Cần trau dồi kỹ năng cho người đại diện

13/11/2015 - 14:58
Nữ ứng cử viên và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã, phường hiện nay gặp không ít khó khăn trên con đường khẳng định vai trò, vị trí của mình. Họ cần thêm nhiều sự hỗ trợ, chia sẻ để làm tốt chức năng là người đại diện của nhân dân.
Rút ngắn đường đến thành công
 
Bà Trần Thị Lự, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân (Hà Nam), đại biểu HĐND thị trấn, kể, khi là ứng cử viên, bản thân bà rất lo lắng vì chưa thể hình dung rõ sẽ phải làm những gì. Lúc đó, bà cũng chưa nhận thức đầy đủ được vai trò, vị trí của một người đại diện cho các cử tri trong thị trấn. Bà càng lo lắng hơn khi chưa có được những kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng chương trình hành động, chưa biết cách diễn đạt cũng như xây dựng hình ảnh, phong thái tự tin khi nói trước đông đảo cử tri.

Theo bà Lự, nữ ứng cử viên cũng như nữ đại biểu HĐND cấp xã, phường gặp bất lợi rất lớn là rất ít có được những buổi tập huấn, được chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động của những đại biểu đi trước. Bà chia sẻ: “Những ngày đầu làm người đại diện cho cử tri, tôi thấy mình thiếu hụt các kỹ năng lắng nghe, thu thập những ý kiến, nguyện vọng của cử tri; đặc biệt là kỹ năng phân tích, sàng lọc, thẩm định các ý kiến chính đáng”.

Tại buổi tập huấn “Nâng cao năng lực nữ ứng cử viên tiềm năng HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2016 - 2021” do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) phối hợp tổ chức mới đây tại huyện Lý Nhân (Hà Nam), các nữ ứng cử viên và đại biểu HĐND cơ sở đều chia sẻ khó khăn chung là thiếu kỹ năng của người đại diện cho cử tri; kỹ năng phân bổ thời gian hợp lý giữa vai trò phụ nữ trong gia đình và công việc quản lý, hoạt động xã hội...

Chị Trương Thị Phương Nam, Đài Phát thanh xã Bắc Lý, chia sẻ: “Chúng tôi rất mong muốn có được hỗ trợ cụ thể như: Thường xuyên có những buổi thực tập, rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông; được chia sẻ về cách xây dựng một bài phát biểu như thế nào. Đặc biệt là mong muốn được nghe những chị em đã thành công chia sẻ về cách tạo dựng hình ảnh, tác phong giao tiếp với cử tri ra sao...”.
Buổi tập huấn “Nâng cao năng lực nữ ứng cử viên tiềm năng HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2016 – 2021” tại xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam)
Tăng cường hỗ trợ

TS. Lương Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ trong chính trị và Hành chính công (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cho biết: Mới đây, Trung tâm đã tiến hành khảo sát hơn 100 nữ ứng cử viên HĐND ở 3 tỉnh thành phố: Thanh Hóa, Hòa Bình và Hà Nội.

Phần lớn các ý kiến đều chung mong muốn là tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ về thông tin tình hình kinh tế - xã hội của địa bàn; tập huấn những kỹ năng xây dựng chương trình hành động, nâng cao khả năng thuyết phục, nói chuyện trước đám đông; kỹ năng xây dựng hình ảnh trước cử tri; đồng thời mong muốn xây dựng mạng lưới liên kết, hỗ trợ nữ ứng viên, phụ nữ làm công tác quản lý được hoạt động, sinh hoạt theo nhóm để chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng, giúp nhau nâng cao trình độ, kinh nghiệm.

Thực tế hiện nay, nhiều dự án, chương trình nâng cao năng lực cho phụ nữ tham chính mới tập trung cho cấp tỉnh, Trung ương; trong khi đó, nữ đại biểu HĐND cấp xã, phường là những người thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, trực tiếp sống và sâu sát với các tầng lớp cử tri tại địa phương lại ít có cơ hội được hỗ trợ.

TS Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc GFCD, cho biết: Qua rà soát từ những khoảng trống, nhu cầu của chị em ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã, phường, mong muốn được cung cấp kiến thức, trang bị, rèn luyện kỹ năng hoạt động của người đại diện cho cử tri. GFCD xây dựng chương trình tập huấn làm 2 phần chính: Đào tạo kỹ năng mềm, đào tạo kỹ năng lãnh đạo ở cả 4 xã dự án của 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Nam, kéo dài từ nay đến năm 2017.

Các lớp tập huấn này được kỳ vọng sẽ cung cấp những kiến thức và kỹ năng mà các nữ ứng cử viên còn đang thiếu. Với những ứng cử viên tiềm năng, tập huấn hướng tới phần kiến thức cơ bản như: Lập kế hoạch hành động, sắp xếp bố trí công việc khoa học. Bước đầu hình thành cách xây dựng một chương trình hành động để khi bước vào quá trình phấn đấu, tiếp xúc với cử tri sẽ có được sự tự tin, nhanh nhạy, khẳng định được năng lực, đại diện cho đông đảo cử tri.

Đồng thời cung cấp thêm hiểu biết về công việc lãnh đạo và quản lý. Bà Ngô Thị Ngọc Anh cho rằng: “Nếu chị em không được trang bị những kỹ năng thì rất khó biết cách thu thập thông tin, phân tích các tác nhân ảnh hưởng để nâng cao uy tín, vị trí của mình trong cộng đồng. đồng thời có được niềm tin, được sự ủng hộ của cử tri”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm