Theo trang getpocket.com, Snyder không hề cảm thấy áy náy về việc này. Chị cho biết mùa hè năm ngoái, chị đã có thể can thiệp kịp thời khi phát hiện ra con gái mình đang nhắn tin cho bạn trai để lên kế hoạch cho một buổi hẹn hò có liên quan đến tình dục. “Tôi biết con gái mình không ngây thơ như khi tôi còn ở tuổi nó, khi mà trong thế giới ngày nay có vô vàn cách thức tương tác xã hội,” Snyder chia sẻ. “Với tư cách phụ huynh của một thiếu niên, thời đại công nghệ ngày nay khiến tôi lo sợ".
Nhưng dù có thể mang lại những cách thức mới và đáng lo ngại để con trẻ gây rắc rối, công nghệ cũng mang lại những cách mới để phụ huynh theo dõi nhất cử nhất động của con mình. Với những công nghệ theo dõi như mSpy, Teen Safe, Family Tracker... các bậc phụ huynh có thể giám sát các cuộc gọi, tin nhắn, nội dung chat và các bài đăng trên mạng xã hội. Chúng có thể hiển thị bản đồ của mọi địa điểm mà một đứa trẻ (và chiếc điện thoại của nó) từng đến. Ứng dụng có tên Mama Bear thậm chí còn gửi tín hiệu cảnh báo tốc độ tới phụ huynh nếu con họ đang đi ô tô quá nhanh.
Nhưng ranh giới giữa sự bảo vệ và sự ám ảnh là rất mong manh. Các công cụ giám sát kỹ thuật số mới đưa các phụ huynh vào một tình huống tiến thoái lưỡng nan. Tuổi thiếu niên là quãng thời gian then chốt trong cuộc đời của trẻ em, là lúc chúng cần tới sự riêng tư và cảm giác về không gian riêng để có thể phát triển nhân dạng của riêng mình.
Các vị phụ huynh có thể gần như không thể chịu nổi cảm giác con cái rời xa mình. Nhưng dù việc thâm nhập vào những góc tối nhất trong đời sống riêng tư của con cái có gây cám dỗ đến đâu chăng nữa, nhiều bằng chứng đã cho thấy sự giám sát như vậy là “lợi ít, hại nhiều”.
Về lâu dài, mục đích của việc dạy dỗ con cái là tạo ra một người trưởng thành khỏe mạnh và có thể tự lo cho bản thân. Tiến trình phát triển một sự “tự trị” lành mạnh bắt đầu ngay khi đứa trẻ có thể bò đi khỏi bạn, theo Nancy Darling, một nhà tâm lý học phát triển thuộc Đại học Oberlin. “Cái khó của làm cha mẹ là việc cân bằng mong muốn được tự trị của đứa trẻ với các mối quan ngại về an toàn,” chị cho biết.
Sự riêng tư là một phần then chốt trong việc phát triển sự độc lập đó. “Khả năng trải nghiệm sự riêng tư có thể là một nhu cầu cơ bản của con người, không phụ thuộc vào văn hóa,” Skyler Hawk, một nhà tâm lý học xã hội nghiên cứu về sự phát triển của thanh thiếu niên thuộc Đại học Trung Quốc Hong Kong nhận xét. Trong suốt thời niên thiếu, não bộ, cơ thể và đời sống xã hội của trẻ thay đổi nhanh chóng. Khi chúng thử nghiệm với các nhân dạng và cách thể hiện bản thân khác nhau, chúng cần có không gian để tìm hiểu về tất cả những điều đó, Hawk cho biết.
Sự riêng tư không chỉ quan trọng đối với thanh thiếu niên, Sandra Petronio, giáo sư nghiên cứu giao tiếp, giám đốc Trung tâm Quản lý riêng tư giao tiếp thuộc Đại học Indiana, Đại học Purdue, Indianapolis, Mỹ cho biết. Đó còn là nhiệm vụ của thanh thiếu niên. “Công việc chính của một thanh thiếu niên là trở thành một cá thể độc lập, tách khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Thanh thiếu niên làm điều này một cách rất rõ ràng qua việc yêu cầu có không gian riêng tư,” chị cho biết.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy xâm phạm quyền riêng tư của con trẻ gây tổn hại cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con, Petronio cho biết. “Khi cha mẹ rình rập giám sát, họ thể hiện sự thiếu tin tưởng,” chị cho biết. “Nhu cầu kiểm soát quá trớn thực sự gây tổn hại cho mối quan hệ này”.
Hawk cũng nói thêm rằng việc bí mật theo dõi khó có thể duy trì được tính chất bí mật trong thời gian dài. Phần lớn con trẻ đều hiểu biết về công nghệ nhiều hơn cha mẹ. Khả năng cao là chúng sẽ phát hiện ra các ứng dụng theo dõi đó và tìm ra cách “lách” hệ thống - để chiếc điện thoại bị theo dõi vị trí của chúng trong tủ để đồ khi trốn học, hoặc tạo lập một tài khoản Instagram thứ hai (bí mật).
Không có gì ngạc nhiên khi con trẻ cảm thấy chúng không thể tin tưởng cha mẹ mình, chúng lại che giấu kỹ hơn nữa. Hawk đã nhận thấy hiệu ứng này trong một mẫu nghiên cứu gồm các học sinh trung học năm nhất ở Hà Lan, nơi mà cảm giác về cá tính và sự tự quyết tương tự như ở Mỹ. Các nhà nghiên cứu đã hỏi các em học sinh rằng cha mẹ các em có tôn trọng quyền riêng tư của các em không. Một năm sau, các trẻ có cha mẹ hay theo dõi có các hành vi bí mật hơn, và cha mẹ của các em được cho là biết ít hơn về các hoạt động, bạn bè của con cái và những nơi chúng lui tới, so với các bậc phụ huynh khác.
“Theo thời gian, chúng tôi có thể lần ra con đường từ cảm giác bị xâm phạm quyền riêng tư, tới mức độ bí mật cao hơn, tới sự giảm bớt nhận thức và hiểu biết của cha mẹ về con cái,” Hawk cho biết. “Nếu các bậc cha mẹ có những hành vi mang tính xâm phạm cao, cuối cùng những hành vi ấy sẽ trở nên phản tác dụng.”Mối quan hệ cha mẹ-con cái không phải là điều duy nhất bị tổn hại khi một đứa trẻ không có đủ không gian riêng. Việc con trẻ cảm thấy quyền riêng tư của chúng đã bị xâm phạm có thể dẫn tới các loại vấn đề về sức khỏe tâm thần mà các chuyên gia gọi là các hành vi “nội tâm hóa” - chẳng hạn như lo âu, trầm cảm và khép kín.
“Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các trẻ lớn lên cùng với các bậc phụ huynh tò mò quá mức dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần như vậy, một phần là vì họ làm suy yếu sự tự tin của trẻ vào khả năng hoạt động độc lập,” Laurence Steinberg, một giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Temple và tác giả cuốn sách “Age of Opportunity: Lessons From the New Science of Adolescence” cho biết.
Khi phụ huynh không cho con trẻ quyền tự do đưa ra các quyết định của riêng mình, con trẻ không có cơ hội học hỏi từ những quyết định đó. Mặc dù phụ huynh có trách nhiệm hướng dẫn con trẻ và bảo vệ chúng, thời niên thiếu vẫn là khoảng thời gian để thử thách các giới hạn, Judith Smetana, một giáo sư tâm lý học nghiên cứu quan hệ giữa cha mẹ và thanh thiếu niên thuộc Đại học Rochester cho biết.
Lấy việc tiêu thụ rượu bia làm ví dụ. Những đứa trẻ từng thử uống rượu bia thời niên thiếu nhưng sau này không uống nhiều có xu hướng lành mạnh hơn về mặt tâm lý so với những đứa trẻ chưa từng uống rượu bia, Smetana cho biết. “Tôi không có ý bỏ qua việc trẻ em uống rượu bia, nhưng chúng ta đều biết đây là thời gian để trẻ thử nghiệm,” chị chia sẻ. “Đó là bản chất của thời niên thiếu”.
