Chàng trai loay hoay trước "ngã 3" yêu thương

Thanh Tâm
15/07/2025 - 08:53
Chàng trai loay hoay trước "ngã 3" yêu thương

Ảnh minh họa

Gia đình sẽ mềm lòng trước một trái tim biết yêu thương, biết tôn trọng. Nếu mỗi bên mở lòng đối thoại để thấu hiểu nhau, tình yêu có thể là "cầu nối" xóa nhòa ranh giới và viết nên một câu chuyện mới - nơi bản sắc được làm giàu thêm bằng sự tôn trọng và hòa hợp.

Lùng là chàng trai người dân tộc Mông, lớn lên ở một bản làng vùng cao phía Bắc. Là người đầu tiên trong bản đỗ đại học, Lùng mang theo kỳ vọng lớn của gia đình. Trong những năm tháng học tập ở thành phố, Lùng quen và yêu Lan - cô gái người Kinh, học cùng lớp và có cùng đam mê hoạt động xã hội. 

Tình yêu của họ lớn dần qua những buổi làm thiện nguyện, qua những lần Lan giúp Lùng chỉnh sửa phát âm, còn Lùng giúp Lan hiểu thêm về văn hóa người Mông.

3 năm sau, Lùng đưa Lan về bản ra mắt. Hai người đối mặt với sự phản đối dữ dội từ gia đình Lùng, đặc biệt là từ mẹ anh. Bà nói thẳng: "Con gái người Kinh lấy về thì ai sẽ dạy nó phong tục của mình? Nó không ăn được thắng cố, không biết thêu váy truyền thống, sau này sao mà sống cùng bà con được?". 

Bà con họ hàng mỗi người thêm một ý "con gái người Kinh sống không nổi ở bản", rằng "nó sẽ kéo Lùng đi khỏi quê", "mất con, mất gốc, mất luôn tiếng nói dân tộc". Lùng rơi vào mâu thuẫn giằng xé. 

Anh không trách người thân vì hiểu họ bị định kiến chi phối. Nhưng anh cũng không muốn đánh mất Lan, người đã luôn tôn trọng và yêu anh.

Lùng đứng giữa hai điều thiêng liêng: tình yêu và gia đình. Nếu ứng xử khéo léo, với sự kiên trì và tinh tế, Lùng có thể dần hóa giải định kiến để hai bên dần hiểu và chấp nhận nhau. Thanh Tâm đã gợi ý với Lùng những lựa chọn ứng xử hài hoà giữa đôi bên: Trước tiên, cậu đừng vội đối đầu, hãy bắt đầu bằng sự thấu hiểu. 

Khi bị phản đối, điều dễ xảy ra nhất là tranh cãi, tức giận, muốn bảo vệ người yêu. Điều này chỉ khiến "chiến tuyến" càng rõ rệt. Hãy thừa nhận những lý do cha mẹ, họ hàng phản đối như lo sợ con dâu không hòa nhập được, sợ con cháu bị mất gốc… Khi Lùng hiểu nỗi lo ấy, người thân của anh sẽ dễ mở lòng hơn thay vì phòng thủ.

Thứ hai, hãy kể cho gia đình về Lan bằng sự chân thành. Gia đình Lùng có thể đang nhìn Lan qua lăng kính định kiến, chưa thật sự hiểu cô ấy. 

Lùng hãy kể cho họ nghe cô ấy tính cách ra sao, đã từng đồng hành với Lùng những việc gì, có điều gì cho thấy cô ấy kính trọng người lớn, biết chia sẻ và tôn trọng bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Hãy để sự tử tế và chân thành của Lan hiện lên trong những câu chuyện gần gũi.

Thứ ba, hãy cho Lan cơ hội tiếp xúc với gia đình trong hoàn cảnh nhẹ nhàng. Thay vì ra mắt chính thức, gây căng thẳng, hãy chọn cách tiếp xúc gián tiếp hoặc thân mật hơn như mời Lan về dịp lễ nhỏ hoặc khi gia đình không có quá nhiều người ngoài. 

Gợi ý Lan chuẩn bị món ăn quê cô ấy mang đến biếu ông bà, bố mẹ Lùng; hướng dẫn Lan cách chào hỏi bằng tiếng Mông… để gia đình Lùng cảm nhận được sự chân thành và mong muốn hòa nhập của cô ấy. Quan trọng vẫn là sự kiên nhẫn với Lan. 

Lùng hãy luôn khẳng định với Lan rằng gia đình chưa đồng ý nhưng sẽ cùng cô ấy tìm cách vượt qua để cô ấy không cảm thấy bị giấu giếm hay bỏ rơi, sẵn sàng cùng nỗ lực chứ không mất niềm tin. 

Với gia đình mình, Lùng cũng cần thể hiện sự nghiêm túc trong mối quan hệ này, mong muốn được thấy hai bên từ từ hiểu nhau, không gấp, không ép. Và khi cần, hãy nhờ người kết nối. Nếu trong họ hàng có người từng sống ở miền xuôi, từng cưới vợ hoặc chồng là người khác dân tộc thì hãy nhờ họ tư vấn cho khách quan và có bài học thực tế. 

Ngoài ra, Lùng có thể mời thầy cô giáo, bạn bè về thăm nhà để gia đình thấy người khác cũng đánh giá cao về Lan.

Gia đình sẽ mềm lòng trước một trái tim biết yêu thương, biết tôn trọng. Nếu mỗi bên mở lòng đối thoại để thấu hiểu nhau, tình yêu có thể là "cầu nối" xóa nhòa ranh giới và viết nên một câu chuyện mới - nơi bản sắc được làm giàu thêm bằng sự tôn trọng và hòa hợp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm