pnvnonline@phunuvietnam.vn
Câu đố tiếng Việt: "Để nguyên thì ở biển khơi/Thêm nặng tên núi kinh thành cố đô", đố là chữ gì?
Các câu đố chữ luôn khiến nhiều người thích thú. Bởi để đoán trúng đáp án, ngoài việc phải có vốn từ vựng phong phú thì còn cần có trí tưởng tượng, khả năng tư duy logic tốt. Chơi trò đố chữ cũng là một cách để rèn luyện tư duy, đồng thời xả stress sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng.
Giờ thì hãy cùng thử sức với một câu đố chữ hóc búa, từng khiến nhiều người phải bó tay:
"Để nguyên thì ở biển khơi/Thêm nặng tên núi kinh thành cố đô", đố là chữ gì?
Đây là một câu đố chữ nên bạn cần bám sát vào yếu tố ngôn từ. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tư duy nhanh nhạy, liên tưởng phong phú. Đầu tiên hãy thử nghĩ xem, có những chỉ gì liên quan đến biển khơi, chắc chắn phải có "biển" rồi và còn loạt từ như "hải", "ngư", "dương",...
"Biển" thêm nặng thành "biện", "hải" thành "hại", "dương" thành "dượng", chẳng liên quan gì đến vế thứ 2 của câu đố. Nhưng khoan đã, "ngư" thì lại khác đấy. "Ngư" thêm nặng thành "ngự", mà "Ngự" (hay tên đầy đủ "Ngự Bình") lại là tên gọi của núi nằm ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Núi Ngự là biểu tượng của cố đô Huế và là điểm tham quan nổi tiếng dành cho khách du lịch.
Núi Ngự có chiều cao khoảng hơn 105m. Đứng từ trên đỉnh núi, du khách có thể tận mắt ngắm trọn một bức tranh huyền ảo của thành phố với cung điện nguy nga, những mái chùa cổ kính và dòng sông Hương trong xanh. Khi hoàng hôn buông xuống, du khách còn được thưởng thức bức tranh nên thơ, khoảng trời vàng hòa quyện với sắc xanh của rừng cây, một vẻ đẹp đặc trưng và trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế.
Cách núi Ngự vài cây số là đồi Vọng Cảnh bên cạnh dòng sông Hương, nhìn qua núi Ngọc Trản. Từ đồi Vọng Cảnh có thể nhìn thấy khu vườn cây ăn quả mướt xanh. Sau đó, du khách có thể thưởng ngoạn, thả hồn trên dòng sông Hương, chiêm ngưỡng kiến trúc nghệ thuật cổ kính của chùa Thiên Mụ hoặc ghé thăm một vài lăng tẩm của các vua triều Nguyễn.
Còn nói về "ngư", đây là một từ Hán Việt, có nghĩa là người đánh cá. Chữ "ngư" gắn với "ngư dân", "ngư phủ" dùng để chỉ những người dùng lưới, cần câu cá, bẫy hoặc các dụng cụ khác để thu gom cá hoặc các loại sinh vật thủy sinh.
Phần lớn ngư dân là nam giới, tham gia vào các hoạt động đánh bắt xa bờ và đánh bắt ở nơi biển sâu. Phụ nữ làm nghề này thường tập trung ở ven bờ với những ghe thuyền nhỏ hoặc đơn giản là lượm động vật có vỏ và rong biển. Ở ngôi làng theo nghề đánh cá thủ công, phụ nữ đảm trách nhiệm vụ đan sửa lưới cá, sơ chế sau thu hoạch và buôn bán sản phẩm.