Chấn thương gãy hai xương cẳng chân của Hùng Dũng nguy hiểm như thế nào?

PK
25/03/2021 - 12:01
Chấn thương gãy hai xương cẳng chân của Hùng Dũng nguy hiểm như thế nào?
Theo thông tin mới nhất, chấn thương mà tiền vệ Đỗ Hùng Dũng gặp phải là gãy 1/3 xương cẳng chân phải sau cú vào bóng "thô bạo"của Ngô Hoàng Thịnh trong trận đấu tối 23/3.

Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng bị gãy xương chày và xương mác trong trận CLB TP.HCM 0-3 Hà Nội FC tối 23/3. Sau đó, anh được chuyển đến bệnh viện và làm phẫu thuật thành công vào sáng 24/3.

Bác sĩ Phạm Quốc Hùng - người mổ trực tiếp cho Hùng Dũng đánh giá trường hợp gãy hai xương cẳng chân 1/3 trước của Hùng Dũng là nặng nhưng chưa dẫn tới bị đứt dây chằng. Nếu bị đứt dây chằng thì việc hồi phục sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Chấn thương gãy hai xương cẳng chân của Hùng Dũng nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 2.

Hoàng Thịnh vào bóng khiến Hùng Dũng không kịp né tránh và chịu tổn thương nghiêm trọng.

1. Gãy xương cẳng chân là chấn thương như thế nào?

Xương cẳng chân có cấu tạo bao gồm xương chày và xương mác. Gãy xương cẳng chân là tình trạng chấn thương gây gãy dưới khớp gối 5cm và ở trên khớp cổ chân 5cm (có thể có hoặc không kèm với việc bị gãy xương mác).

2. Phân loại gãy xương cẳng chân

Các bác sĩ cho biết, có nhiều cách phân loại gãy xương cẳng chân, cụ thể như sau:

- Phân loại theo cơ chế gãy: trực tiếp, gián tiếp, gãy mệt, gãy do ung thư di căn, gãy do bướu u xương.

- Phân loại theo vị trí gãy: gãy 1/3 trên, gãy 1/3 giữa và gãy 1/3 dưới.

Chấn thương gãy hai xương cẳng chân của Hùng Dũng nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 3.

Minh họa chấn thương gãy xương cẳng chân (Ảnh: Boneand Spine)

Chấn thương gãy hai xương cẳng chân của Hùng Dũng nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 4.

Minh họa chấn thương gãy xương cẳng chân (Ảnh: Boneand Spine)

Như trường hợp của tiền vệ Đỗ Hùng Dũng là chấn thương gãy hai xương cẳng chân 1/3 trước.

- Phân loại theo đường gãy: chấn thương gãy ngang, chấn thương gãy chéo, gãy kiểu xoắn, gãy xương có mảnh thứ 3, gãy xương phức tạp 2 tầng và gãy theo nhiều tầng

- Phân loại theo tính chất di lệch: gãy chồng ngắn, gãy gập góc, di lệch xa.

3. Các biến chứng có thể gặp phải khi bị gãy hai xương cẳng chân

BS. Huỳnh Ngọc Phúc - Phó khoa Phẫu thuật chỉnh hình cho biết, gãy xương cẳng chân, cụ thể là gãy xương chày có thể dễ dàng gây ra các biến chứng hơn bất kì một loại xương dài nào khác của cơ thể. Có thể chia ra các biến chứng sớm và biến chứng muộn như sau:

3.1. Các biến chứng sớm

- Choáng chấn thương

- Chảy máu

- Mô mềm bị tổn thương cùng với gãy hở, tắc mạch do mô mỡ

- Chèn ép khoang

- Vết thương gây loét da do từ vết thương gãy kín trở thành vết thương gãy hở

- Mạch máu bị tổn thương

- Tổn thương thần kinh.

3.2. Các biến chứng muộn

- Bị chậm liền xương

- Khớp giả

- Can lệch

- Ngắn chi

- Bị viêm khớp sau chấn thương

- Teo cơ

- Bị cứng khớp

- Các rối loạn dinh dưỡng

- Ngón chân hình vuốt

- Bị chấn thương gãy lại.

3.3. Trường hợp chấn thương của tiền vệ Đỗ Hùng Dũng

Chấn thương gãy hai xương cẳng chân của Hùng Dũng nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 5.

Đỗ Hùng Dũng đã được phẫu thuật thành công và được chẩn đoán cần 6 tháng hồi phục (Ảnh: Hà Nội FC)

BS Trương Công Dũng, chuyên gia Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao đã có những chia sẻ một số thông tin chuyên môn liên quan đến kiểu chấn thương này như sau:

- Kiểu gãy: Kín, không có vết thương hở chảy máu, kiểu gãy ngang đơn giản

- Cách điều trị: Mổ hở kết hợp xương

- Phương pháp áp dụng:

Kết hợp xương chày = nẹp vít (plate) hoặc đinh nội tủy có chốt (Intramedullary locking nail)

Kết hợp xương mác = nẹp vít hoặc kim Kirschner

- Thời gian mổ: 90-120 phút

- Nằm viện: 3-5 ngày

- Thời gian phục hồi: Đi nạng 6-10 tuần

- Thời gian lành xương: 6-10 tháng (tuỳ phương pháp mổ)

- Thời gian đáp ứng hoạt động:

Chạy nhảy nhẹ: 4- 5 tháng

Thể thao không đối kháng: 6-8 tháng

Thể thao đối kháng: 8-10 tháng

- Di chứng biến chứng có thể gặp phải:

Xương không lành, khớp giả, chậm liền xương (ít, có thể xảy ra ở xương mác)

Nhiễm trùng, viêm xương: Ít gặp.

Cứng khớp, đau khớp, thoái hóa khớp gối & cổ chân: Ít gặp.

- Lấy vít:

Về lâu dài: Lấy nẹp vít ra sau 2-3 năm

Sau khi lấy vít: 6 tháng không hoạt động thể thao có va chạm

Nếu để nẹp lâu quá: Có thể dẫn đến loãng xương dưới nẹp, dễ gãy xương 2 đầu nẹp

Nếu là đinh nội tuỷ: Không gây loãng xương dưới nẹp, có thể để lâu hơn, có thể đau trước gối làm hạn chế chạy nhảy.

4. Các câu hỏi thường gặp

- Sơ cứu khi xảy ra chân thương như thế nào?

Khi xảy ra chấn thương, việc áp dụng các biện pháp sơ cứu kịp thời như giữ chân gãy cố định, giảm xóc lệch, rung lắc khi di chuyển sẽ giúp cho vết thương gãy kín không trở thành vết thương hở và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hơn.

- Sau phẫu thuật gãy xương cẳng chân bao lâu thì hồi phục?

GS.BS.TS Trần Trung Dũng -Trưởng Phân môn Chấn thương Chỉnh hình Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, quá trình liền xương sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: "Thời gian bao lâu, nhanh hay chậm thì còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể chứ không phải không có hy vọng và điều này hoàn toàn có thể khi tiến bộ y học ngày càng phát triển. Và điều vô cùng quan trọng, nếu tiến triển liền xương tốt và có phương án tập phục hồi chức năng phù hợp thì việc trở lại thi đấu đỉnh cao là hoàn toàn có thể".

Về quá trình hồi phục của Hùng Dũng thì theo dự kiến sáng nay (25/3) cầu thủ đã có thể tập nâng chân, ép gối, duỗi thẳng, tập co hết tầm độ khớp, sau 1 tuần thì đi nạng, Bác sĩ Phạm Quốc Hùng - người mổ trực tiếp cho Hùng Dũng chia sẻ với Sporty5. BS Hùng cũng nói thêm, nếu như phục hồi tốt thì thời gian quay lại của Hùng Dũng cũng có thể là 5 - 6 tháng. Vì Hùng Dũng bị gãy cả 2 cẳng chân nên thời gian chẩn đoán không ra sân được là trong vòng 1 năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm