Cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

PVH
08/11/2023 - 15:13
Cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: QH

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trước yêu cầu bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng.

Chiều 8/11, Quốc hội nghe Chính phủ trình dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, mục đích xây dựng Luật là nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp Quốc phòng, An ninh (CNQPAN) và động viên công nghiệp (ĐVCN) trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của CNQP, CNAN; phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của CNQP, CNAN và ĐVCN trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở CNQP, cơ sở CNAN phù hợp đặc thù CNQP, CNAN, ĐVCN và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CNQP, CNAN và ĐVCN.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây, nhất là cuộc xung đột Nga – Ucraina đang diễn ra, dự báo chiến tranh trong tương lai và yêu cầu bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới: Đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực CNQP, AN tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng; thực hiện ĐVCN rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh Tổ quốc, an ninh quốc gia...

Cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp

Dự thảo Luật gồm 07 chương và 73 điều, trong đó, tại Chương II về Công nghiệp quốc phòng, an ninh, gồm 05 mục quy định các hoạt động trong lĩnh vực CNQP, AN: Quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP, CNAN; quản lý sản xuất quốc phòng, an ninh; đảm bảo nguồn lực cho CNQP, AN; nguyên tắc tổ chức, hoạt động CNQP; nguyên tắc tổ chức, hoạt động CNAN.

Trong đó quy định một số nội dung trọng tâm như: Xác định quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP, CNAN là quy hoạch ngành quốc gia; Xác định nội dung quản lý sản xuất quốc phòng, an ninh với phân định rõ trường hợp giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu trong sản xuất quốc phòng, an ninh.

Các nguồn lực đảm bảo cho CNQP, AN gồm: nguồn vốn, nhân lực, đất đai phục vụ CNQP, AN và triển khai các hoạt động khoa học công nghệ. Trong đó, đối với nguồn vốn cho đầu tư phát triển CNQP, AN quy định: Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và được cơ cấu thành khoản mục riêng trong tổng số vốn ngân sách Trung ương được cấp có thẩm quyền phân bổ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trung hạn, hàng năm; đảm bảo ổn định trong suốt quá trình phân bổ và giải ngân; Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng nguồn vốn chuyên biệt phục vụ CNQP, AN bổ sung cho các chương trình, đề án, dự án đầu tư, nhiệm vụ có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt...

Tại Điều 71, dự thảo Luật cũng nêu rõ "Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận"; trong đó tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; phát huy chức năng giám sát, phản biện xã hội trong quá trình xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Tại Chương III, về Chuẩn bị và thực hành ĐVCN (từ Điều 33 đến Điều 46) gồm 2 mục quy định các hoạt động chuẩn bị ĐVCN trong thời bình và thực hành ĐVCN khi có lệnh tổng động viên, động viên cục bộ và trong tình trạng chiến tranh. Trong đó, quy định: Mở rộng phạm vi đối tượng ĐVCN gồm các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà thành viên hoặc cổ đông nước ngoài có tỷ lệ vốn góp không có quyền quyết định.

Hoàn thiện phương thức thực hiện ĐVCN với bổ sung phương thức đặt hàng; hoàn thiện quy định về phân cấp quản lý, thực hiện ĐVCN với phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trách nhiệm, quyền hạn thực hiện ĐVCN trong địa bàn quản lý phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ...

Cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu. Ảnh QH

Thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới bày tỏ đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, 20 năm thực hiện Pháp lệnh ĐVCN và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay; nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. 

Về bảo đảm nguồn lực cho CNQPAN, Ủy ban Quốc phòng An ninh cơ bản nhất trí với dự thảo Luật quy định nguồn lực tài chính cho phát triển CNQPAN do NSNN bảo đảm và trong điều kiện NSNN còn khó khăn thì việc huy động các nguồn hợp pháp khác như từ các quỹ, nguồn vay, tài trợ, trích lập sau thuế là phù hợp, đây sẽ là nền tảng vật chất quan trọng để bảo đảm cho CNQPAN song Chính phủ dự kiến sẽ không quy định về "Nguồn vốn chuyên biệt" mà thay bằng "nguồn vốn hợp pháp khác"; đây là vấn đề mới, việc triển khai phải gắn với chế độ bảo mật, do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để phù hợp với thực tiễn và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp - Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Về chế độ chính sách trong công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp, ông Lê Tấn Tới cho rằng, việc phân loại các chế độ, chính sách theo từng đối tượng, nhóm đối tượng là hợp lý. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các chế độ, chính sách còn tản mạn, thiếu tính khái quát. Đồng thời, các quy định liên quan đến các luật như: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, Luật An ninh Quốc gia… Vì vậy, đề nghị nghiên cứu chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm