Cần tính toán kỹ để xác định giá đất sát với giá thị trường

PV
14/11/2022 - 11:02
Cần tính toán kỹ để xác định giá đất sát với giá thị trường

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình, thảo luận tại hội trường

Thảo luận tại hội trường sáng nay (14/11) về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội cho rằng, trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phần lớn các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập hiện hành trong quản lý, sử dụng đất đai và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực phát triển đất nước.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, cho rằng trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất. Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm.

Về quy định đối với đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo luật còn chung chung, chưa giải quyết được những vấn đề tồn tại trong quản lý và sử dụng đất của các nông, lâm trường, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất là người nhận khoán.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể trong dự thảo luật hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể trong Nghị định hướng dẫn quy định về người đang sử dụng đất là người nhận khoán. Đồng thời bổ sung quy định cụ thể về điều kiện, cơ chế tài chính để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường.

Cần tính toán kỹ để xác định giá đất sát với giá thị trường - Ảnh 1.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, thảo luận tại hội trường

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, cho biết: Về quy định mở rộng đối tượng chuyển nhượng đất trồng lúa tại Điều 57, việc không hạn chế tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp nhận quyền chuyển nhượng đất trồng lúa là phù hợp với thực tiễn đang diễn ra hiện nay. Nhưng để đảm bảo diện tích đất trồng lúa của địa phương và của cả nước, đại biểu đề nghị cần phải có biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc nhận chuyển nhượng, kiểm soát việc chuyển đổi mục đích của chuyển nhượng để tránh tình trạng cá nhân lợi dụng chính sách thu gom đất này mà phải không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp.

Đề cập về tài chính đất đai, giá đất tại Chương 11, dự thảo Luật đã bỏ khung đất đai, khung giá đất của Chính phủ. Đại biểu cho rằng, đây là nội dung sửa đổi quan trọng, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, làm sao để xác định giá đất sát với giá thị trường là một bài toán rất khó.

Do đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, việc xác định giá đất sát với giá thị trường là điều mà luật phải tính toán kỹ và cần quy định chặt chẽ; công khai thông tin, tuyên truyền về giá để hạn chế tình trạng sốt đất ảo, giúp cân bằng ổn định về giá thị trường, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá ảo về đất, gây nhiễu loạn thị trường đất đai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm