pnvnonline@phunuvietnam.vn
Câu đố: “Sống trong nước lại biết bay/ Chẳng phải ớt mà cay sè sè” - Là gì?
Sống trong nước lại biết bay/Chẳng phải ớt mà cay sè sè - Là gì? Với yếu tố đầu tiên "Sống trong nước lại biết bay", hẳn nhiều người sẽ đưa ra vô vàn câu trả lời. Chẳng hạn, cá chuồn với vây ngực lớn bất thường nên có thể bay lên mặt nước. Khi cá chuồn cảm thấy nguy hiểm dưới nước, nó phóng ra khỏi mặt nước, xòe rộng vây ngực, đuôi và bay đi vài mét.
Nhưng cá chuồn thì không "cay sè sè" rồi. Vậy thì có con vật nào hội tụ đủ 2 yếu tố trên không nhỉ? Bật mí cho bạn, đây là loài động vật có ở khắp nước ta. Ngoài việc có thể sử dụng loài động vật này làm thức ăn bổ dưỡng cho sức khỏe, dân gian còn biết dùng nó làm vị thuốc để điều trị bệnh.
Đáp án chính xác là Con cà cuống.
Cà cuống là loại côn trùng có cơ thể hình lá, dẹt, tương đối giống với loài gián, nhất là khi còn non. Chiều dài khoảng 6-7cm hoặc hơn, rộng khoảng 2,5cm, màu nâu xám pha vàng nhạt, trên thân có nhiều vạch đen bóng.
Loài động vật này thường phân bố ở vùng Viễn Đông như Liên bang Nga hay vùng nhiệt đới từ Ấn Độ cho tới Australia. Ở Việt Nam, Cà cuống có ở các tỉnh từ Bắc vào Nam, nhưng nhiều nhất ở miền Bắc. Chúng sống ở ruộng nước, hồ ao, lạch ngòi…
Cà cuống có phần đầu nhỏ, có 2 mắt to tròn, miệng là 1 ngòi nhọn để hút thức ăn. Phần ngực dài khoảng 1/3 thân, có 6 chân dài và khỏe. Phần bụng có màu vàng nhạt, có lông mịn và ở phía trên có 1 bộ cánh mỏng nửa cứng nửa mềm.
Ở những con đực, dưới ngực sẽ có 2 túi nhỏ và dài được gọi là bọng cà cuống. Trong phần bọng có chứa một chất lỏng trong với mùi thơm rất mạnh. Chất tinh dầu này, tên hoá học là veleriant amil, không độc, có vị cay mùi thơm ngát, thường được dùng làm gia vị quý trong bữa ăn của người Việt Nam ta, nhất là ở nông thôn.
Cà cuống còn được nhắc đến trong câu thành ngữ: Cà cuống chết đến đít còn cay. Theo nghĩa đen, câu thành ngữ trên nói về một thực tế là: "Con cà cuống thì dù chết đến tận đằng đuôi (đít) thì chất cay của tinh dầu quý kia vẫn còn".
Song, trong đời sống tiếng Việt, câu thành ngữ trên không dùng với nghĩa đó, chỉ dùng với nghĩa biểu trưng, nghĩa bóng. Thành ngữ này dùng để chỉ những ai có thái độ ngoan cố, bảo thủ, cố chấp, cay cú trước sự thất bại hoặc cái sai rành rành của mình.