Cạo gió chữa tự kỷ: Phản khoa học?

21/12/2016 - 16:20
Chủ nhân trang xã hội 'minhlyspecial' đã bức xúc trước trường hợp một học sinh mắc tự kỷ được bố mẹ đưa đến thầy lang điều trị, khiến người em bị thâm tím.
Đây là trang cá nhân của cô giáo một trường nội thành ở Hà Nội. Cô giáo bức xúc: “Cạo gió chữa bệnh tự kỷ. Khoa học hay tội ác? Đây là một trong nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ được bố mẹ đưa đến thầy lang chữa bệnh theo phương pháp cạo gió. Hình ảnh chụp của các cô sau 5 ngày học sinh này nghỉ chữa bệnh rồi đến trường cho thấy, toàn thân em tím bầm, tay sưng cứng lên. Khi cô ấn vào tay con hỏi có đau không? Con trả lời với ánh mắt sợ hãi: Có. Sự mù quáng của các bậc phụ huynh đã vô tình hành hạ thể xác và tâm lý những đứa trẻ vô tội”.
tu-ky-cg.jpg
Hình ảnh cơ thể thâm tím của học sinh được cô giáo phản ánh trên trang cá nhân
Ngay sau khi đăng tải dòng thông tin, trang cá nhân của cô giáo trên đã nhận được nhiều phản hồi từ mọi người. Đa phần bức xúc với cách điều trị cạo gió trên với những dòng lên án: "Vô lương tâm", "bất nhân quá" hay "tội nghiệp đứa trẻ. Một trò chữa bệnh vớ vẩn"...
tu-ky1.jpg
Cơ thể học sinh thâm tím sau 5 ngày nghỉ học đi điều trị tự kỷ
Trước đó, trên nhiều trang mạng truyền nhau phương pháp “lấy gió” và bấm huyệt của một thầy lang ở Hà Nội có thể chữa được chứng tự kỷ cho trẻ. Nhiều gia đình có con mắc chứng tự kỷ đã không ngại ngần tìm tới “cầu cứu”. Phương pháp chữa trị của thầy lang được giới thiệu khá đơn giản, chỉ cần “lấy gió” bằng hai đồng bạc, bấm huyệt, bôi rượu ngâm lá dân tộc và trong thời gian điều trị 3 - 4 tháng. Thầy lang sẽ cạo gió cho trẻ từ cổ, ngực, lưng và hai tay, chân, bấm huyệt. Việc này thực hiện trong 2 tuần. Thời gian sau, chỉ “lấy gió” cổ, bấm huyệt; đánh gió bằng đồng bạc. Thầy lang cũng khẳng định đã điều trị cho hơn 20 trẻ thoát khỏi bệnh tự kỷ?!
tu-ky2.jpg
Vết thương trên người cháu bé
TS.BS Nguyễn Thị Hương Giang, khoa Phục hồi Chức năng - BV Nhi TƯ, cho biết, tự kỷ là một dạng bệnh trong nhóm rối loạn phát triển lan tỏa, ảnh hưởng đến nhiều mặt của sự phát triển, đặc biệt kỹ năng giao tiếp và quan hệ xã hội. Tại Việt Nam, chưa có số liệu về tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ. Nghiên cứu sàng lọc tự kỷ ở trẻ 18-24 tháng tuổi tại Thái Bình năm 2011 cho thấy, tỷ lệ mắc tự kỷ là 4,6/1.000 trẻ sơ sinh. Tỷ lệ trẻ mắc tự kỷ theo giới tính: Nam/Nữ = 4,3/1. Việc chẩn đoán bệnh thông qua hỏi đáp, khám lâm sàng, chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng. Bệnh có những dấu hiệu riêng như chậm nói, ít quan sát, chậm phát triển, tăng động…

TS Nguyễn Thị Hương Giang khẳng định: Phát hiện và điều trị tự kỷ càng sớm càng tốt và toàn diện bao gồm can thiệp hành vi, ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu, chơi trị liệu và can thiệp tại nhà. Hiện không có thuốc điều trị tự kỷ. Chỉ sử dụng một số loại thuốc để làm tăng khả năng tập trung, giảm tăng động và điều chỉnh hành vi. Ngoài ra, điều trị tự kỷ cần hỗ trợ các biện pháp như trị liệu tâm lý. Hầu hết trẻ tự kỷ đều có ít nhiều cảm giác lo sợ vì trẻ không hiểu nhiều về thế giới xung quanh, đặc biệt là với những đồ vật mới hoặc những hoàn cảnh mới lạ. Những lo sợ này càng khiến trẻ xa lánh mọi người và thế giới xung quanh, thu mình vào thế giới của riêng chúng. Do vậy trị liệu tâm lý là rất cần thiết cho trẻ tự kỷ. Hoạt động này giúp trẻ tiếp cận với thế giới đồ vật và đồ chơi một cách an toàn, đồng thời giúp trẻ khám phá thế giới quanh mình một cách tự tin. Trẻ sẽ tiếp xúc với chuyên gia tâm lý 1-2 lần mỗi tuần, mỗi lần 45 phút.

Hiện không có cơ sở khoa học khẳng định cạo gió điều trị được bệnh tự kỷ. Phương pháp bấm huyệt, cạo gió đã được ứng dụng trong điều trị Đông y. Các biện pháp khoa học được chứng minh trên cũng đang tiếp tục được hoàn thiện. Điều trị cho trẻ tự kỷ cần kiên trì, linh hoạt nhiều biện pháp cùng một lúc", TS Nguyễn Thị Hương Giang khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm