Đại gia đình tôi có thói quen cứ đến cuối tuần là con cháu lại tụ tập đông đủ ở nhà ông bà. Suốt buổi, nhìn gương mặt vợ chồng em gái tôi (bố mẹ cháu Thủy) ỉu xìu như bánh đa nhúng nước, tôi đã biết chắc có chuyện gì đó không hay. Quả nhiên, khi tôi vô tình hỏi thăm về tình hình thi cử của cháu Thủy, em gái tôi như bị chạm đúng mạch, liền bật khóc nức nở:
“Cái con trời đánh này nó bôi tro trát trấu vào mặt chúng em rồi bác ạ! Nó trượt đại học rồi! Bây giờ, làm sao em dám ngẩng mặt lên với đời?”. Em rể thì tôi thở dài thườn thượt, lạnh lùng tiếp lời vợ: “Chúng em có để nó thiếu thốn gì đâu mà sao càng ngày nó càng đổ đốn”.
Cháu Thủy thấy mình trở thành "nhân vật trung tâm" trong câu chuyện không hay ho này, cũng sụt sùi: “Bố mẹ đừng nói nữa. Con chán lắm rồi. Con sẽ đi cho khuất mắt bố mẹ!”.
- Á à, đồ mất dạy. Mày biến đi cho khuất mắt bố mẹ! - em gái tôi hét lên.
Buổi sum họp của gia đình tôi vậy là tan. Bị mẹ mắng, Thủy chạy ra khỏi nhà. Tôi liền phóng xe đuổi theo, đưa cháu về nhà mình. Sau đó, tôi gọi cho em gái nói hãy để con ở lại nhà tôi ít bữa. Khi nào các em và cháu cùng bình tâm, tôi sẽ đưa cháu về nhà. Em gái tôi nghe xong, liền đáp: “Vâng, bác đưa nó đi luôn càng tốt. Biết thế này ngày xưa em chẳng đẻ ra nó nữa”.
Những lời nói phũ của em gái, tôi nghe xong chỉ giữ cho riêng mình. Tôi không nói lại cho cháu vì sợ sẽ làm cháu tổn thương. Về tới nhà, cháu ôm lấy tôi, run run nói:
“Bác ơi, cháu chẳng thiết sống nữa. Mỗi lời bố mẹ nói ra như xát muối vào lòng cháu, khiến cháu mất hết ý chí phấn đấu”.
Rồi cháu kể: Hồi học tiểu học, mỗi lần cháu được điểm 8-9, cháu rất vui, chỉ mong được về nhà khoe với bố mẹ. Nhưng thay vì khen cháu, bố mẹ lại bảo: “À, thế chắc là cả lớp con được điểm 9 phải không?”. Đến khi cháu nỗ lực giành được 10, bố mẹ cháu lại nói: “Chắc là nhờ cô cho đề dễ hoặc là con nhìn bài bạn chứ gì?”.
Lên cấp 2, cháu thi đỗ vào lớp chọn của trường và còn được tín nhiệm bầu làm lớp phó học tập. Cháu cứ nghĩ bố mẹ sẽ rất vui và đánh giá nỗ lực của cháu. Nào ngờ bố mẹ vẫn phủ nhận: “Lớp chọn trường làng thì ý nghĩa gì. Con người ta dẫn đầu trường chuyên của tỉnh còn chả ăn ai”.
Chai lì vì bố mẹ đay nghiến
Cứ như thế, trong mắt bố mẹ, Thủy luôn kém cỏi, không bao giờ bằng được “con nhà người ta”. Dần dà, cháu không còn buồn khoe với bố mẹ nữa và nghĩ “đằng nào bố mẹ cũng không tin tưởng thì mình cố gắng học tốt cũng chẳng để làm gì”.
Lên cấp 3, sức học của cháu yếu dần. Bố mẹ cháu càng đay nghiến, mắng mỏ cháu là “vô dụng”, “ngu dốt”, “bất hiếu”, “được nuôi ăn rồi mà học cũng không xong”. Ban đầu, khi nghe những lời đó, Thủy thấy rất buồn. Lâu dần, cháu trở nên chai lì và cho rằng, mình trở nên... vô dụng luôn để bố mẹ khỏi bị bất ngờ.
Trước khi chìm vào giấc ngủ mệt nhọc, cháu gái tôi còn kịp nói với tôi mấy lời từ đáy lòng: "Cháu thèm được một lần nghe bố mẹ nói “con giỏi lắm, bố mẹ tin tưởng và yêu con”. Nhưng có lẽ điều đó sẽ không bao giờ xảy ra đâu bác ạ! Ngay cả tối nay, khi cháu muốn ra đi, bố mẹ cháu cũng không can và giữ cháu lại. Cháu đã đợi mãi điện thoại của bố mẹ gọi cho bác để hỏi xem tình hình của cháu thế nào. Vậy mà bố mẹ cháu đã không làm. Bố mẹ cháu lạnh lùng, luôn cho rằng cháu chưa phấn đấu đủ để đền đáp công sinh thành của bố mẹ".
Ngày hôm sau, tôi đến nhà gặp vợ chồng em gái để kể về sự việc tối qua. Tôi đoán các em nuôi con từng đó năm nhưng chưa một lần được nghe con tâm sự điều thầm kín trong lòng.
Quả nhiên, em tôi mắt tròn mắt dẹt nghe tôi nói rồi cố thanh minh: "Bố mẹ nào mà chẳng yêu con. Nhưng các cụ chẳng nói “yêu cho roi vọt”, em không muốn “con hát mẹ khen hay”. Em nghĩ mình mắng con, phủ nhận con là để cháu thấy mình chưa là gì so với thiên hạ mà cố gắng tiếp. Cháu không được phép tự mãn".
Tôi đã nói với vợ chồng em rằng, làm cha mẹ không chỉ có nhiệm vụ nuôi cho con ăn no, mặc đẹp. Những lời nói phũ phàng của các em đã khiến con đau đớn còn hơn cả bị bỏ đói. Cùng một sự việc nhưng nếu các em biết nhìn ra điểm tốt của con, dù là rất nhỏ, khích lệ con, thì sẽ giúp con khơi dậy được sự tự tin, phấn chấn muốn bước tiếp. Các em đừng nghĩ làm vậy là khiến con tự mãn. Còn như vừa qua, các em đang khiến con nghĩ rằng mình bị chính bố mẹ ghét bỏ.
Tôi không muốn có một ngày cháu tôi mất niềm tin, tâm hồn trống rỗng và sẽ làm việc dại dột. Khi đó các em có ân hận, nói lời yêu con cũng đã muộn rồi.