pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sợ làm cha mẹ buồn, sợ bị xem là "gái bỏ làng"

Ảnh minh họa: Deposit
Cô ấy sinh ra và lớn lên ở một bản nhỏ trên núi. Cô đi học xa nhà từ năm lớp 10. Cô kể, cả bản hồi đó chỉ có mình cô là con gái được học cao đến vậy. Cha mẹ thương cô nhưng hồi đầu cũng ngăn cản con gái đi học xa nhà.
Họ sợ người ta cười vì "gái bản mà ham chữ nghĩa". Hồi đậu đại học, cô vừa mừng vừa lo. Cha của cô nói: "Đi thì đi nhưng học xong phải về. Không ai cưới con gái học cao mà ở luôn thành phố đâu".
Nhưng cô tin mình có thể thay đổi suy nghĩ của cha mẹ. Cô đi làm thêm, kiếm tiền để phụ giúp cha mẹ chi trả sinh hoạt phí. Cô cũng cố gắng học tốt, thầy cô quý mến, bạn bè hỗ trợ. Được giữ lại làm việc ở nơi thực tập sau khi tốt nghiệp, cô vui mừng nghĩ: "Cuối cùng mình cũng có thể sống cuộc đời mình muốn".
Nhưng khi cô gọi về nhà khoe, mẹ thì im lặng, cha nói một câu làm cô nghẹn lời: "Về đi con. Không chàng trai bản nào cưới con gái ở ngoài thành phố đâu. Cái bằng đó không làm rẫy được đâu".
Cô nghĩ có thể thuyết phục được cha mẹ nhưng về nhà rồi cô mới biết, mọi người trong nhà đã bàn tính chuyện cưới xin cho cô từ trước. Đó là một người con trai cùng bản mà cô chỉ gặp vài lần.
Cha mẹ cứ nhắc mãi điệp khúc: "Con phải giữ lời, giữ nếp nhà". Cô nói cô đã có kế hoạch khác cho mình. Nhưng mẹ khóc, cha giận, họ hàng đều nói cô "vô ơn, học nhiều mà quên cội nguồn". Cô bị giữ điện thoại, khóa xe, không cho ra khỏi bản.
Có hôm cô ngồi giữa rẫy, nhìn về phía con đường đất dẫn ra quốc lộ. Chỉ một chuyến xe, cô có thể quay lại nơi mình từng sống, từng mơ. Nhưng chân cô không nhấc nổi. Cô sợ làm cha mẹ buồn, sợ bị xem là "gái bỏ làng". Cô cứ quanh quẩn với câu hỏi: Mình có sai không khi mơ về một cuộc sống khác? Nếu không nghe lời cha mẹ, cô có thể bị cha mẹ từ mặt. Nhưng nếu nghe lời, cô sẽ đánh mất chính mình…
Thanh Tâm cảm ơn cô đã chia sẻ câu chuyện của mình. Trước hết, Thanh Tâm khẳng định với cô, cô không sai khi mơ ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn, được làm những điều mình thích, có quyền lựa chọn và tự quyết là điều hoàn toàn chính đáng.
Đó không phải là phản bội ai cả, mà là một phần tự nhiên trong sự trưởng thành của mỗi người. Cô đang ở một giai đoạn mà nhu cầu xác lập bản thân rất mạnh và việc có mâu thuẫn với cha mẹ là điều dễ hiểu.
Điều quan trọng là cô không ích kỷ, cô chỉ đang tìm cách sống đúng với mình. Những lời trách móc, giận dữ của cha mẹ có thể khiến cô đau nhưng hãy nhớ, đó cũng là biểu hiện của nỗi sợ và bất an của cha mẹ. Họ không ghét cô, họ sợ mất cô ở một thế giới mà họ không hiểu, sợ con gái mình sẽ khổ.
Vì vậy, Thanh Tâm khẳng định, cô không cần chọn "một trong hai" mà nên tìm cách dung hòa. Cô có quyền theo đuổi con đường của mình nhưng vