Cẩm Phả: Chú trọng phát huy "nguồn lực nội sinh" gắn với văn hoá, bản sắc con người Quảng Ninh

An Nhi
27/12/2024 - 11:51
Cẩm Phả: Chú trọng phát huy "nguồn lực nội sinh" gắn với văn hoá, bản sắc con người Quảng Ninh

Thành phố Cẩm Phả hướng đến phát triển toàn diện kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo vệ môi trường

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh lựa chọn chủ đề công tác năm là "Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh". Với nhiều kế hoạch trọng tâm trong việc phát triển con người gắn với các công trình văn hóa, di tích và phát triển du lịch, Đảng bộ và Nhân dân thành phố Cẩm Phả đã khẳng định nguồn lực nội sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh.

Năm 2024, thành phố Cẩm Phả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện tiếp nối thành quả giữ vững địa bàn "An toàn - Ổn định - Phát triển". Mặc dù có một số khó khăn, thách thức do tác động nặng nề của cơn bão số 3 (bão Yagi) gây thiệt hại, ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, song Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố đã quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện trên các lĩnh vực công tác gắn với Chủ đề công tác năm 2024 về "Tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư. Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh" và đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Những kết quả tiêu biểu

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy Quảng Ninh "về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững", tiếp tục xây dựng văn hoá, con người Cẩm Phả với truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm", tinh thần "Hội tụ văn hoả thợ mỏ, lan tỏa tình người vùng than" trở thành nét tiêu biểu của văn hoá con người Quảng Ninh.

Theo đó, lãnh đạo và nhân dân thành phố Cẩm Phả luôn ý thức sâu sắc về truyền thống cha ông, chú trọng vào phát triển tri thức gắn liền văn hoá giữ vững top đầu toàn tỉnh. Ngành giáo dục đã tổ chức và phối hợp triển khai nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo các nghề đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và các dịch vụ, du lịch, thể thao, giải trí; đẩy mạnh đào tạo lại, chuyển đổi nghề cho lao động ngành Than phù hợp với xu thế chuyển đổi mô hình từ "nâu" sang "xanh", chuyển đổi số và chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cẩm Phả: Chú trọng phát huy "nguồn lực nội sinh" gắn với văn hoá, bản sắc con người Quảng Ninh- Ảnh 1.

Các bạn trẻ say mê nghe bà Trương Thị Lê - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Sán Dìu tại Cẩm Phả (thứ 3 từ phải sang) kể chuyện và truyền dạy văn hóa của dân tộc.

Bên cạnh đó, mỗi trường lựa chọn bổ sung các tiêu chí cụ thể phù hợp để xây dựng và phát triển văn hóa học đường mang bản sắc riêng trên cơ sở mô hình "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Trường học hạnh phúc". Thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc từ trong nhà trường; tạo điều kiện để học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số được gìn giữ, sử dụng trang phục truyền thống, ngôn ngữ của dân tộc mình trong nhà trường.

Theo ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả, cho biết: bên cạnh công tác giáo dục, Thành phố đặc biệt chú trọng đến công tác Văn hoá. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Cẩm Phả có 25 di tích gồm: 01 di tích quốc gia đặc biệt, 03 di tích cấp quốc gia, 05 di tích cấp tỉnh và 16 di tích đã được kiểm kê phân loại. Ngoài việc quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích, duy trì, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, truyền thống cách mạng của công nhân vùng Mỏ anh hùng thì các lễ hội truyền thống của địa phương, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các di tích luôn được đặc biệt quan tâm như: Lễ hội đền Cửa Ông đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, Lễ hội đình Cẩm Hải, Lễ hội đình Cộng Hòa.

Cẩm Phả: Chú trọng phát huy "nguồn lực nội sinh" gắn với văn hoá, bản sắc con người Quảng Ninh- Ảnh 2.

Công nhận 16 "Cây di sản Việt Nam" tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên và xã Dương Huy.

Năm 2024, Thành phố lập hồ sơ đăng ký, được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận 16 "Cây di sản Việt Nam" tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên và xã Dương Huy, đã tổ chức công bố Quyết định công nhận vào Lễ hội đền Cửa Ông tháng 02 năm Giáp Thìn 2024. Cùng với đó là các lễ hội, di sản văn hoá phi vật thể của nhân dân các dân tộc tiếp tục được gìn giữ.

