pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cảnh báo nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt, suy dinh dưỡng do uống quá nhiều sữa tươi
Giống như chị Hồng Anh, bà Lê Thị Sâm, ở Đan Phượng, Hà Nội, cũng có quan niệm sai lầm về việc dùng sữa cho trẻ. Ngồi chờ tới lượt đưa cháu vào khám dinh dưỡng, bà Sâm vẫn không quên dỗ đứa cháu nội của mình bằng một hộp sữa và đó là hộp sữa thứ 5 chỉ trong một buổi sáng. Mới 18 tháng tuổi nhưng cháu bà Sâm đã nặng hơn 14kg, nặng hơn cân nặng tiêu chuẩn 3kg. Dù lo lắng cho cháu uống nhiều sữa sẽ dẫn đến nguy cơ béo phì nhưng bà vẫn tặc lưỡi bỏ qua chỉ vì "thấy nó mập mập trông mới thích, béo mới khoẻ."
Mặc dù tỷ lệ sử dụng sữa ở Việt Nam tính trên trung bình đầu người còn thấp, thế nhưng, lại đang có những trẻ, đặc biệt là trẻ sống ở thành phố uống quá nhiều sữa. Nhiều bé được cha mẹ cho uống sữa thay nước lọc với lý do việc này giúp trẻ tăng cường dinh dưỡng, tốt cho sự phát triển thể lực cũng như trí lực. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn cho rằng "uống được sữa còn tốt hơn ăn cơm". Tuy nhiên, việc lạm dụng sữa cho trẻ đã và đang tạo nên nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ.
Hơn 20 năm làm công tác tại Trạm Y tế xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội, bác sĩ Tạ Văn Hiền không giấu nổi lo lắng khi tình trạng trẻ béo phì tại địa phương đang gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo bác sĩ Hiền, dù đã cố gắng tuyên truyền đến phụ huynh nhiều nhất có thể về chế độ ăn đa dạng cho trẻ, nhưng trên thị trường hiện có rất nhiều loại sữa từ công thức đến sữa tươi, phụ huynh khi mua sữa cho trẻ hầu như rất ít quan tâm đến các khuyến cáo của bác sĩ về mức dùng.
Từng tiếp nhận khám, tư vấn và điều trị cho nhiều trẻ bị biếng ăn, béo phì, còi xương và mắc các bệnh lý khác do lạm dụng sữa, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng không khỏi trăn trở. Mỗi một trường hợp đến khám, bác sĩ Hưng đều khuyến cáo các bậc phụ huynh lưu ý số lượng và cách cho con uống sữa mỗi ngày với mong muốn, thêm một phụ huynh nhận thức đúng, sẽ bớt đi một trẻ mắc các bệnh lý từ việc lạm dụng sữa.
Nhiều trẻ sau khi phụ huynh làm theo tư vấn, chỉ dẫn của bác sĩ, giảm lượng sữa trong ngày, đa dạng nguồn thức ăn, tình trạng sức khỏe đã được cải thiện đáng kể. Bác sĩ Hưng cho biết: "Không có thực phẩm nào hoàn hảo nên bắt buộc chúng ta phải đa dạng thực phẩm và ngay cả sữa mẹ, người ta cũng chỉ khuyến cáo bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Sau 6 tháng thì phải có thức ăn thêm vào thì mới đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho em bé phát triển. Nghĩa là vẫn phải ăn cơm, cháo tùy từng độ tuổi, sau đấy mới bổ sung thêm sữa mẹ hoặc là sữa công thức, chứ không phải cả ngày uống sữa mà quên đi thức ăn tự nhiên. Ngoài ra nữa để nó còn phát triển chất lượng sống, kỹ năng sống chứ không phải chúng ta chỉ uống sữa."
Theo một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 năm 2018, có khoảng 82% trẻ trên 1 tuổi bị thiếu máu do thiếu sắt được ghi nhận uống hơn 600ml sữa tươi/ngày. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh. Nếu uống sữa quá nhiều, bé sẽ cảm thấy đủ năng lượng, biếng ăn. Cha mẹ sợ con đói, lại cho uống thêm sữa. Cứ thế, vòng xoay biếng ăn càng nặng hơn. Chưa kể, thiếu máu sẽ ảnh hưởng đến cả phát triển tâm sinh lý của bé sau này.
Về nguyên nhân khiến uống sữa tươi nhiều gây thiếu máu và sắt, các chuyên gia cho biết sữa tươi chứa hàm lượng canxi, phospho cao gấp 4-5 lần sữa mẹ. Tuy nhiên, nồng độ cao này lại là nguyên nhân cản trở ruột hấp thụ sắt từ thức ăn.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Trịnh Thủy Tiên (Hội Dinh dưỡng Lâm sàng TP. Hồ Chí Minh), ngoài các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng hàng ngày, nên cho trẻ uống thêm sữa như sau:
- Trẻ từ 1-2 tuổi, uống khoảng 2 ly sữa tươi/ngày, tương đương với khoảng 200-300ml sữa. Nên cho trẻ uống xen kẽ những loại sữa công thức (dạng bột pha hay dạng pha sẵn) vì đã được bổ sung sắt, kẽm, vi chất… cần thiết cho nhu cầu phát triển của trẻ theo các lứa tuổi.
- Trẻ từ 2-3 tuổi cần khoảng 300-400 ml sữa mỗi ngày.
- Trẻ từ 4-8 tuổi sẽ có nhu cầu canxi cao hơn, nên cho trẻ uống khoảng 600ml sữa mỗi ngày.
- Khi trẻ chuẩn bị bước vào độ tuổi 9-13 thì cần được quan tâm nhiều về chế độ dinh dưỡng để đạt được sự phát triển về thể chất cũng như tâm lý hành vi, nhận thức.
Theo các nghiên cứu, sữa được cơ thể hấp thu tốt nhất vào khoảng thời gian cách bữa ăn chính khoảng 1-2 giờ và khoảng 2 giờ trước khi đi ngủ. Phụ huynh có thể cho bé uống sữa sau bữa ăn sáng, lúc 16h hoặc trước khi đi ngủ 2 giờ.
Tuy nhiên, không nên cho trẻ uống sữa lúc bụng đói vì sẽ làm loãng dịch dạ dày, không tốt cho việc tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất. Không nên cho trẻ uống chung sữa với các loại nước trái cây chua vì khi gặp các axít có trong nước trái cây như cam, canh, kiwi... sẽ dẫn đến phản ứng kết tủa, làm mất tác dụng của protein trong sữa.
Có thể thấy sữa là một thực phẩm bổ dưỡng bổ sung canxi và nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Tuy nhiên, có thể thấy, lạm dụng sữa đang là vấn đề to lớn đối với dinh dưỡng trẻ em ở nước ta hiện nay. Nếu tình trạng này không được cải thiện thì thế hệ mầm non tương lai của chúng ta có thể phải đối diện với nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển và ngành y tế nước nhà lại tiếp tục phải gồng gánh thêm những hệ lụy từ các quan điểm sai lầm hiện tại.