4 hiểu lầm nghiêm trọng về bệnh dại dẫn tới tỷ lệ tử vong cao

Vân Anh
01/10/2022 - 16:45
4 hiểu lầm nghiêm trọng về bệnh dại dẫn tới tỷ lệ tử vong cao
Bệnh dại rất nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nếu không tiêm phòng kịp thời. Tuy nhiên, mọi người thường hiểu sai về bệnh dại nên dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh dại là một loại virus nguy hiểm gây viêm não ở người và các loài động vật có vú khác. Động vật mang mầm bệnh có thể lây bệnh dại cho người qua vết cắn và vết xước.

Nếu không điều trị, bệnh có thể gây tử vong. Vì vậy, nếu tiếp xúc với mầm bệnh và có nguy cơ cao mắc bệnh dại, mọi người nên đến bệnh viện để được tư vấn và điều trị ngay lập tức .

Trong số tất cả các trường hợp bị bệnh dại, có đến 99% xảy ra do bị chó cắn. Do đó, cần hết sức lưu ý với vật nuôi trong nhà như chó, mèo.

1. Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là một bệnh nhiễm trùng do vi-rút chủ yếu lây lan qua các vết xước, vết cắn. Nếu không điều trị sớm, bệnh sẽ gây tử vong và không thể chữa khỏi.

Virus dại là virus RNA thuộc họ rhabdovirus có thể ảnh hưởng đến cơ thể theo một trong hai cách:

- Xâm nhập trực tiếp vào hệ thống thần kinh ngoại vi và di chuyển đến não.

- Có thể tái tạo trong mô cơ, nơi an toàn với hệ thống miễn dịch của vật chủ. Từ đây, virus đi vào hệ thần kinh thông qua các điểm nối thần kinh cơ.

Khi vào bên trong hệ thống thần kinh, vi rút sẽ tạo ra tình trạng viêm não cấp tính dẫn tới tình trạng hôn mê hoặc tử vong.

4 hiểu lầm nghiêm trọng về bệnh dại dẫn tới tỷ lệ tử vong cao - Ảnh 1.

Virus dại là virus RNA thuộc họ rhabdovirus, thường tấn công vào hệ thần kinh và não của con người (Ảnh: Internet)

Có 2 loại bệnh dại:

- Loại đầu tiên là bệnh dại điên cuồng hoặc bệnh dại não, 80% trường hợp dại thuộc loại này, người bệnh thường tăng động và sợ nước.

- Loại thứ hai được gọi là bệnh dại tê liệt hoặc bệnh dại "câm", gây tê liệt như một triệu chứng nổi trội.

2. Một số triệu chứng của bệnh dại

Triệu chứng của bệnh dại sẽ tuỳ vào từng giai đoạn mà bệnh tiến triển, cụ thể:

Các triệu chứng ban đầu, giống như cúm xảy ra, bao gồm:

- Sốt 38°C trở lên

- Đau đầu

- Lo lắng

- Đau họng và ho

- Buồn nôn và ói mửa

- Khó chịu tại chỗ bị cắn

Thời kỳ thần kinh cấp tính, trong giai đoạn này, các triệu chứng thần kinh phát triển, bao gồm:

- Nhầm lẫn và không tỉnh táo

- Tê liệt một phần

- Co giật cơ không tự chủ

- Cơ cổ cứng

- Co giật

- Giảm thông khí và khó thở

- Tiết nhiều nước bọt

- Sủi bọt ở miệng

- Sợ nước

- Ảo giác, ác mộng và mất ngủ

- Cương cứng ở nam giới

- Sợ ánh sáng

Đến giai đoạn cuối, hơi thở trở nên nhanh chóng và không nhất quán, người bệnh sẽ hôn mê và tỷ lệ tử vong rất cao. 

4 hiểu lầm nghiêm trọng về bệnh dại dẫn tới tỷ lệ tử vong cao - Ảnh 2.

Đến khi xuất hiện các triệu chứng dại, hầu như không còn khả năng chữa trị (Ảnh: Internet)

Lưu ý, bệnh dại ủ bệnh từ 2–3 tháng và thay đổi từ 1 tuần đến 1 năm, tùy thuộc vào vị trí virus xâm nhập và số lượng virus trong cơ thể. Vết cắn càng gần não thì các tác động càng dễ xuất hiện.

Đến khi các triệu chứng xuất hiện, gần như 100% người bệnh dại sẽ tử vong và không thể chữa trị. Do đó, tiêm phòng ngay sau khi bị động vật cắn là điều cần thiết và bắt buộc. Các bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ tư vấn và đưa ra hướng xử lý kịp thời. 

3. 4 hiểu lầm về bệnh dại khiến tỷ lệ tử vong cao

- Không theo dõi con vật sau khi bị cắn

Nhiều người thường chủ quan sau khi bị vật nuôi như mèo, chó cắn, không xem xét và theo dõi tình hình sức khoẻ của chúng.

Tuy nhiên, các chuyên gia thường khuyến cáo cần cách ly vật nuôi khỏi người và theo dõi động vật ít nhất trong 10 ngày. Nếu động vật có các biểu hiện như nhiều dãi, tăng động, sủa liên tục và sau đó chết, khả năng rất cao chúng đã nhiễm bệnh dại.

- Tiêm phòng chậm trễ

Hiện nay, vẫn còn nhiều người tiêm phòng vaccine muộn sau khi bị động vật dại cắn, nhiều trường hợp đến khi động vật chết mới đến tiêm phòng. Tuy nhiên, khi bị các con vật như chó, mèo cắn nên đi tiêm sớm nhất có thể, để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của virus dại.

Nếu tiêm muộn, nhất là khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng dại, lúc này tiêm vaccine hầu như không có giá trị, tỷ lệ tử vong là rất cao. 

4 hiểu lầm nghiêm trọng về bệnh dại dẫn tới tỷ lệ tử vong cao - Ảnh 3.

Tiêm phòng dại là cách bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa bệnh dại hiệu quả nhất (Ảnh: Internet)

- Sơ cứu không đúng cách

Sơ cứu đúng cách là một biện pháp nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh dại nhưng lại thường bị mọi người bỏ qua. Sau khi bị chó, mèo cắn, các bạn nên thực hiện sơ cứu theo hướng dẫn sau:

+ Rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước trong vòng 15 phút, bôi thuốc sát trùng để làm sạch vết thương.

+ Sau đó nên đến bệnh viện ngay lập tức để được tiêm phòng dại và xử lý vết thương. 

- Điều trị theo biện pháp dân gian

Vẫn còn rất nhiều người lựa chọn phương pháp dân gian như lấy thuốc nam, bốc thuốc từ các thầy lang, bài thuốc dân gian... Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy, đến nay tiêm phòng là cách chống bệnh dại hiệu quả nhất, chưa có bài thuốc hay phương pháp dân gian nào được chứng minh có tác dụng tương tự. 

4. Cách phòng ngừa bệnh dại

Bệnh dại hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu chúng ta thực hiện và tuân thủ theo những biện pháp sau:

- Tiêm phòng dại định kỳ cho vật nuôi, thú cưng

- Không đến gần động vật lạ vì chúng ta không biết chính xác chúng có nhiễm bệnh hay không, hơn nữa động vật lạ thường hung hăng và dễ tấn công con người

- Khi đưa thú cưng như chó, mèo đi dạo cần quản lý chặt chẽ như đeo rọ mõm, không cho tiếp xúc với người lạ, đặc biệt không nên cho trẻ nhỏ chơi với thú cưng, vật nuôi. 

- Không hôn thú cưng, vật nuôi vì bệnh dại không chỉ lây qua vết cắn mà còn có thể lây qua nước bọt của chúng, nếu như bạn bị xước thì tỷ lệ nhiễm bệnh là rất cao. 

- Không đùa giỡn với vật nuôi, đặc biệt tránh làm chúng đau và giật mình, khi đó khả năng chúng tấn công là rất cao. 

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 40 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021). Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên đi tiêm phòng dại sớm nhất có thể để phòng ngừa nhiễm bệnh, giảm tỷ lệ tử vong.

Nguồn: Medicalnewstoday.com

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm