Cảnh báo của chuyên gia từ trường hợp tử vong do giết mổ chó

PV
25/10/2022 - 16:49
Cảnh báo của chuyên gia từ trường hợp tử vong do giết mổ chó

Người dân nên tiêm phòng cho chó và thực hiện các biện pháp phòng bệnh để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng

Bệnh nhân chuyển viện cấp cứu trong tình trạng loạn thần, kích thích, sợ lạnh, sợ nước. Kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân nhiễm virus dại.

Tử vong do virus dại sau khi tham gia giết mổ chó

Ngày 25/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) đã báo cáo về một trường hợp tử vong do bệnh dại sau khi giết mổ chó.

Theo báo cáo, bệnh nhân là N.V.T. (nam, 52 tuổi, trú tại thôn Yên Nội, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Bệnh nhân là thợ xây và sống trong địa bàn xã, không đi đâu xa trong năm nay.

Chiều ngày 16/10, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt (không đo nhiệt độ), mệt mỏi, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng kèm cảm giác khó thở.

Khoảng 3h ngày 18/10, bệnh nhân được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh, test cúm B dương tính. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng kích thích, nói nhảm, không hợp tác.

Ngày 19/10, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu -  Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng loạn thần, kích thích, sợ lạnh, sợ nước. Bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ dại nên chuyển vào điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện trong tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, kích thích vật vã, nôn khan nhiều, tim loạn nhịp, co thắt khi uống nước hoặc quạt gió. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (nước bọt, dịch não tủy, mảnh sinh thiết da gáy) gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ.

Gia đình cho biết, khoảng 2 tháng gần đây, bệnh nhân tham gia giết mổ chó cùng một số người họ hàng trong thôn (2 con chó đều khỏe mạnh, được nuôi trên 5 tháng, không được tiêm phòng), không rõ có bị cắn hay vết thương khi mổ chó.

Dù đã được cấp cứu, nhưng đến 19h20 ngày 19/10, bệnh nhân đã tử vong. Ngày 20/10, Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ trả lời kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dại.

Nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội nhận định nguy cơ gây bệnh cao là từ địa phương (thôn Yên Nội, xã Vạn Yên).

Cũng theo báo cáo, ngoài bệnh nhân còn có 24 người khác đã tham gia giết mổ chó. Các trường hợp này được xem là có nguy cơ phơi nhiễm cao. Hiện, đã được tư vấn và đi tiêm dự phòng đủ 5 mũi vaccine.

Bệnh nhân tử vong do giết mổ chó, nhiều người phơi nhiễm và cảnh báo của chuyên gia - Ảnh 1.

Người dân nên tiêm phòng cho chó để phòng bệnh

Ngoài ra, anh trai bệnh nhân có vết thương xây xước bàn tay và tiếp xúc dịch nôn của bệnh nhân cũng đã được tiêm thêm huyết thanh.

Hiện, chính quyền địa phương đã triển khai vệ sinh môi trường, phát cloramin B, hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân tự vệ sinh khử khuẩn. Trạm Y tế xã tiếp tục rà soát và khai thác thêm người sống cùng bệnh nhân (vợ và con gái) để tìm thêm các yếu tố nguy cơ.

Cẩn trọng khi tiếp xúc với chó mèo

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Tuy nhiên, cũng có trường hợp có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại.

Tùy theo vết cắn và vị trí bị cắn mà thời gian di chuyển của virus vào não nhanh hay chậm. Đôi khi có thể 1-3 tháng, thậm chí cả năm. Khi virus dại gây viêm não rồi thì không có thuốc chữa. Người bệnh chắc chắn sẽ chết sau 2 - 10 ngày.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:

1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

- Tuyệt đối không dùng thuốc Nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm