Đề xuất bổ sung cấm hành vi phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, sử dụng đất đai

PV
22/09/2022 - 13:34
Đề xuất bổ sung cấm hành vi phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, sử dụng đất đai

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. Ảnh quochoi.vn

Sáng nay (22/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); trong đó đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định cấm hành vi phân biệt đối xử về giới, tạo điều kiện cho phụ nữ được bình đẳng trong các hoạt động quản lý, và sử dụng đất đai.

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là dự án luật cho ý kiến lần đầu, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 tới và sẽ được xem xét, thông qua sau ba Kỳ họp.

Gợi ý thêm một số nội dung thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Về quan điểm xây dựng luật, ngoài quan điểm đã nêu trong dự án luật, Tờ trình, Báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các dự án luật khác bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định về pháp luật đất đai qua các thời kỳ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt và được Trung ương khẳng định. Sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng, trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể. Trong quá trình xây dựng luật cần tách bạch quan hệ đất đai mang tính chất công với quan hệ đất đai mang tính chất tư.

Đối với việc áp dụng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan thẩm tra cần xem xét để vừa thể hiện Luật Đất đai vừa là luật căn bản, cơ bản về đất đai nhưng phải tuân thủ nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc áp dụng luật. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu lại khoản 2, Điều 4 của dự thảo Luật Đất đai trong mối quan hệ với các luật khác.

Về vấn đề giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là vấn đề khó nhất, quy định làm sao để vận hành trong thực tế. Việc bỏ khung giá đất nhưng vẫn có bảng giá đất, vai trò của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong việc định giá đất như thế nào… cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai, cho rằng việc sửa đổi đã đảm bảo đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, hồ sơ dự thảo Luật đã đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát tập hợp các nội dung liên quan đến các Luật khác; bổ sung đánh giá tác động cụ thể đối với các chính sách mới; tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi đối với các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Đặc biệt, cần đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo Luật, có báo cáo đánh giá tác động giới sâu sắc hơn, bổ sung các số liệu có liên quan, nghiên cứu lồng ghép giới vào các điều khoản cụ thể…

Ví dụ, tại quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 13, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung cấm hành vi phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, và sử dụng đất đai. Việc bổ sung như vậy sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ được bình đẳng trong các hoạt động này.

Đề xuất bổ sung cấm hành vi phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, sử dụng đất đai - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên làm việc.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội đối với hoạt động của tất cả các các tổ chức kinh tế và từng người dân. Có thể nói, đây là đạo luật giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai và có mối quan hệ, ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi chính sách. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng, khi thu hồi đất thì bồi thường cho người có quyền sử dụng bị thu hồi phải đảm bảo đời sống tốt hơn, trong Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu rất rõ nhưng trong dự thảo luật chỉ nhắc lại chứ không cụ thể hơn… Nếu các chế định trong luật này mà làm không kỹ, không thận trọng, không cân nhắc kỹ lưỡng sẽ tác động trực tiếp đến các mối quan hệ pháp lý khác.

Tại phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận vào 11 nhóm chính sách lớn được đề nghị sửa đổi lần này, cụ thể như: Các quy định về áp dụng pháp luật; người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm