Cây đại thụ của làng mỹ thuật Việt lên tiếng về ‘thảm họa bích họa’

24/10/2018 - 18:07
‘Vẽ bích họa nơi công cộng là để biến một không gian từ xấu thành đẹp. Còn ở những không gian đã quá đẹp rồi thì không nên đưa thêm tranh tường vào đó, vì có thể phá hỏng sự hài hòa của cảnh quan’ – họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói.

Bức tường bích họa Hà Nội xưa và nay trên phố Phan Đình Phùng đang là đề tài cho các cuộc bàn tán về cách làm đẹp phố phường Hà Nội. Đây là dự án được nhóm cựu học sinh trường THPT Phan Đình Phùng thực hiện từ đầu tháng 10/2018, đến nay đã hoàn thành được 20/28 bức tranh dự kiến vẽ. Dự án được chia thành 2 phần: Phần quá khứ hiện hữu qua những bức tranh về Hà Nội xưa, phần hiện tại tái hiện những khoảnh khắc đẹp nhất trên phố Phan Đình Phùng. Trên mỗi bức tranh có gắn một bóng đèn để bật vào buổi tối, mọi người đi qua có thể ngắm nhìn.

chuong.JPG
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương 

Ngay khi chưa hoàn thiện, bức tường bích họa đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. Rất nhiều người tỏ ra thích thú và đến đây để “check-in”. Tuy nhiên, đã có không ít ý kiến cho rằng, những bức tường bích họa này chẳng khác nào là một mảng màu sáng chói phá hỏng đi khung cảnh tĩnh lặng, nên thơ, cổ kính của một trong những con phố đẹp nhất của Hà Nội. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng, phố Phan Đình Phùng ngày nay có thể coi là một di sản của Hà Nội, không phải cứ vẽ lên đó là làm đẹp cho phố phường, là tôn lên vẻ đẹp vốn có của con phố này. 

 

Cũng từ bức tượng bích họa trên phố Phan Đình Phùng này, các cuộc bàn tán về loại hình nghệ thuật tô điểm cho đường phố này đã nổ ra với nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng, thời gian gần đây phong trào bích họa bùng nổ không kiểm soát và có nguy cơ thành thảm họa. Nhưng cũng có người, trong đó tiêu biểu là họa sĩ Đào Hải Phong, lại nhìn nhận ở góc độ: Chúng đã tạo ra được một không gian mới, địa điểm vui chơi mới ở Hà Nội khiến mọi người cảm thấy vui vẻ, không nhàm chán.

Chia sẻ với PNVN về vấn đề này, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Vẽ bích họa nơi công cộng là để biến một không gian từ xấu thành đẹp, chẳng hạn tường bị vẽ bậy nham nhở, khu vực đó trở thành nơi xả rác bẩn thỉu, mất mỹ quan, thậm chí trở thành nơi “tập kết” của tệ nạn... Còn ở những không gian đã quá đẹp rồi thì không nên đưa thêm tranh tường vào đó, vì có thể phá hỏng sự hài hòa của cảnh quan.

“Phan Đình Phùng là 1 trong những con đường đẹp nhất Hà Nội. Nơi đây có những hàng cây xanh chạy dài hun hút qua những kiến trúc cổ kính và di tích văn hóa, là địa chỉ quen thuộc của các nhiếp ảnh gia để chụp lại những bức ảnh nghệ thuật. Nó quá đẹp rồi, không cần thiết phải có thêm bích họa”, họa sĩ Trần Khánh Chương đánh giá.

2.jpg
Một góc bích họa trên phố Phan Đình Phùng 
 

Về “phong trào” vẽ bích họa đang lan rộng khắp Hà Nội, từ nội đô ra cả ngoại thành, họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng nếu các bức tranh tường này chỉ xuất hiện ở những con ngõ, khu dân cư nhỏ thì không phải là chuyện quá lớn. Nhưng khi nó xuất hiện ở những địa chỉ công cộng lớn, trục đường giao thông đông người qua lại thì nhất định phải là những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật được thực hiện bởi những họa sĩ có tay nghề cao. Có như vậy mới mang lại hiệu quả thẩm mỹ cho không gian công cộng, khiến công chúng có được niềm vui, cảm giác thư thái khi ngắm nhìn.

 

“Thực hiện tác phẩm nơi công cộng là một thách thức đối với họa sĩ. Tác phẩm nghệ thuật nơi không gian công cộng phải có sự hài hòa về cảnh quan và phải có kỹ thuật vẽ sâu, mang lại cảm xúc tích cực cho người xem. Trong thời đại 4.0, công chúng có cơ hội tiếp xúc nhiều với nghệ thuật đỉnh cao, nếu họa sĩ không đáp ứng được yêu cầu thì rất dễ bị “ném đá”, chê bai”, họa sĩ Trần Khánh Chương nói.

con-duong.jpg
Một góc Con đường gốm sứ  

Họa sĩ Trần Khánh Chương lấy ví dụ từ tác phẩm Con đường gốm sứ - công trình được coi là khởi đầu cho những con đường bích họa ở Hà Nội. Để thực hiện công trình này, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và cộng sự phải rất kỹ càng trong việc lựa chọn phác thảo, đưa ra những chủ đề tôn vinh nét đẹp văn hóa để du khách đi qua có thể nhận ra ngay vẻ đẹp truyền thống của Hà Nội, của Việt Nam. Chẳng hạn như hình ảnh các kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam, nét đẹp thổ cẩm trong trang trí kiến trúc, họa tiết hoa văn trên gốm sứ trong dòng chảy lịch sử... Và những tác phẩm hội họa trên đó đều được thực hiện bởi những họa sĩ tài năng, có nghề.

 

Vị họa sĩ được gọi là “cây đại thụ của làng mỹ thuật Việt Nam” bày tỏ thêm: Với bích họa, cần phải có sự tiết chế, chọn lọc thật tinh tế, sâu sắc và nên có một hội đồng nghệ thuật do cơ quan quản lý văn hóa hoặc hội nghề nghiệp đứng ra thẩm định. Bởi nếu không có sự chọn lọc, để việc vẽ bích họa phát triển ồ ạt thì chuyện trở thành “thảm họa” là nguy cơ nhìn thấy ngay trước mắt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm