Chăm lo đời sống cho nữ công nhân xa nhà

PV
26/11/2024 - 12:56
Chăm lo đời sống cho nữ công nhân xa nhà

Các nữ công nhân, lao động xa nhà phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ vật chất đến tinh thần. Ảnh minh họa

Nữ công nhân xa nhà phải đối mặt với nhiều khó khăn do phải làm việc và sinh sống xa gia đình, ảnh hưởng không nhỏ đến đến đời sống tinh thần và hiệu quả công việc. Nhận thức được những thách thức này, các tổ chức công đoàn tại Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm chăm lo đời sống cho nữ công nhân xa nhà, tạo ra môi trường làm việc và sinh hoạt tốt hơn, từ đó giúp họ ổn định cuộc sống và phát triển nghề nghiệp.

Thực trạng đời sống nữ công nhân xa nhà

Trở về nhà trọ sau một ngày tăng ca mệt mỏi, chị Lê Ngọc Liên (26 tuổi, quê Thái Bình) - công nhân điện tử tại một công ty ở tỉnh Vĩnh Phúc - ăn vội bát cơm nguội với miếng giò còn lại từ trưa rồi tranh thủ gọi điện cho con gái. Đứa trẻ ở đầu dây bên kia dường như cũng chỉ thời khắc này, bắt máy ngay sau một hồi chuông và reo lên khi được nhìn thấy mặt mẹ qua màn hình điện thoại: "A mẹ đây rồi!".

Chị Liên kể, năm 18 tuổi, vừa học xong cấp 3, chị không thi được vào đại học nên quyết định ra Hà Nội đi làm việc ở khu công nghiệp. Làm được 3 năm, nhận thấy mức sinh hoạt phí và thuê nhà tại Hà Nội đắt đỏ, lương tháng để ra cũng chẳng được bao nhiêu nên chị quyết định rời Thủ đô đến làm ở Vĩnh Phúc. Cũng nhờ chuyển việc làm, chị quen và gặp gỡ chồng mình hiện tại rồi đi đến hôn nhân. Cả hai đều làm công nhân, là người xa xứ, sau khi sinh con, chị cố gắng kéo dài thời gian thai sản nhiều nhất có thể đến gần 11 tháng rồi phải "dứt sữa" để con lại nhờ ông bà chăm sóc cho mình đi làm.

"Thời gian đầu, đêm nào tôi cũng khóc vì quá thương nhớ con, thương cả cha mẹ có tuổi rồi lại phải chăm cháu thay con. Nếu đón cháu về đây sinh sống cùng lại phải thuê gian phòng rộng hơn, gửi mầm non công lập cũng khó vì chúng tôi không có hộ khẩu, mà bỏ việc về với con thì chưa biết làm gì khác để có thêm thu nhập. Bởi vậy, suốt mấy năm trời cứ phải tranh thủ từng ngày nghỉ đi xe đêm về để ôm con một, hai tiếng thôi cũng phải cố đi" - chị Liên tâm sự

Chăm lo đời sống cho nữ công nhân xa nhà- Ảnh 1.

Không phải nơi nào cũng có mô hình “nhà trọ công nhân an toàn, văn minh” như tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Tương tự như chị Liên, chị Trần Thị Thuỷ (25 tuổi, quê Thanh Hoá), hiện đang làm công nhân tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử ở tỉnh Hải Dương, có mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Phần lớn thu nhập chị phải trang trải cho việc ăn ở, điện nước, sinh hoạt và dành một phần nhỏ gửi về cho bố mẹ trang trải nợ nần do nuôi trồng thua lỗ. Đó cũng là lý do mà đến nay Thuỷ chưa dám kết hôn vì không tự tin làm chủ kinh tế để có thể chăm lo cho gia đình của riêng mình.

Theo một khảo sát từ cuối năm 2023 của Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, 53,7% số lao động nữ di cư phải thuê nhà trọ để ở, chỉ 0,3% số lao động được doanh nghiệp bố trí nhà, ký túc xá tập thể. Trong đó, có đến 64,7% lao động nữ di cư ở những căn nhà trọ chật chội, không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như ánh sáng, nước sạch, vệ sinh, thiếu tiện nghi sinh hoạt, không đảm bảo an toàn. Với mức thu nhập còn thấp, nhóm lao động này chủ yếu chỉ trang bị những nội thất ở mức cơ bản nhất trong nơi ở như: quạt, tủ quần áo và dụng cụ nhà bếp đơn giản. Điều đó cho thấy còn rất nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống vật chất, tinh thần của những lao động nữ đang góp phần tạo ra sự phát triển cho xã hội.

Điểm tựa cho các nữ công nhân, lao động xa nhà

Những năm qua, công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nữ công nhân, lao động nữ được các cấp công đoàn trong tỉnh quan tâm và chỉ đạo kịp thời. Các cấp công đoàn đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống của lao động nữ, kịp thời phản ánh, tham mưu với cấp ủy, chuyên môn đưa ra những biện pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong thực hiện pháp luật lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ. 

Các cấp công đoàn đã phối hợp với chính quyền và người sử dụng lao động giải quyết kịp thời các khiếu nại liên quan đến quyền lợi của người lao động như: tiền lương, tiền thưởng, nâng bậc lương, BHXH, BHYT, hỗ trợ tiền ăn, tiền xăng xe, tiền chuyên cần..., đồng thời tìm ra các giải pháp để tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nữ công nhân, lao động.

Chăm lo đời sống cho nữ công nhân xa nhà- Ảnh 2.

Các hoạt động hỗ trợ từ Công đoàn luôn là điểm tựa tinh thần cho các nữ công nhân, lao động xa nhà

Theo bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phối hợp đề xuất xây dựng và tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, nhà trẻ, mẫu giáo, chăm sóc sức khỏe nữ đoàn viên, người lao động. Hỗ trợ lao động nữ di cư có việc làm bền vững, môi trường làm việc an toàn; tạo điều kiện để lao động nữ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội chất lượng. 

Bên cạnh đó, Công đoàn cũng sẽ đề xuất xây dựng và triển khai Đề án "Hỗ trợ công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con". Thúc đẩy chương trình "Nuôi con bằng sữa mẹ" thông qua mô hình "Phòng vắt trữ sữa" tại nơi làm việc. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn cũng thương lượng với người sử dụng lao động hỗ trợ kinh phí cho lao động nữ nuôi con nhỏ... Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp trong xây dựng, thực thi quy định về bình đẳng giới, bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới...

Các sáng kiến của Công đoàn nhằm chăm lo đời sống cho nữ công nhân xa nhà đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe và tinh thần của nữ công nhân. Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng với những nỗ lực liên tục từ các tổ chức công đoàn, đời sống của nữ công nhân tại các khu công nghiệp sẽ ngày càng được cải thiện, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của lực lượng lao động nữ trong tương lai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm