Cha mẹ đang ở đâu khi bạo lực học đường xảy ra?

20/10/2017 - 17:58
Những vụ bạo lực học đường diễn ra liên tiếp gần đây với mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhưng nhiều cha mẹ vẫn coi đó là “trò đùa trẻ con”. Nhiều chuyên gia tâm lý trăn trở: Cha mẹ đang ở đâu khi xảy ra bạo lực học đường?
_dsc8205.JPG
Chị Hiệu constant, dịch giả cuốn sách Marion- Mãi mãi tuổi 13: Những đứa trẻ ngoan, hướng nội càng cần phải quan tâm vì chúng rất nhạy cảm

Chia sẻ tại  buổi tọa đàm “Bạo lực học đường - Ba mẹ đang ở đâu?” do MESSY BOOKS và Trung tâm sức khỏe gia đình và Phát triển công đồng- CFC Việt Nam tổ chức, anh Đỗ Việt Cường (Trung tâm đào tạo kỹ năng sống TGM) cho biết, anh từng làm việc với rất nhiều các em tuổi teen, trong đó nhiều em sống trong hoàn cảnh bố mẹ li dị, xích mích nhau…

Việc xảy ra bạo lực học đường thường do các em không kiểm soát được cảm xúc. Chỉ từ một chuyện nhỏ, nhưng không được giải tỏa, chia sẻ hàng ngày thì cảm xúc tiêu cực cứ tích tụ dần, đến một ngày cảm xúc đó bùng nổ dẫn đến bạo lực.  

Chính vì vậy, cha mẹ hàng ngày cần hỏi chuyện để con có thể chia sẻ, giãi bày mọi chuyện, như thế con mới giải tỏa được cảm xúc. Những vụ bạo lực học đường sẽ giảm rất nhiều nếu cha mẹ làm tốt điều này.

Chị Hiệu Constant- dịch giả cuốn sách “Marion- Mãi mãi tuổi 13”- cuốn sách gây chấn động nước Pháp về nạn quấy rối học đường cho rằng, vai trò của cha mẹ trong những vụ việc bạo lực rất quan trọng, nhất là người mẹ. Với cách nói chuyện dịu dàng của người mẹ, các con sẵn sàng chia sẻ chuyện trường lớp ở trong các bữa ăn, khi đi dạo. Như thế, người mẹ sẽ dễ dàng nắm bắt được tâm tư, bức xúc của con, biết được con đang gặp khó khăn gì.

“Không chỉ trẻ hiếu động mới có vấn đề, những đứa trẻ ngoan, hướng nội càng cần phải quan tâm vì chúng rất nhạy cảm. Khi có chuyện gì, chúng thường không dễ bộc lộ bởi chúng sợ bố mẹ lo lắng. Thế nên, cha mẹ cần chú ý đến thái độ thay đổi của đứa trẻ nếu thấy chúng trầm lặng hay cáu gắt hơn. Những đứa trẻ ngoan cũng phải được dạy để biết nói không, biết nói lên suy nghĩ những vấn đề của mình”, chị Hiệu Constant chia sẻ kinh nghiệm.

_dsc8212.JPG
Chị Hồng Tâm: Bạo lực đến từ sự tức giận, sợ hãi và sự gây hấn, muốn trút giận lên người khác nên đừng dùng "bạo lực" để nói về "bạo lực"

Là người gắn bó với các em tuổi teen trong trường học, chị Hồng Tâm, chuyên viên tư vấn học đường, cho rằng, nguyên nhân sâu xa của bạo lực học đường không phải từ gia đình, nhà trường, xã hội mà đến từ sự yếu đuối của trẻ. Các em yếu đuối với những chuyện xảy ra với chính mình.

Khi gặp chuyện không như ý, các em trút bực tức lên người khác. Người lớn biết hậu quả của việc trút giận lên người khác nên biết dừng lại. Nhưng các em tuổi teen thì không nghĩ được hậu quả nên trút giận lên những kẻ yếu hơn. Các em sợ một mình thì yếu nên thường gia nhập đám đông và bạo lực học đường thường có sự cổ vũ của một nhóm. Những đứa trẻ khác sợ bị cô đơn, cô lập nên cũng hùa vào ăn hiếp bạn, không dám bảo vệ bạn vì sợ bị đánh.

“Nếu các em quản lý được cảm xúc, mạnh mẽ hơn, chấp nhận những chuyện xảy ra với mình, nhận thức đúng được vấn đề thì đã không xảy ra bạo lực học đường. Chính vì vậy, bố mẹ phải dạy cho con sự mạnh mẽ. Đứa trẻ mạnh mẽ sẽ biết tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn mình, sẽ dám lên tiếng trước vụ việc bạo lực. Nếu 10 phụ huynh dạy con mạnh mẽ thì có 10 đứa trẻ mạnh mẽ, sẽ có 10 đứa trẻ lên tiếng bảo vệ, ngăn cản việc bạo lực. Cha mẹ cần dạy con có sự khiêm tốn bởi đa phần trẻ bị bạn bè ghét vì quá kênh kiệu, vì cậy là học trò ngoan, giỏi…", chị Hồng Tâm cho biết.

Theo chị Hồng Tâm, điều quan trọng là cha mẹ cần yêu thương, quan tâm hỏi han con mỗi ngày, dạy cho con nhận thức đúng những vấn đề nhỏ trong cuộc sống mà con gặp mỗi ngày. Những câu chuyện nhỏ cũng tạo ra nếp sống, nếp nghĩ cho con. Hãy dùng tình thương và sự bao dung để yêu thương tất cả các em dù trẻ là nạn nhân hay trẻ gây chiến.

_dsc8202.JPG
Chị Hoàng Anh (ngoài cùng, bên trái): Tình thương của cha mẹ là chìa khóa để có thể mở ra, tháo gỡ rất nhiều vấn đề của trẻ

Chị Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng- CFC Việt Nam, mong muốn các cha mẹ hãy lắng nghe con, hiểu con nhiều hơn thì sẽ ngăn chặn được nhiều vấn nạn, trong đó có bạo lực học đường.

“Gốc rễ của bạo lực học đường hay của các vấn đề tâm lý khác, vẫn là từ gia đình và cần được giải quyết từ trong chính mỗi gia đình. Chính vì vậy, tình thương của cha  mẹ vẫn là chìa khóa để có thể mở ra, tháo gỡ rất nhiều vấn đề của trẻ. Cha mẹ cần chia sẻ với con, cần dành niềm tin cho con để con hiểu rằng con là đứa trẻ tốt và dù thế nào thì bố mẹ vẫn luôn tin tưởng, yêu thương con”, chị Hoàng Anh nhấn mạnh.

marion_mai_mai_tuoi_13_qhqg.jpg

Cuốn sách “Marion, mãi mãi tuổi 13”  gây chấn động nước Pháp về nạn bạo lực học đường- là câu chuyện của một người mẹ viết về cái chết của cô con gái bé bỏng Marion mới 13 tuổi. Cuốn sách khắc họa chi tiết nỗi đau khổ của người mẹ khi chứng kiến cảnh con gái mình tự tử vì bạo hành tại trường học…



* Theo số liệu Bộ GD&ĐT đưa ra trong kỳ họp Quốc Hội ngày 9/6/2017, trong một năm học, toàn quốc đã xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, bình quân khoảng 5 vụ 1 ngày, cứ trên 5.200 học sinh có 1 vụ đánh nhau, cứ trên 11.000 học sinh có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm