'Cha không chăm con nhiều, sẽ giống như khách đến chơi nhà'

02/04/2017 - 17:08
Đó là chia sẻ của một người cha 38 tuổi từng nghỉ chế độ thai sản thay vợ. Hiện tại, ngay cả khi 2 con đã lớn, anh vẫn sẵn sàng làm việc bán thời gian để có điều kiện lo cho con và giúp vợ có nhiều cơ hội hơn trong công việc.
Cách đây hơn 1 năm, tháng 1/2016, vợ chồng Petra Sintorn - Truls Ekelin cùng 2 con rời Stockholm (Thụy Điển) sang Hà Nội sinh sống và làm việc. Khi ấy, cậu con trai lớn của họ gần 6 tuổi và cô con gái mới gần 2 tuổi. 

Chị Petra Sintorn tâm sự: “Ban đầu, khi đến Hà Nội, gia đình tôi cũng có khá nhiều xáo trộn!”. Cái khó đầu tiên là về ngôn ngữ. Khi đi làm việc, đi siêu thị thì không vấn đề gì, nhưng lúc đến nhiều nơi khác nữa thì họ bị vướng trong giao tiếp. Sau đó là giao thông và phương tiện đi lại. Vợ chồng anh chị đã không có nhiều lựa chọn. Ở đây, họ chỉ có thể đi lại bằng xe taxi hoặc sẽ máy chứ không giống như Thụy Điển - nơi chủ yếu di chuyển bằng phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe bus… Tuy nhiên, hơn 1 năm đã trôi qua, mọi sinh hoạt của gia đình anh chị đã dần quen và ổn định.

 Hàng ngày, chị Petra làm việc toàn thời gian tại công ty từ 9 giờ sáng đến 18h30. Khoảng 19 giờ, chị mới trở về nhà
 Anh Truls đã quyết định làm việc bán thời gian tại Đại sứ quán. Do vậy, hầu hết các công việc đưa - đón con đi học, liên hệ với nhà trường, đi siêu thị mua đồ ăn, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, cho con ăn, chơi với con, kể chuyện cho con trước giờ đi ngủ… là do anh đảm nhiệm. Anh bảo: “Mình rất vui, thoải mái và hạnh phúc khi có được nhiều thời gian để chăm sóc các con nhỏ!”.

Trước đó, khi còn ở Thụy Điển, anh chị về ở chung một nhà vào năm 2008, đến 2010 thì sinh con trai đầu lòng. Họ không thuê người giúp việc, cũng không có cha mẹ ở cùng hỗ trợ. Ngay sau khi sinh con, theo chính sách Parental Leave (Ngày nghỉ của cha mẹ) của chính phủ Thụy Điển - các ông bố sẽ được nghỉ 10 ngày khi vợ sinh con. Tuy nhiên, Truls đã xin nghỉ thêm 2 tuần nữa để đến bệnh viện học các kỹ năng cần thiết để chăm sóc trẻ như việc thay tã, cho con ăn, vệ sinh thân thể, chăm sóc giấc ngủ cho bé… Anh tự thấy mình làm các công việc đó tốt hơn vợ nên sau 3 tháng sinh con, chị Petra đã trở lại với công việc. Anh là người xin nghỉ làm, một mình ở nhà dành toàn thời gian chăm sóc con. Cho đến khi bé bước vào tháng thứ 7, vợ chồng mới luôn phiên thay nhau trông con - nghĩa là cứ mỗi tuần 1 người sẽ làm việc bán thời gian 2,5 ngày cho đến khi con được 18 tháng, đi nhà trẻ. Đến đứa con gái thứ 2, họ cũng phân chia tương tự vậy.

Chị Petra cho biết: “Có thể với phụ nữ Á đông, nhiều người hay nghĩ rằng việc chăm sóc con nhỏ chủ yếu là của phụ nữ, nhưng vợ chồng tôi thì không nghĩ vậy. Bản thân tôi không giỏi trong việc chăm sóc em bé và tôi thấy chồng làm việc đó rất ổn thì cứ để anh đảm nhiệm, phát huy”.

 Anh Truls khẳng định: “Tôi nhận thấy khi mình phát huy được thế mạnh chăm con thì kết quả là các mối quan hệ trong gia đình tôi hạnh phúc và tốt hơn rất nhiều so với lúc ban đầu như tôi tưởng. Ví dụ, vợ chồng tôi xây dựng được tính hợp tác trong gia đình. Các con tôi sẵn sàng chia sẻ với tôi khi mà chúng buồn bã hoặc sợ hãi. Nếu như tôi không nghỉ chăm con nhiều như thế, tôi sẽ chỉ giống như 1 người khách đến thăm nhà vào buổi tối mà thôi”.

Khi được hỏi bí quyết để tạo nên sự hòa thuận trong gia đình là gì thì cả chị Petra Sintorn và anh Truls Ekelin thống nhất cho rằng: “Đó là sự bình đẳng”. Anh chị cho biết, họ luôn áp dụng nguyên tắc này trong mọi vấn đề của đời sống gia đình.

Ví như trong việc chăm con, anh lo cho chúng cả ngày, còn chị, tối đi làm về, sau giờ ăn xong, chị hầu như dành toàn thời gian con: chơi với chúng, cả nhà có thể xem tivi, chơi iPad, hoặc đi chơi, đi bộ, đi dạo, dạy con đi xe đạp…   

Về kinh tế, mỗi người có giữ 1 phần để chi tiêu riêng những thứ nho nhỏ cho cá nhân như mua cái quần, áo… còn lại, họ góp vào 1 quỹ chung. Mỗi khi cần tiêu khoản gì đó cho gia đình như đi chơi xa, mua sắm, 2 vợ chồng đều thảo luận để cùng đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu trong trường hợp mỗi người một ý, cứ thảo luận đi thảo luận lại mà không có được sự thống nhất thì họ chọn cách là “không làm nữa”. Cụ thể như mới đây, vợ chồng bàn về việc mua ô tô. Anh thích hãng này, chị thích hãng kia… Họ thảo luận mãi không đi được đến thống nhất thì đã chọn cách hoãn lại, không mua nữa. Tóm lại, Truls bảo: “Một người không bao giờ đưa ra những quyết định về tài chính mà không tham khảo ý kiến của người còn lại”.

Trong cư xử với các con, họ cũng thống nhất các quan điểm “Không bao giờ đưa ra các hình phạt với trẻ”; “Không để trẻ phải chịu áp lực bởi các quy tắc”; “Hết sức hạn chế việc chỉ trích trẻ”… Khi họ muốn con giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, họ sẽ nói với bọn trẻ rằng: “Bố mẹ muốn ngôi nhà mình ngăn nắp và các thành viên trong nhà đều phải có trách nhiệm làm điều đó” rồi giải thích cho trẻ hiểu những mặt tích cực của việc sống ngăn nắp. Khi trẻ hò hét trong nhà, bố mẹ không tức giận giải thích cho trẻ hiểu vì sao không được hét như thế. Đến giờ ăn tối, trẻ không thích ăn, bố mẹ sẽ không ép mà sẽ nói ngồi nói chuyện với con, giải thích là vì sao chúng phải ăn kiểu như: “Nếu không ăn thì sẽ bị đói, sẽ không có năng lượng để làm những việc con thích sau giờ ăn tối”…

Với quan điểm “bình đẳng” để cùng tìm ra cách tốt nhất để gia đình sống cùng nhau một cách vui vẻ, hạnh phúc, vợ chồng Petra Sintorn - Truls Ekelin đã chia sẻ rằng: “Từ ngày về chung sống đến nay, vợ chồng tôi hiếm khi dỗi hờn, xung đột”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm