Đề nghị bổ sung hành vi cấm phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai

PVH
01/11/2022 - 12:27
Đề nghị bổ sung hành vi cấm phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh quochoi.vn

Trình bày thẩm tra dự án Luật Đất đai sửa đổi (sáng 1/11), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Việc bổ sung cấm phân biệt đối xử về giới sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ được bình đẳng trong các hoạt động quản lý và sử dụng đất đai.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, ngày 1/11, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết: Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng;…

Phó Thủ tướng cho biết, dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai; hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất; bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, trong quá trình thảo luận vẫn còn có ý kiến khác nhau về:

(1) mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân;

(2) mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa;

(3) quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp "quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm".

Đề nghị bổ sung hành vi cấm phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp

Thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Với các nội dung cụ thể, tại Điều 153 về nguyên tắc, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trong đó quy định "Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người".

Với nội dung này, có ý kiến cho rằng quy định này dễ dẫn đến việc thực hiện tùy nghi, đặc biệt trong một số trường hợp phụ nữ là đối tượng yếu thế. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, sửa đổi quy định này phù hợp để bảo đảm quyền của phụ nữ dựa trên chế độ tài sản vợ chồng theo pháp luật về hôn nhân và gia đình, đồng thời, gắn với hình thức, nguồn gốc hình thành quyền sử dụng đất thực tế.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng thực tiễn cho thấy, để bảo đảm tính xác thực, thuận lợi cho quá trình làm thủ tục trước bạ, sang tên, cấp Giấy chứng nhận, phòng ngừa các tranh chấp có thể xảy ra, các tổ chức hành nghề công chứng khi thực hiện công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng là cá nhân thì bắt buộc cá nhân đó phải có xác nhận "tình trạng độc thân" thì mới công chứng hợp đồng này, như vậy phát sinh thêm thủ tục hành chính. Do đó, đề nghị có quy định, hướng dẫn để khắc phục thực tiễn hành nghề của tổ chức hành nghề công chứng, bảo đảm thống nhất trong thi hành pháp luật.

Về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 13), Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung hành vi cấm phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý và sử dụng đất đai. Việc bổ sung cấm phân biệt đối xử về giới sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ được bình đẳng trong các hoạt động này.

Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Điều 57), trong đó có quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất và thời điểm có hiệu lực của việc chuyển quyền, thế chấp, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và quy định của các luật có liên quan.

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86), Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; rà soát các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 86, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 18 và Hiến pháp, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

Theo chương trình, dự kiến ngày 14/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm