, phát huy sức trẻ, sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch ở bất cứ tuyến nào.
Trước thềm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, cả nước gửi lời tri ân những người làm ngành y, nhưng đối với bác sĩ Phương Thảo, chị muốn gửi lời tri ân tới những bệnh nhân đã cùng với các y, bác sĩ chiến đấu với dịch bệnh, để những chiến sĩ áo trắng như chị đạt được tâm nguyện cứu người.