Ngày 22/11, bác sĩ Đỗ Hoàng Việt (BV Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi Đinh Nam T. (09 tháng tuổi, ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) do bị bỏng nước sôi.
Trước đó, bé được chuyển đến BV trong tình trạng chân, tay xuất hiện nhiều nốt phỏng nước, bỏng rộp vùng bàn, cẳng tay và cẳng, bàn chân 2 bên. Gia đình cho biết, trong lúc chơi đùa, gia đình không để ý bé đã bị phích nước sôi đổ vào người. Gia đình phát hiện nhanh chóng đưa bé đến BV điều trị.
Tại BV, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị bỏng nước sôi độ II, III vùng cẳng bàn chân hai bên, cẳng bàn tay trái 10% nên chỉ định phẫu thuật.
Tại phòng phẫu thuật, bé được cắt lọc vảy da, vảy tiết vùng cẳng bàn chân hai bên, cẳng tay trái sau đó băng toàn bộ vùng bỏng bằng Silvirin. Hiện tại sức khỏe của bé đã tạm ổn định và tiếp tục được chăm sóc tại BV.
Theo bác sĩ Đỗ Hoàng Việt, đối với trẻ em, các loại bỏng đều gây nguy cơ tử vong rất cao, do cơ thể của các em còn non nớt, sức đề kháng kém. Da của các em rất dễ bị hoại tử dẫn đến nhiễm trùng máu, cho dù các em chỉ bị bỏng nước sôi độ 1, độ 2, nhưng chỉ cần khoảng 25% cơ thể đã nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ; để các vật dụng dễ gây bỏng (phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa...) ngoài tầm tay trẻ.
Khi nấu ăn, luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong tránh va quệt; không để trẻ nhỏ tự tắm vòi nước nóng lạnh, nếu tắm chậu cho trẻ, cần đổ nước lạnh vào trước và hòa nước nóng sau, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ.
Trẻ em bị bỏng, lỗi chung quy vẫn do người lớn sơ suất, lơ là trông coi. Đừng để một phút chểnh mảng trong việc chăm sóc làm thay đổi một cuộc đời, một số phận của đứa trẻ.