Nhưng ngay cả khi phụ huynh hiểu về tầm quan trọng của quyền riêng tư, việc xác định ranh giới vẫn có thể rất gian nan. Giới hạn này ở mỗi gia đình là khác nhau, ngay cả trong cùng một tầng lớp kinh tế xã hội hay cùng một khu vực dân cư, Dalton Conley, một nhà tâm lý học thuộc Đại học Princeton, tác giả cuốn sách năm 2014 “Parentology” cho biết.
Conley cho biết anh đã rất sốc khi biết rằng một đồng nghiệp của mình đã theo dõi các con, vốn đang ở tuổi thiếu niên, bằng camera theo dõi khi chị đi dự hội thảo. Cùng lúc đó, anh lại không cảm thấy day dứt khi kiểm tra bản sao kê thẻ ghi nợ của con cái anh để tìm hiểu xem chúng đã đi đâu và đã mua món đồ gì. “Công nghệ giám sát dành cho cha mẹ đã phát triển nhanh đến mức không có những tiêu chuẩn rõ ràng về cái gì được coi là chấp nhận được,” anh cho biết.
Darling cũng đã bị cám dỗ trước việc bước một bước nhỏ qua ranh giới giữa sự độc lập và quyền riêng tư. Dù ủng hộ việc cho con trẻ không gian để phát triển khả năng tự quyết lành mạnh, chị cũng là một bậc phụ huynh hay lo lắng. Chị đã yêu cầu cậu con trai bé của mình bật tính năng Find My iPhone để chị có thể theo dõi cậu nếu không liên lạc được.
Và khi cậu con trai lớn, về nhà sau khi học xong đại học, một đêm nọ không về nhà, “tôi đã xem danh sách liên lạc trên điện thoại của nó để tôi có thể gọi cho bạn gái nó,” chị thú nhận. “Nó đã rất tức giận, nhưng khi đó đã là 3 giờ sáng và tôi rất lo lắng”.
Theo Darling, khả năng con trẻ cảm thấy quyền riêng tư của chúng bị xâm phạm sẽ cao hơn khi phụ huynh của trẻ xâm phạm vào các vấn đề cá nhân, chẳng hạn như nghe trộm một cuộc hội thoại hoặc bí mật đọc tin nhắn của trẻ. Nhưng phần lớn trẻ đều nhận ra rằng các bậc phụ huynh có quyền chính đáng trong các vấn đề về an toàn, chẳng hạn như đặt ra quy định về việc sử dụng chất kích thích hay biết rõ con cái mình đi đâu sau giờ học. “Phụ huynh đúng ra phải biết con cái mình đang ở đâu,” chị khẳng định.
Tuy vậy ngay cả các vấn đề về an toàn cũng không có ranh giới rõ ràng. Trong hầu hết các cộng đồng, trẻ em đều được sống trong môi trường an toàn. Theo số liệu của FBI, tỷ lệ tội phạm bạo lực đã giảm 48% từ năm 1993 đến năm 2011. Tỷ lệ trẻ em tử vong cũng giảm. Số lượng các vụ trẻ em mất tích đang ở mức thấp kỷ lục.
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng áp lực về mặt văn hóa đối với việc giám sát chặt chẽ trẻ em chưa bao giờ nặng nề đến thế - minh chứng rõ ràng là hiện nay thường xuyên xảy ra việc bắt giữ phụ huynh vì để con cái đi bộ một mình tới trường hoặc chơi đùa mà không có sự giám sát trong công viên.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự thay đổi này là do truyền thông hiện đại thường xuyên đăng tải những dòng tít câu khách đầy rùng rợn về các vụ bắt cóc và các mối nguy hiểm. “Giới truyền thông đã gia tăng nỗi lo sợ và nỗi lo sợ đó đã biến thành những sự kiềm chế đối với trẻ nhỏ, thiếu niên hay thậm chí thanh niên,” Petronio khẳng định. “Điều này có khả năng gây tổn hại tới việc phát triển một loạt kỹ năng mà người trẻ cần có để trở thành những người lớn độc lập”.
Rõ ràng, có không ít trẻ em phải sống trong các khu dân cư nguy hiểm. Và những đứa trẻ này dường như phát triển tốt hơn với sự giám sát chặt chẽ hơn của cha mẹ. Chẳng hạn, một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Virginia đã chỉ ra rằng đối với trẻ em sinh sống tại các khu dân cư thuộc tầng lớp trung lưu được xếp vào loại “nguy cơ thấp,” những người mẹ hạn chế sự tự quyết của con mình có mối quan hệ mẹ con kém hòa nhập hơn và kỹ năng xã hội của những đứa trẻ này với các bạn đồng trang lứa cũng kém hơn. Tuy nhiên, những đứa trẻ trong các gia đình có thu nhập thấp hơn, nguy cơ cao hơn lại có mối quan hệ tốt hơn với mẹ và thể hiện ít hành vi có vấn đề hơn nếu mẹ chúng là những “nhà độc tài”.
Nhưng ở nhiều cộng đồng, mong muốn theo dõi con cái của các bậc cha mẹ liên quan không nhiều tới việc giữ cho con cái được an toàn, mà thay vào đó lại là một khao khát cháy bỏng nhằm hạ thấp mức độ lo âu của chính họ. “Kết luận là nếu bạn đang cố gắng thỏa mãn nhu cầu được biết vì bạn không chịu được sự mơ hồ, thì bạn đang không cho con mình một nơi để học cách đưa ra những quyết định sáng suốt hơn,” Petronio cho biết.Nghiên cứu của Hawk cho thấy các bậc phụ huynh luôn theo dõi con thường kém tự tin hơn với khả năng làm cha mẹ của mình, tỏ ra lo âu hơn về mối quan hệ của họ với con cái, và lo lắng nhiều hơn - thường không có cơ sở - về hành vi của con. “Dựa trên nghiên cứu của mình, tôi cho rằng việc theo dõi con cái có thể nói lên nhiều điều về sự điều chỉnh của cha mẹ không kém gì của đứa con - thậm chí còn hơn,” anh nhận xét.
Khi nói về việc thiết lập những ranh giới lành mạnh, các nhà tâm lý học cho rằng việc giao tiếp tốt có ích hơn nhiều việc theo dõi, và những đứa trẻ chia sẻ nhiều hơn với cha mẹ thường có tâm lý ổn định hơn. “Cuối cùng, cách tốt nhất để biết được con bạn đang trải qua điều gì là để cho chúng tự nói với bạn điều gì đang diễn ra,” Hawk cho biết.
Một số bậc phụ huynh cho rằng việc giám sát cải thiện sự giao tiếp của họ với con cái. Snyder cho rằng việc sử dụng ứng dụng theo dõi trên điện thoại của con gái đã đóng vai trò như một “bước đệm” để thảo luận về các vấn đề như tình dục, thuốc kích thích, tự tử hay bạn bè.
“Vì tôi đọc được những đoạn hội thoại của con bé với bạn bè, chúng tôi có thể có những cuộc trò chuyện không cần chuẩn bị trước về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của con bé,” Snyder nói. “Tôi không cho rằng chúng tôi sẽ có mối quan hệ cởi mở và tôn trọng như vậy nếu không có sự trợ giúp của mSpy”.
Tuy vậy, có thể gần như chắc chắn khẳng định rằng hầu hết phụ huynh tải và sử dụng các ứng dụng theo dõi không làm điều đó để có những cuộc trò chuyện có ý nghĩa với con cái họ. Rõ ràng, quyền riêng tư và không gian riêng là quan trọng để giúp trẻ trở thành những người lớn lành mạnh.
Giờ đây, khi việc xâm phạm quyền riêng tư đó đang dễ dàng hơn bao giờ hết, các bậc phụ huynh phải tự đặt ra cho mình những câu hỏi khó khăn mỗi khi họ cảm thấy muốn vượt qua ranh giới.