Cặp vợ chồng sinh con trên đường về quê tránh dịch: Mong Tết có bánh chưng và thịt!

Nguyễn Long
28/01/2022 - 14:56
Cặp vợ chồng sinh con trên đường về quê tránh dịch: Mong Tết có bánh chưng và thịt!

Anh Dênh - chị Khoa và con trai

Nhắc về Tết, giọng người mẹ trẻ chùng xuống: “Chắc Tết năm nay cũng chỉ như ngày bình thường thôi. Điều kiện gia đình em thế này, làm gì có tiền mà mua cây đào, cây quất, chỉ mong sao có mấy cân thịt lợn và vài cái bánh chưng là hạnh phúc lắm rồi!”.

Hành trình bất đắc dĩ

10h sáng ngày giáp Tết, Giàng A Dênh vẫn đang ngồi chơi điện thoại trong căn nhà rộng 15m2 ở xã Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Bên trong căn nhà không có đồ đạc gì giá trị, chỉ có vài bộ quần áo và chăn, gối để ngủ.

Dù mới 17 tuổi nhưng chàng trai người dân tộc Mông này đã có vợ. Vợ Dênh là Thào Thị Khoa (19 tuổi), người cùng bản. Sau khi kết hôn, 2 vợ chồng vượt quãng đường hàng nghìn cây số vào tận Bình Dương để mưu sinh. Họ được nhận vào làm công nhân trong một công ty ở khu công nghiệp.

Rời xa bản làng với mong muốn tìm được cuộc sống mới, những ngày đầu có vẻ là sự lựa chọn đúng đắn khi hai vợ chồng mỗi tháng thu nhập hơn 13 triệu đồng. Tuy nhiên, niềm vui với công việc mới, thu nhập ổn định chẳng kéo dài được bao lâu. Họ làm được vài tháng thì dịch Covid-19 bùng phát ở Bình Dương.

Công ty họ đang làm phải đóng cửa để phòng chống dịch, khiến 2 vợ chồng bắt đầu rơi vào những tháng ngày khó khăn đến cùng quẫn. Cả ngày phải sống trong phòng trọ, khoản tiền tích góp được mang ra tiêu hết, rồi họ lâm vào cảnh kiệt quệ và phải sống nhờ đồ cứu trợ của chính quyền địa phương.

"Vào Bình Dương được khoảng 2 tháng thì vợ em có bầu, nếu cứ đi làm đều thì cuộc sống cũng tạm ổn. Nhưng dịch bệnh bùng phát, tiền tiêu không còn, không thể về được nhà. Cuối tháng 9/2021, em nhận được thông tin của những người cùng quê Sơn La đang làm việc trong các công ty ở Bình Dương là sẽ tổ chức đi xe máy về quê để tránh dịch bệnh. Em gói ghém đồ đạc rồi đợi ngày nhập đoàn cùng về quê. Bất đắc dĩ lắm, em mới phải đưa vợ về quê trong tình trạng như vậy", Dênh kể.

Ngày 30/9, vợ chồng Dênh cùng đoàn bắt đầu rời Bình Dương, chạy xe máy ròng rã 5 ngày liền thì ra đến Hà Nội. Lúc này Khoa bụng bầu đã to nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Đoạn đường đẹp thì không sao, những đoạn đường xấu, Khoa lại kêu đau. Dù rất thương vợ nhưng tiền không có nên Dênh chẳng biết làm gì hơn ngoài việc tiếp tục đi xe máy.

Về đến thị xã Sơn Tây (Hà Nội) thì Khoa kêu đau bụng, lúc này thai nhi mới 33 tuần tuổi. Khoa được lực lượng chức năng làm nhiệm vụ dẫn đoàn người về quê tránh dịch đi qua địa phận thị xã Sơn Tây đưa lên ô tô tới Bệnh viện đa khoa Sơn Tây cấp cứu.

Trên đường đi, Khoa không trụ được và đã hạ sinh con trai ngay tại xe ô tô. Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Sơn Tây cấp cứu rồi chuyển cháu bé tới Bệnh viện Xanh Pôn điều trị, còn Khoa nằm lại điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây.

Mong sớm trở lại Bình Dương làm việc!

Sau gần 2 tuần điều trị, Khoa đã bình phục và được Bệnh viện đa khoa Sơn Tây cho xe ô tô đưa về Bệnh viện Xanh Pôn để cùng chồng chăm sóc đứa con vẫn đang phải nằm trong lồng kính. Đến cuối tháng 10/2021, cả hai mẹ con sức khỏe đã ổn định và được bệnh viện cho về.

"Hiện tại sức khỏe của vợ và con em đều bình thường, cháu trộm vía không quấy khóc, đêm ngủ rất ngoan nên cũng nhàn cho vợ chồng em. Từ ngày mất việc ở Bình Dương, vợ chồng em không làm gì. Về quê thì có vườn rau. Gạo, thịt thì có người cho nên vợ chồng cứ thế sống qua ngày…", Dênh kể.

Ảnh minh họa

Về quê được vài ngày, Dênh đi tìm việc gần nhà nhưng đều bị từ chối. Có nơi đồng ý nhận Dênh vào làm nhưng phải đi xa nhiều ngày, đắn đo mãi cuối cùng Dênh chọn ở nhà phụ giúp vợ chăm con. Không có việc đồng nghĩa với không có tiền, trong khi vợ mới sinh con, biết bao khoản phải lo khiến nhiều đêm Dênh mất ngủ.

"Nhiều lúc em thấy bản thân mình vô dụng quá, cưới vợ, sinh con ra rồi mà không lo cho vợ con được đầy đủ. Đôi dép của vợ em đi đã vài năm, mòn cả đế nhưng em cũng không mua nổi cho vợ đôi dép mới. Quần áo của con, em cũng chưa mua được bộ nào, toàn là người thân, hàng xóm cho. Bây giờ em đang bế tắc quá, đi làm không được, ở nhà thì không có tiền. Bố mẹ em già rồi, không thể sống nhờ vào ông bà mãi được", Dênh tâm sự.

Có lẽ cậu con trai mới vài tháng tuổi cũng hiểu được sự vất vả mà bố mẹ đang phải trải qua nên cháu trộm vía rất ngoan, không ốm vặt. Đó cũng là động lực giúp vợ chồng Dênh - Khoa cố gắng, dù khó khăn vất vả nhưng sẽ nỗ lực hết mình để hướng về những ngày phía trước.

"Bữa ăn hàng ngày của vợ chồng em chủ yếu là rau, đậu phụ, đu đủ và ít thịt. Từ ngày bầu bí, vợ em cũng chẳng được hộp sữa nào, nhưng được cái vợ em tốt sữa nên con cũng khỏe", Dênh kể.

Còn Khoa tâm sự: "Từ ngày về quê, vợ chồng em không làm gì, thức ăn thì được người thân, hàng xóm cho. Nhưng em cũng biết, không thể sống nhờ vào nguồn cung này mãi được, mình phải có công việc thì cuộc sống mới ổn định…".

Chia sẻ về dự định trong tương lai, người mẹ 19 tuổi này cho biết, đợi khi nào con cai sữa, 2 vợ chồng sẽ quay lại Bình Dương làm việc. "Ở quê, tuy cuộc sống đủ ăn đủ mặc nhưng không có tiền, sau này không thể cho con đi học được".

"Thời gian tới, khi con cai sữa, vợ chồng em sẽ gửi cháu cho ông bà nội, ngoại chăm sóc, để quay lại Bình Dương làm việc. Phải xa con, xa gia đình, em cũng buồn lắm nhưng nếu cứ ở nhà thì sẽ không có tương lai. Mong là dịch bệnh sớm được kiểm soát, các công ty trở lại hoạt động bình thường, để vợ chồng em có nơi làm việc!", Khoa bộc bạch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm