pnvnonline@phunuvietnam.vn
Câu đố tiếng Việt: Vì sao nói "Phận gái mười hai bến nước"?
Trong kho tàng tiếng Việt, chúng ta bắt gặp nhiều thành ngữ, tục ngữ được sử dụng rộng rãi nhưng ít ai biết được nguồn gốc sâu xa của nó. Ví dụ như chúng ta thường hay nghe câu hát: "Mẹ ơi, phận gái mười hai bến nước, biết bến nào trong, biết sông nào đục". Vậy thành ngữ "Phận gái mười hai bến nước"? bắt nguồn từ đâu và tại sao lại là "mười hai" chứ không phải một số khác?
Có ý kiến cho rằng "mười hai bến nước" chính là mười hai con giáp trong tử vi. Tuy nhiên, không có tài liệu chính thống nào ghi nhận điều này.
Cũng có người cho rằng, "mười hai" ở đây là mười hai cương vị trong xã hội xưa. Tác giả Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ trong Việt Nam tự điển cũng giảng: "Mười hai bến nước: Mười hai hạng người trong xã hội, sang hèn khác nhau, mà dầu muốn dầu không, mỗi người con gái đều phải nhận một người để làm chồng", bao gồm:
1. Sĩ - học trò.
2. Nông – người làm ruộng.
3. Công – người thợ.
4. Thương – người buôn bán.
5. Ngư – người đánh cá.
6. Tiều – người đốn củi.
7. Canh – người trồng tỉa.
8. Mục – người nuôi con vật.
9. Công – quan tước có công.
10. Hầu – quan tước có hầu.
11. Bá – quan tước có bá.
12. Tử- quan tước có tử.
Cách giải thích này thoạt nghe có vẻ xuôi tai, hợp lý nhưng thực tế lại không phù hợp vì các hạng người này đã bao hàm lẫn nhau. Chẳng hạn, "người trồng tỉa" cũng có nét bao gồm "người làm ruộng". Và "công, hầu" thì cũng là "kẻ sĩ".
Học giả An Chi thì cho rằng "mười hai bến nước" này tương ứng với thập nhị nhân duyên trong nhà Phật, bao gồm vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, hữu, thủ, sinh, lão tử. Tuy nhiên, khó có thể đồng tình được rằng tác giả dân gian lại sử dụng những khái niệm mang tính "chuyên môn" như vậy.
Còn trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của lại giải thích như sau: "Con gái mười hai bến nước: Thân con gái như chiếc đò, hoặc gặp bến trong, hoặc mắc bến đục, hoặc đưa người tốt, hoặc đưa người xấu. May thì được nhờ, rủi thì chịu, tiếng nói mười hai bến nước là nói cho vần". Như vậy, theo quan điềm này, con số "mười hai" thực chất chỉ là để cho vần "phận gái – mười hai" mà thôi. Cách giải thích này có phần hợp tình, hợp lý hơn cả.
Trong kho tàng Tiếng Việt còn nhiều câu thành ngữ có nguồn gốc thú vị như:
- "Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà": Nhằm chỉ việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho người xấu phản chủ, rắp tâm hãm hại người trong gia đình. Câu thành ngữ là lời cảnh báo, nhắc nhở chúng ta cần cẩn trọng trước người ngoài, đừng vì lòng thương mà sẵn sàng giúp đỡ người khác để bị họ lợi dụng, hãm hại.
- "Rồng đến nhà tôm": Sở dĩ có yếu tố "rồng" và "tôm" xuất hiện vì thành ngữ này vốn bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian từ xa xưa. Đây là một câu chuyện ý nghĩa về tình bạn. "Rồng" ở đây chỉ cá chép, sau khi đã đỗ đạt, ở vị thế cao sang nhưng vẫn nhớ tình xưa nghĩa cũ. Còn "tôm" thì không hề tự ti, mặc cảm về xuất thân hay hoàn cảnh mà vẫn trân trọng tình bạn này. Ấy là lối ứng xử văn hóa mang đậm tình người.
- "Nghèo rớt mồng tơi": Ở đây, "tơi" không phải là loại rau mồng tơi như chúng ta vẫn nghĩ. "Tơi" là một loại áo mặc đi mưa vào thời xưa.