Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết: Quỹ bảo trì nhà chung cư có giá trị rất lớn, phổ biến với nhà chung cư trên 20 tầng thì quỹ này có giá trị khoảng 20 tỷ đồng trở lên. Thậm chí, có những tòa có quỹ bảo trì lớn hơn cả vốn điều lệ của một doanh nghiệp trung bình, như tòa nhà Keangnam, có quỹ bảo trì lên đến khoảng 160 tỷ đồng.
Người đứng đầu HoREA cho rằng: Nguồn tiền phí bảo trì chung cư là rất lớn, nên hiện nay, các tranh chấp về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư đang diễn ra gay gắt tại nhiều chung cư giữa chủ đầu tư và tập thể các hộ dân trong tòa nhà.
Theo HoREA, chỉ trong 44 nhà chung cư có tranh chấp do Sở Xây dựng TP.HCM đang thụ lý, giải quyết, thì có đến 34 vụ việc liên quan đến kinh phí bảo trì chung cư (chiếm tỷ lệ 77%).
Còn tại Hà Nội, mới đây Sở Xây dựng Hà Nội vừa ra thông báo số 21/TB-SXD(QLN) danh sách các dự án và chủ đầu tư chây ỳ bàn giao kinh phí bảo trì 2%; trong đó có các chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Thăng Long, chủ đầu tư Dự án xây dựng nhà chung cư số 250 Minh Khai (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng);
Công ty sản xuất thương mại BMM, chủ đầu tư Dự án xây dựng nhà chung cư BMM (phường Phúc La, quận Hà Đông); Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại VNECO Hà Nội, chủ đầu tư chung cư Starcity (số 81 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân); Công ty cổ phần Xây dựng số 2 - Vinaconex, chủ đầu tư chung cư nhà B Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm).
Luật Nhà ở 2014 quy định, người mua căn hộ chung cư phải nộp kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua nhà (trước thuế VAT). Đặc biệt là phải nộp tại thời điểm nhận bàn giao nhà. Còn chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư cho Ban Quản trị nhà chung cư để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, quy định về thu kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà, để thực hiện công tác bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư là rất cần thiết. Tuy nhiên, phương thức thu và quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư như cách làm hiện nay có nhiều bất cập.
Đặc biệt là “làm tăng gánh nặng của người mua nhà, phải trả thêm 2% giá trị hợp đồng mua nhà khi nhận bàn giao nhà”. Với những người không có điều kiện kinh tế, phải cầm cố, vay mượn mới đủ tiền mua nhà thì với họ, tăng thêm các khoản chi phí cũng sẽ là gánh nặng không nhỏ đè lên vai.
Cạnh đó, theo ông Châu, quỹ bảo trì cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp gay gắt về quyền quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư; cũng như trở thành miếng mồi ngon thu hút một số phần tử xấu trong xã hội tìm cách chui vào Ban quản trị nhà chung cư để trục lợi quỹ bảo trì.
Hiện nay, qũy bảo trì chung cư thường được sử dụng để bảo trì một số thiết bị thuộc sở hữu chung như: thang máy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước bẩn... đã hết thời hạn bảo hành.
Trên thực tế, dù có thu đủ kinh phí bảo trì 2% thì cũng không đủ để thực hiện bảo trì trong suốt vòng đời của nhà chung cư. Khoảng chừng hơn mươi năm, quỹ bảo trì chung cư cũng hết và các chủ sở hữu chung cư sẽ phải đóng góp thêm kinh phí bảo trì.
Để hoàn thiện phương thức thu và quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư nhằm giảm áp lực lên vai người mua nhà, ông Châu cho rằng: “Cần bãi bỏ quy định người mua nhà phải đóng kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà tại thời điểm nhận nhà vì không cần thiết, không hợp lý”.
Thay vào đó, chủ sở hữu nhà chung cư phải đóng kinh phí bảo trì 2% này trong thời hạn 60 tháng (là 5 năm, cũng thường là thời điểm kết thúc công tác bảo hành nhà chung cư). Mức đóng hàng tháng được chia đều trong 60 tháng, làm giảm nhẹ gánh nặng cho chủ sở hữu nhà chung cư và hợp lý hơn.
“Ban quản trị nhà chung cư chịu trách nhiệm thu kinh phí bảo trì chung cư và kiến nghị xây dựng cơ chế để Ban quản trị thực hiện được nhiệm vụ này”, ông Lê Hoàng Châu đề xuất.