"Cận cảnh" ca ghép tim lợn cho người đầu tiên trên thế giới

Kim Ngọc
11/01/2022 - 15:33
"Cận cảnh" ca ghép tim lợn cho người đầu tiên trên thế giới

Các bác sĩ phẫu thuật ghép tim lợn cho bệnh nhân David Bennett. Ảnh: AP

Các bác sĩ ở Maryland (Mỹ) đã tiến hành ghép tim từ lợn biến đổi gen cho một bệnh nhân mắc bệnh tim giai đoạn cuối, mở ra hy vọng mới cho việc cấy ghép nội tạng từ động vật sang người.

Ca ghép tim lợn cho người đầu tiên

The Guardian mới đây đưa tin các bác sĩ ở Maryland (Mỹ) đã ghép tim từ lợn biến đổi gen cho một bệnh nhân trong nỗ lực cuối cùng để cứu sống người này. Bệnh nhân hiện khỏe mạnh sau 3 ngày trải qua cuộc phẫu thuật mang tính thử nghiệm này, mặc dù vẫn còn quá sớm để biết liệu phẫu thuật có thành công hay không - các bác sĩ tại Trung tâm y tế Đại học Maryland cho biết.

Dù chưa biết rõ kết quả, song ca cấy ghép đánh dấu một bước tiến mới trong nhiều thập kỷ về việc sử dụng nội tạng động vật để cứu sống con người. Theo các bác sĩ, ca cấy ghép cho thấy tim từ động vật biến đổi gen có thể hoạt động trong cơ thể con người mà không bị đào thải ngay lập tức.

Bệnh nhân được ghép tim là David Bennett, 57 tuổi, người mắc bệnh tim giai đoạn cuối và tim lợn là "lựa chọn duy nhất hiện có". Mặc dù biết không có gì đảm bảo phẫu thuật sẽ thành công nhưng Bennett không đủ điều kiện để cấy ghép tim người và không còn lựa chọn nào khác. "Chỉ có 2 lựa chọn: chết hoặc thực hiện cuộc phẫu thuật ghép tim này. Tôi muốn sống. Tôi biết phẫu thuật có thể không thành công, nhưng đó là lựa chọn cuối cùng của tôi", Bennett cho biết 1 ngày trước khi phẫu thuật, theo một tuyên bố do Trường Đại học Y Maryland cung cấp.

Ca ghép tim lợn cho người đầu tiên trên thế giới - Ảnh 1.

Bác sĩ Bartley Griffith chụp ảnh selfie với bệnh nhân David Bennett (phải). Ảnh: AP

Cuộc phẫu thuật cho Bennett kéo dài 7 giờ tại Bệnh viện Baltimore (Maryland). Bác sĩ Bartley Griffith, người thực hiện ca phẫu thuật, cho biết tình trạng của Bennett lúc đó là suy tim và nhịp tim không đều, điều khiến ông không đủ điều kiện để cấy ghép tim người hoặc bơm tim nhân tạo. Griffith đã cấy ghép tim lợn vào khoảng 50 con khỉ đầu chó trong hơn 5 năm, trước khi đưa ra lựa chọn này cho bệnh nhân.

Bác sĩ Griffith nói trong một tuyên bố: "Chúng tôi đang tiến hành một cách thận trọng nhưng chúng tôi cũng lạc quan rằng ca phẫu thuật ghép tim lợn cho người đầu tiên trên thế giới này sẽ mang đến một lựa chọn mới quan trọng cho các bệnh nhân trong tương lai".

Hôm thứ Hai (10/1), Bennett đã có thể tự thở nhưng vẫn được hỗ trợ bởi máy tim - phổi. Vài tuần tới, khi Bennett hồi phục sau phẫu thuật sẽ là thời gian rất quan trọng, ông sẽ được các bác sĩ cẩn thận theo dõi tình trạng hoạt động của tim. Bác sĩ Griffith chia sẻ: "Mỗi ngày chúng tôi hiểu thêm rất nhiều điều từ Bennett. Cho đến nay, chúng tôi hạnh phúc với quyết định của mình. Ông ấy cũng vậy, với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt hôm nay".

Hy vọng mới trong việc ghép nội tạng động vật cho người

Mỹ đang thiếu nội tạng người hiến tặng để phục vụ cho việc cấy ghép và phẫu thuật, khiến các nhà khoa học phải cố gắng tìm ra cách sử dụng nội tạng động vật thay thế. Năm 2021, có hơn 3.800 ca ghép tim ở Mỹ, một con số kỷ lục, theo United Network for Organ Sharing (Unos) - cơ quan giám sát hệ thống cấy ghép của quốc gia. Theo organdonor.gov, có tổng cộng 106.657 người nằm trong danh sách chờ ghép tạng và 17 người chết mỗi ngày khi chờ được hiến tạng.

Tiến sĩ Muhammad Mohiuddin, Giám đốc khoa học của chương trình cấy ghép nội tạng động vật cho người của trường đại học, cho biết: "Nếu phẫu thuật cấy ghép thành công, chúng ta sẽ có nguồn cung nội tạng vô tận cho những bệnh nhân đang cần chúng".

"Cận cảnh" ca ghép tim lợn cho người đầu tiên trên thế giới - Ảnh 2.

Các bác sĩ phẫu thuật ghép tim lợn cho bệnh nhân David Bennett. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, những nỗ lực trước đây trong việc cấy ghép nội tạng động vật cho người hoặc xenotransplant (ghép dị chủng) đều thất bại, phần lớn là do cơ thể bệnh nhân nhanh chóng đào thải nội tạng động vật. Đáng chú ý, vào năm 1984, Baby Fae, một đứa trẻ sơ sinh đã sống 21 ngày với trái tim từ khỉ đầu chó. Các bác sĩ ở Maryland cho biết sự khác biệt lần này là họ sử dụng tim từ lợn trải qua quá trình chỉnh sửa gen để loại bỏ một loại đường trong tế bào, nguyên nhân gây ra sự đào thải nội tạng siêu nhanh trước đó.

Một số công ty công nghệ sinh học cũng đang phát triển nội tạng lợn để cấy ghép cho người; quả tim lợn biến đổi gen sử dụng cho cuộc phẫu thuật mới đây của Bennett đến từ Revivicor, một công ty con của United Therapeutics.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), cơ quan giám sát các thí nghiệm cấy ghép xenotransplant đã cho phép tiến hành phẫu thuật theo quy định về ủy quyền khẩn cấp "sử dụng ưu tiên", áp dụng khi bệnh nhân có tình trạng đe dọa đến tính mạng không còn lựa chọn nào khác.

Tháng 9/2021, các bác sĩ phẫu thuật ở New York đã thực hiện thử nghiệm chứng tỏ nội tạng từ lợn biến đổi gen có thể ghép cho người, mở ra hy vọng cho việc cấy ghép nội tạng từ động vật sang người. Các bác sĩ đã tạm thời ghép thận từ lợn biến đổi gen vào một phụ nữ chết não và nhận thấy nó hoạt động.

Tiến sĩ Robert Montgomery, người dẫn đầu cuộc thử nghiệm này tại NYU Langone Health, cho biết, ca ghép tim của các bác sĩ ở Maryland đã đưa thử nghiệm của họ lên một tầm cao mới. Ông nói trong một tuyên bố: "Đây thực sự là một bước đột phá đáng chú ý. Là một người được ghép tim, bản thân lại mắc chứng rối loạn tim di truyền, tôi rất vui vì tin tức này. Nó mang lại hy vọng cho gia đình tôi và những bệnh nhân khác, những người rồi sẽ được cứu sống nhờ bước đột phá này".

Nguồn: The Guardian, CNN
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm