Chạm tới “cánh cửa” bình yên

Chạm tới "cánh cửa" bình yên

Trong hành trình đi tìm bình yên của những người phụ nữ, luôn có những người sẵn sàng đối diện rủi ro trợ giúp họ, đồng hành với họ để giúp họ nghĩ khác đi, thay tư duy, đổi nhận thức.

Có thể nói việc hỗ trợ những người bị bạo lực và người gây ra bạo lực đã tạo được sức lan tỏa, niềm tin trong cộng đồng dân cư, là chỗ dựa an toàn cho các trường hợp là nạn nhân của bạo lực giới. Các trường hợp nhận được hỗ trợ đã thay đổi rõ rệt về mặt hiểu biết, kỹ năng; đã tự tin chia sẻ câu chuyện của mình, thậm chí giúp đỡ người khác vượt qua tình trạng bạo lực. 

Đó là câu chuyện của 2 trong số các gia đình tham gia câu lạc bộ "Gia đình chung sức" của xã Minh An, huyện Văn Chấn (Yên Bái) được thành lập trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới" do Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam tài trợ.

Chạm tới “cánh cửa” bình yên  - Ảnh 1.

CLB “Gia đình hạnh phúc” ra mắt năm 2021.

Trao kiến thức, trao nguồn sinh kế

Tham gia từ những buổi đầu khi CLB mới thành lập, gia đình anh chị Tiến – La và anh chị Thọ - May đã được tham gia nhiều hoạt động; được cung cấp kiến thức về bình đẳng giới, bạo lực phụ nữ/trẻ em gái, luật pháp để nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền của họ, giúp họ tăng sự tự tin và giúp nam giới nhận thức và biết cách chế ngự các tác nhân gây bạo lực.

Năm 2003, anh Trần Văn Tiến kết hôn với chị Nguyễn Thị La. Là gia đình thuộc diện khó khăn, hai vợ chồng hay ốm đau, công việc chủ yếu làm nông nghiệp thu nhập thấp, thiếu chi phí trong sinh hoạt hàng ngày, từ đó hai vợ chồng thường xảy ra cãi vã và đã có những hành vi bạo lực từ anh chồng.

Cuộc sống gia đình anh Tiến chị La những tưởng cứ thế trôi đi trong khó khăn, cãi vã và bạo lực, cho đến khi cả hai vợ chồng tham gia vào CLB "Gia đình chung sức". Tích cực từ những ngày đầu, hai vợ chồng anh Tiến được cung cấp đầy đủ các kiến thức về Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình; kiến thức về phát triển kinh tế; kỹ năng ứng xử, kìm chế cảm xúc…

Chạm tới “cánh cửa” bình yên  - Ảnh 2.

Từ những buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, anh Tiến đã biết cách thể hiện được tình yêu thương của mình với vợ và kìm chế được những cảm xúc tiêu cực.

Bên cạnh đó, để tạo nguồn sinh kế cho gia đình; năm 2021, Dự án đã hỗ trợ anh chị 25 triệu mua 01 con bò sinh sản, đến nay đã có thêm 01 con bê.

Chạm tới “cánh cửa” bình yên  - Ảnh 3.

Gia đình được hỗ trợ để tạo nguồn sinh kế.

Thêm sinh kế có khả năng tạo nguồn thu nhập cho gia đình; đồng thời, sau một thời gian tham gia các buổi tham vấn, các cuộc sinh hoạt CLB, anh Tiến đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, cũng như hậu quả của bạo lực đối với các thành viên trong gia đình và xã hội.

Việc chăm sóc con cái trở thành niềm vui đối với anh, là cách để anh thể hiện sự quan tâm đến vợ, con của mình. Giờ đây, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn… đã trở thành việc làm hàng ngày để chia sẻ với vợ.

Vợ chồng hòa thuận cùng nhau phát triển kinh tế là mục tiêu của vợ chồng tôi trong thời gian tới.

Anh Trần Văn Tiến, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

Chạm tới “cánh cửa” bình yên  - Ảnh 6.

Năm 2022, gia đình anh chị sinh thêm cháu thứ 2, thiên thần nhỏ của vợ chồng anh là sự khởi đầu mới cho một gia đình hạnh phúc, bình an.

Vươn lên thoát nghèo

Cũng như gia đình anh Tiến chị La, gia đình anh Thọ chị May cũng là một hộ nghèo, thu nhập không ổn định. Trước đây, do khó khăn về kinh tế, mẫu thuẫn gia đình, bản thân anh Thọ hầu như không có sự chia sẻ công việc nhà đối với vợ, không để ý tới cảm xúc, suy nghĩ của vợ. Tuy nhiên, ngồi nói chuyện với tôi giờ đây là một anh Thọ nhỏ nhẹ, có vẻ bẽn lẽn và thường quay sang hỏi ý kiến vợ khi trả lời về một vấn đề "khó khăn".

Anh Thọ chia sẻ, sau khi được thành viên Tổ phản ứng nhanh của xã giới thiệu và vận động, vợ chồng anh tham gia Câu lạc bộ "Gia đình chung sức" ngay từ những ngày mới thành lập. Việc tham gia Câu lạc bộ  không chỉ được cung cấp các kiến thức về mặt xã hội, về cách ứng xử trong gia đình, về luật pháp mà còn được hỗ trợ mô hình sinh kế, anh thấy đây là một trong những quyết định đúng đắn của mình.

Không còn đi chơi, bỏ bê nhà cửa như trước kia. Giờ đây, sau công việc sản xuất, chăn nuôi, anh Thọ đã tích cực chia sẻ với vợ công việc nhà, như: nấu cơm, quét dọn nhà.

Với 10 con lợn trị giá 15 triệu đồng được hỗ trợ từ Dự án ban đầu, sau khi xuất chuồng, gia đình anh chuyển sang nuôi lợn nái sinh sản và hiện nay đang có 16 con lợn con. Đây là hoạt động sinh kế ổn định tạo tiền đề cho vợ chồng anh cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc hơn.

Với tôi, gia đình hạnh phúc là vợ chồng bao bọc lẫn nhau, chia sẻ công việc cùng nhau

Anh Triệu Đức Thọ

Chạm tới “cánh cửa” bình yên  - Ảnh 9.

“Khi làm việc nhà cùng vợ, tôi cảm thấy vui” anh Thọ nói. “Khi chồng giúp nấu cơm, quét nhà, tôi thấy thực sự vui và đỡ mệt mỏi”, chị May chia sẻ

Bình yên nghĩa là không có bạo hành, là tôn trọng, sẻ chia, là yêu thương, vun đắp… Bình yên dưới mái nhà tưởng như mãi sẽ chỉ là những giấc mơ vời xa đối với những người đàn bà tủi cực nhưng nay đã có những bàn tay từng rớm máu bởi bạo hành đã chạm tới được ước mơ. Trong hành trình ấy, có những người sẵn sàng đối diện rủi ro trợ giúp họ, đồng hành với họ để giúp họ nghĩ khác đi, thay tư duy, đổi nhận thức. 

Dự án "Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới" mà Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Yên Bái phối hợp thực hiện tại hai xã Bình Thuận và Minh An, huyện Văn Chấn (từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2022) mang tới sự đồng hành ý nghĩa này. 

Hà Thanh Khiết
20/10/2022 12:00