Điểm nhấn của kế hoạch đó là Thành phố đã duy trì được các Câu lạc bộ (CLB) văn nghệ truyền thống như: CLB hát Sọng cô tại phường Quang Hanh và xã Dương Huy để bảo tồn dân ca của dân tộc Sán Dìu, 02 CLB Đàn hát dân ca tại phường Cẩm Bình. Thông qua các mô hình này, thế hệ trẻ sẽ kế thừa và phát huy những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc, gắn với bản sắc con người Cẩm Phả.

Đặc biệt, với truyền thống vùng mỏ anh hùng, bất khuất, thành phố cũng xây dựng hồ sơ công trình Khu nhà lưu niệm Vùng than Cẩm Phả, phường Cẩm Tây, thành phố Cẩm Phả (trước đây là Tòa đại lý hành chính Cẩm Phả) là công trình kiến trúc có giá trị loại I được UBND tỉnh phê duyệt Danh mục công trình kiến trúc có giá trị năm 2024, gắn với các di tích: Ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai, địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ than Đèo Nai ngày 30/3/1959 và công trình kiến trúc văn hóa Quảng trường 12/11 tại Thành phố.

Cẩm Phả: Chú trọng phát huy "nguồn lực nội sinh" gắn với văn hoá, bản sắc con người Quảng Ninh- Ảnh 3.

Học sinh trên địa bàn thành phố tham quan, tìm hiểu tại các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa của thành phố như: Quảng trường 12/11, di tích Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai

Để góp phần gìn giữ kết hợp quảng bá cho du lịch thành phố, thời gian qua, Cẩm Phả đã đổi mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch giải trí; phối hợp tổ chức thành công vòng Chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024 tại Quảng trường Khu đô thị Green Dragon City (phường Cẩm Trung). Các đơn vị trên địa bàn cũng tích cực tổ chức các chương trình nghệ thuật, giải thể thao trong dịp đầu Xuân, dịp Hè, các ngày Lễ lớn, ngày nghỉ cuối tuần, tạo các tuyến, tour du lịch giữa các tỉnh, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với Thành phố gắn với truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm" của người dân Cẩm Phả, thu hút gần 1,3 triệu lượt khách du lịch đến địa phương trong năm 2024.

Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ

Bước sang năm 2025, để tiếp tục tích cực triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững", trọng tâm là "phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh". Theo đó, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Cẩm Phả đều tập trung triển khai xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết phù hợp với tình hình của địa phương.

Cẩm Phả: Chú trọng phát huy "nguồn lực nội sinh" gắn với văn hoá, bản sắc con người Quảng Ninh- Ảnh 4.

Những "đại sứ du lịch" Việt Nam trong trang phục truyền thống dân tộc tham quan Khu di tích và danh thắng Vũng Đục (phường Cẩm Đông).

Trong đó, ngành Văn hóa sẽ tập trung tham mưu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện tốt các Nghị quyết của tỉnh và những Nghị quyết chuyên đề của Thành phố, gắn với Bộ quy tắc ứng xử "Tự hào là công dân Cẩm Phả" theo hướng thực hiện thường xuyên các chuẩn mực ứng xử văn minh, lịch sự với "4 xin, 4 luôn": Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ; tham gia giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Cẩm Phả "Đoàn kết - Bất khuất - Kiên cường - Kỷ luật và đồng tâm".

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các kế hoạch xây dựng hình ảnh con người Cẩm Phả "Đức độ - Tài năng - Khỏe đẹp - Nghĩa tình", thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động tại Thành phố, đặc biệt là phong trào xây dựng "Thành phố Cẩm Phả - Thành phố không rác thải, sạch đẹp, an toàn", hướng dẫn sử dụng "Bộ nhận diện thương hiệu Thành phố" trong công tác tuyên truyền và quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Cẩm Phả, xây dựng thương hiệu văn hóa thành phố Cẩm Phả "Hội tụ văn hóa thợ mỏ - Lan tỏa tình người vùng than", phát triển văn hóa, con người Cẩm Phả trở thành điển hình văn hóa, con người Quảng Ninh.

Cẩm Phả: Chú trọng phát huy "nguồn lực nội sinh" gắn với văn hoá, bản sắc con người Quảng Ninh- Ảnh 5.

Đường bao biển thành phố Cẩm Phả nằm bên bờ vịnh Bái Tử Long thu hút khách du lịch tham quan

Đặc biệt, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch, bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá sẽ được thành phố đẩy mạnh phát triển theo hướng bền vững. Thành phố cũng sẽ chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tham mưu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 

"Trong đó, nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ được xác định là nhiệm vụ then chốt, tạo đột phát trong phát triển du lịch xanh, tạo bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý, điều hành, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chủ động nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả, nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm