Cần nâng cao điều kiện sống để người lao động không phải rút BHXH một lần

PVH
22/10/2021 - 18:51
Cần nâng cao điều kiện sống để người lao động không phải rút BHXH một lần

Đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, phát biểu tại Tổ 6 vào chiều 22/10

Thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH), đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Trong thực tế, hưởng BHXH một lần thường rơi vào số lao động trẻ tuổi, lao động nữ.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, chiều nay (22/10), Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 (BHYT) và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm (2019-2020).

Thảo luận tại Tổ 6 về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, bày tỏ băn khoăn với thực tế thời gian qua, người tham gia hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng rất đáng lo ngại. Rút BHXH một lần sẽ không đảm bảo được vấn đề an sinh cho người lao động khi về già.

Đại biểu Hà Thị Nga cho rằng, trong thực tế, hưởng BHXH một lần thường rơi vào số lao động trẻ tuổi, lao động nữ. Nhiều trường hợp lao động nữ đến khi sinh con là chuyển sang hưởng BHXH một lần. Qua đó cho thấy, người lao động vẫn chỉ nhìn tới những khó khăn trước mắt, không chú ý tới lợi ích lâu dài. "Chúng ta cần phải có cơ chế, chính sách rất cụ thể, hiệu quả để người lao động nâng cao hiểu biết cũng như điều kiện sống để họ không phải rút BHXH một lần", đại biểu Hà Thị Nga nhấn mạnh.

Tính đến hết ngày 31/12/2020, số người tham gia BHXH là 16.176.180 người, bằng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt chỉ tiêu đặt ra của năm 2020.

Số người hưởng BHXH một lần năm 2020 là 860.741 người, tăng 6,65% so với năm 2019.

Về BHYT, mặc dù tỷ lệ bao phủ đạt cao trên 90%, tuy nhiên, theo đại biểu Hà Thị Nga, các địa phương đạt BHYT cao chủ yếu rơi vào các đối tượng được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT, cho thấy sự thiếu bền vững trong phát triển đối tượng tham gia BHYT.

Nêu ra một số đề xuất, đại biểu Hà Thị Nga cho rằng: Công tác tuyên truyền vẫn tiếp tục cần được đẩy mạnh hơn nữa, tập trung vào các nhóm gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, nhằm thay đổi nhận thức cho người dân để lo cho chính sức khỏe của bản thân.

Cần nâng cao điều kiện sống để người lao động không phải rút BHXH một lần - Ảnh 2.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 6

Cùng với đó, cần quan tâm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, dịch vụ, tránh tình trạng người dân không tha thiết với việc khám chữa bệnh có BHYT bởi thủ tục rườm rà, khó khăn. Cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ y tế ở tuyến cơ sở, tuyến huyện thực hiện khám chữa bệnh BHYT theo danh mục, giảm áp lực cho tuyến trên.

Theo đại biểu Hà Thị Nga, cử tri Đồng Tháp cũng kiến nghị Bộ Y tế cần có đánh giá về thực trạng, nhu cầu của các đối tượng khác nhau để có sự linh hoạt trong mức đóng BHYT, đa dạng mức hưởng để làm sao phù hợp với từng nhóm người dân.

Đồng thời, cử tri kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo để nghiên cứu cấp quốc gia đánh giá về gánh nặng, tác động về chi phí với một số căn bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng nặng nề tới người dân, đặc biệt là phụ nữ. Qua đó để có những chính sách hỗ trợ khám sàng lọc với một số bệnh như ung thư vú, ung thư cổ tử cung…, góp phần thực hiện bình đẳng và quan tâm về giới trong hoạt động khám chữa bệnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm