pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ dạy con điều này trong dịp Tết giúp con thêm hiếu thảo, ngoan ngoãn
Mỗi dịp Tết đến xuân về, ngoài các hoạt động nên hướng dẫn con thực hiện như: Gói bánh chưng, trang trí nhà cửa, nấu món ăn cổ truyền… thì cha mẹ cũng cần dạy con ý nghĩa của sự sum vầy, quây quần đối với các thành viên.
Đây là việc nhỏ nhưng mang lại lợi ích lớn cho sự phát triển của trẻ, giúp trẻ nhận được nhiều bài học quý giá.
1. Giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương, sự gắn kết gia đình
Không còn gì ý nghĩa và hạnh phúc khi dịp cuối năm, mọi người tạm gác bộn bề cuộc sống để dành thời gian cho nhau. Vào dịp này, ông bà, cha mẹ sẽ sắm sửa Tết, trang hoàng nhà cửa, nấu những món ăn ngon. Còn trẻ nhỏ có cơ hội được cùng nhau chơi đùa và phụ giúp những việc vừa sức.
Ngày giáp Tết, những người con xa xứ cũng cố gắng thu xếp xong xuôi công việc để được sớm về bên gia đình. Tết là dịp đặc biệt như vậy nên dù có bận rộn, cha mẹ cũng nên tỉ tê trò chuyện, kể cho con nghe những câu chuyện cũ trong năm và những dự định cho thời gian tới.
Không khí ấm áp, quây quần bên gia đình giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương, sự gắn kết của các thành viên. Trẻ sẽ hiểu được dù đi đâu thì "nhà vẫn là nơi để về", cha mẹ luôn là điểm tựa vững chắc cho những đứa con.
Nhà văn I-li-a Ê-ren-bua (Liên Xô trước đây) từng viết: "Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển". Hình ảnh đơn giản ấy cũng chính là một quy luật tất yếu của tạo hóa và được so sánh với: "Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê sẽ trở thành lòng yêu Tổ quốc". Tình yêu nước vĩ đại bao nhiêu cũng đều bắt nguồn từ tình cảm bình dị nhất: Lòng yêu nhà (nghĩa là yêu thương, kính trọng ông bà và cha mẹ).
Vì vậy, dạy trẻ về ý nghĩa việc quây quần, sum vầy bên nhau sẽ giúp trẻ khắc sâu hơn về tình cảm yêu thương, gắn kết gia đình, hình thành lòng trắc ẩn, sự biết ơn. Đây là những đức tính trẻ cần có nếu muốn được mọi người quý mến, nể phục. Và đức tính này cũng là cội rễ giúp trẻ sớm có thành công trong tương lai.
2. Giúp trẻ biết tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ
Tranh thủ lúc sum vầy bên nhau cùng gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa hay khi đi thăm mộ tổ tiên, ông bà, cha mẹ có thể dạy trẻ cách bày tỏ lòng tri ân đến những người đặc biệt. Trẻ sẽ hiểu được bài học "uống nước nhớ nguồn", luôn hướng đến cội nguồn của mình.
Hay khi đưa trẻ đi chúc Tết ông bà, cha mẹ hãy tâm sự với con về những đóng góp của tổ tiên với con cháu, về sự vất vả của ông bà khi đã nuôi dạy cha mẹ nên người. Như vậy, trẻ sẽ hiểu được những khó khăn, vất vả và từ đó lòng tri ân đến một cách tự nhiên trong tâm hồn trẻ.
Tấm lòng tri ân của trẻ trở nên có ý nghĩa nhất khi cha mẹ và người thân trong gia đình là tấm gương để trẻ soi vào. Vì thế, cha mẹ hãy là người đầu tiên giúp trẻ cảm nhận sâu sắc cách thể hiện tình cảm, sự biết ơn bằng hành động cụ thể. Nếu sống xa gia đình, cha mẹ hãy cho trẻ cơ hội được về quê vào ngày Tết cổ truyền.
Một số hoạt động mà cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ thực hiện để bày tỏ lòng tri ân tổ tiên, ông bà như: Cùng cha mẹ thắp hương lên bàn thờ, đi thăm mộ tổ tiên, mua quà bánh biếu người lớn tuổi…
Trong ca khúc Đi về nhà của ca sĩ Đen Vâu có một câu hát vô cùng thấm thía: "Bước chân ra là sóng gió, chỉ có nhà là an yên. Ngoài kia phức tạp như rễ má và dây mơ. Về nhà để có lúc cho phép mình được ngây thơ…". Câu hát khiến nhiều người phải chững lại nghĩ suy về sự thiêng liêng của 2 tiếng "gia đình".