pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần những 'đầu tàu' dẫn dắt nền nông nghiệp 5.0
Ba chữ "biến" gây khó nông nghiệp Việt
Trong suốt gần 40 năm đổi mới, nông nghiệp luôn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam đã nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu năm ngoái đạt 26,4 tỷ USD, tăng trên 17% so với năm trước.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, nông nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 3 - 4%/năm, nhất là từ giai đoạn 2021 đến nay.
Năm ngoái, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 53 tỷ USD. Việt Nam hiện đứng top 5 thế giới về xuất khẩu cá tra, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu đen, chè, sắn và sản phẩm gỗ.
Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước đang phải đối diện với năng suất trên diện tích đất canh tác đã đến ngưỡng.
"Các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, tiêu, cá tra đều đạt năng suất kỷ lục thế giới. Trong khi đó, nguồn lực tự nhiên lại suy giảm. Đất canh tác khó có thể mở rộng hơn hoặc phải chuyển đổi thành đất đô thị hoặc suy thoái dần, tình trạng thiếu nước đã diễn ra.
Mặt khác, thách thức còn đến từ những quy định mới của các nước về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật về môi trường từ các nước phát triển", ông Tuấn chia sẻ tại Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0, do tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức hôm nay.
Ông Tuấn nhìn nhận, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với ba chữ biến. Đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng và để giải quyết những vấn đề này, chìa khóa bắt buộc phải nằm ở công nghệ.
"Chỉ có công nghệ mới giúp ngành nông nghiệp sử dụng ít đầu vào hơn, ít tài nguyên thiên nhiên hơn, ít sức lao động hơn nhưng vẫn mang lại giá trị cao hơn", ông Tuấn khẳng định.
Đây là những ý tưởng chính của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2023 và tầm nhìn đến 2050. Chiến lược tập trung khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, đưa ra những chính sách hỗ trợ toàn diện, từ đất đai, tín dụng, thuế, hạ tầng, nghiên cứu khoa học công nghệ tới phát triển nguồn nhân lực.
"Ba trụ cột quan trọng của chiến lược là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, tạo ra đội ngũ nông dân chuyên nghiệp", ông Tuấn chia sẻ.
Cần những "đầu tàu 5.0"
Nhìn nhận về công nghệ 5.0, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nói rằng, nếu công nghệ 4.0 mang tới trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối… khuyến khích sự tương tác giữa các vật với nhau, giữa các máy với nhau thì công nghệ 5.0 nhấn mạnh yếu tố con người, con người tương tác và làm chủ AI do chính mình tạo ra.
"AI sẽ là phương tiện để giải quyết những thách thức trong cuộc sống của con người tốt đẹp hơn. Với nông nghiệp, mục tiêu là giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững", ông Quất nói.
Đại diện Bộ Khoa học và công nghệ cũng đánh giá, sự dịch chuyển và ứng dụng của công nghệ 5.0 cần có các tập đoàn lớn dẫn dắt bởi đó chính là đối tượng đặt hàng và tham gia giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu và khu vực.
"Chia sẻ từ các tập đoàn dẫn đầu lĩnh vực là vô cùng quan trọng vì họ là những người đi cùng người nông dân để tạo ra những hiệu quả thực tế. Chúng ta đang thiếu những đầu tàu dẫn dắt trong lĩnh vực chiến lược để tạo ra sự cạnh tranh", ông Quất nhận định.
Có mặt tại phiên thảo luận là Tập đoàn TH, một trong những doanh nghiệp "đầu tàu", ứng dụng nông nghiệp thông minh một cách toàn diện, xuyên suốt và đồng bộ trong chuỗi sản xuất sữa tươi sạch công nghệ cao khép kín và sản xuất các nông sản sạch, hữu cơ.
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH chia sẻ, tương lai công nghệ 5.0 đã hiện hữu trước mắt và không còn xa nữa. Tập đoàn TH đã thực hành nông nghiệp thông minh, đặc biệt là chăn nuôi, trong suốt 15 năm qua, do đó càng hiểu rõ hơn xu thế này.
"Thời điểm đó, khái niệm về 4.0 còn mơ hồ nhưng chúng tôi đã ứng dụng từ sớm, ứng dụng công nghệ 4.0 và thực tế đã thu được nhiều thành công.
Chúng tôi đã đưa các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp bằng cách ứng dụng công nghệ cao, khoa học công nghệ và khoa học quản trị đan xen vào nhau, kết hợp với trí tuệ Việt, tài nguyên thiên nhiên Việt, tìm ra chiếc "chìa khóa vàng" mở bung những sức mạnh tiềm tàng của nông nghiệp Việt.
Với kinh nghiệm đó, trước làn sóng công nghệ 5.0, hai vấn đề cốt lõi nhất mà TH tập trung vào là con người và kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn", ông Hải cho biết.
Với kinh nghiệm là một "đầu tàu", tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp bền vững, thực hành kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tại Việt Nam, đại diện Tập đoàn TH cho rằng nếu 4.0 mang lại nhiều công cụ, như AI, dữ liệu lớn hay trợ lý ảo, thì 5.0 chú trọng vào việc tương tác giữa con người và máy móc, đòi hỏi con người sử dụng hiệu quả các công cụ đó.,
"5.0 sẽ xoá nhoà ranh giới của không gian thực tế và không gian ảo. Tại đây, chúng tôi đặt ra yêu cầu con người phải được đào tạo, đầu tư công nghệ mới, các nhân viên của chúng tôi phải học cách phát triển, tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiệu quả nhất", ông Hải nói.
Việc phát triển này hoàn toàn phù hợp với chiến lược của TH. Từ lâu, TH đã chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực có trình độ cao về khoa học công nghệ, có khả năng làm chủ và vận hành các hệ thống công nghệ tiên tiến. Con người vẫn luôn là một trụ cột trong chiến lược phát triển bền vững của TH.
Để phát triển nông nghiệp thông minh, TH còn liên tục triển khai hợp tác nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với các đối tác trong nước và quốc tế để nắm bắt, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới cho nông nghiệp. Tập đoàn đầu tư vào các hệ thống tự động hóa tiên tiến và phát triển các mô hình sản xuất theo yêu cầu của người tiêu dùng.
Ông Đặng Kim Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhấn mạnh, cả hai mảng nông nghiệp xanh và nông nghiệp hiện đại đều phải dựa trên nền tảng vững chắc là nông dân và doanh nghiệp.
Trong đó chủ lực là các tập đoàn, doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ông Sơn cũng đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp đi đầu này.
Cụ thể, cần hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực. Tại đây, nhà nước và doanh nghiệp có cơ chế phối hợp để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ.
Bên cạn đó, cần hình thành được các chuỗi giá trị gắn kết thành những hệ sinh thái của các doanh nghiệp đầu tàu chịu trách nhiệm chế biến nâng cao giá trị nông sản, đưa hàng hóa ra thị trường.
Gắn bó xung quanh hạt nhân này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương cung cấp vật tư đầu vào, cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Kế tiếp là các hợp tác xã trang trại và hộ nông dân liên kết tạo thành một tổng thể đồng bộ về quy trình công nghệ, xuất xứ hàng hóa, cùng cung cấp nguyên vật liệu đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ thời gian cho hoạt động chế biến và kinh doanh.
Song song với đó, ông Sơn đề xuất áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.