Câu đố Tiếng Việt: Vì sao lại nói "chân ướt, chân ráo"?

Ứng Hà Chi
02/01/2023 - 22:37
Nếu bạn đoán được kiến thức này chứng tỏ bạn là người cực kỳ am hiểu ngôn ngữ.

Nhiều thành ngữ được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày có nguồn gốc rất thú vị nhưng ít người biết đến. Lâu dần, trở thành "lời ăn tiếng nói" thân thuộc của người dân. Chắc phải là người yêu thích, đam mê ngôn ngữ Việt mới có thể dành nhiều thời gian, công sức khám phá, tìm tòi ngữ nghĩa. 

Trong số các thành ngữ có nguồn gốc đặc biệt, nếu bỏ qua thành ngữ "chân ướt, chân ráo" thì quả thật là điều thiếu sót. Chúng ta thường nghe thấy thành ngữ này được sử dụng trong những câu như: "Tôi mới đến đây, còn chân ướt chân ráo, mong anh chị giúp đỡ", "Chân ướt, chân ráo đến đây nên tôi chưa biết gì cả",… Thành ngữ "chân ướt, chân ráo" cứ thế đi vào đời sống một cách tự nhiên mà chẳng mấy ai biết nguồn gốc từ đâu.

Câu đố Tiếng Việt: Vì sao lại nói "chân ướt, chân ráo"? –  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong cuốn "Tiếng Việt lý thú", tác giả Trịnh Mạnh đã chỉ ra rằng "chân ướt, chân ráo" vốn bắt nguồn từ tục đón dâu xưa. Cô dâu khi bước vào nhà chồng sẽ phải nhúng chân liên tục vào 2 cái chậu. Chậu đầu tiên đựng nước cùng vài đồng tiền ngầm chúc đôi vợ chồng trẻ làm ăn phát đạt, tiền vào như nước. Chậu thứ hai chứa than hồng ngụ ý đuổi ma quỷ.

Người xưa nói "chân ướt, chân ráo" chính là để chỉ việc đôi chân cô dâu bị ướt khi nhúng vào chậu nước rồi lại ráo khi bước qua chậu than hồng. Và vì cô dâu mới về còn chưa quen nên câu thành ngữ này được dùng để chỉ luôn cho việc bỡ ngỡ, lạ lẫm. 

Như vậy, thành ngữ "chân ướt, chân ráo" vốn chỉ việc cô dâu mới về nhà chồng, sau mở rộng để chỉ việc đặt chân tới một môi trường mới, còn nhiều điều chưa rõ.

Ngoài ra, có một số cụm từ được dùng phổ biến có nguồn gốc thú vị như:

Nghèo rớt mồng tơi: Không phải là loại rau mồng tơi như mọi người vẫn nghĩ. Ở đây, từ "mồng tơi" là bộ phận của chiếc áo tơi.

Chuột rút: Đây là một cách nói bắt nguồn từ phương Tây, dựa trên sự đồng âm của "chuột" và "bắp thịt". Trong miền Nam, hiện tượng này còn được gọi là "vọp bẻ".

Ông xã, bà xã: Xuất xứ của chữ "xã" dùng để gọi vợ hoặc chồng chỉ người tâm phúc, cùng chí hướng. Tình cảm đó chỉ vợ với chồng mới có được. Trong Tiếng Hán, chữ "xã" bao gồm chữ "thần" (tức là tình cảm, tâm linh) kết hợp với chữ "thổ" (tức là đất, chỉ tài sản và vật chất). Triết học phương Đông xem mỗi con người là một thế giới, cần phải hội tụ cả tâm linh lẫn vật chất.

Mít ướt: Vốn là tên của một loại mít có múi mềm nhão. Về sau, được dùng để chỉ những người hay khóc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm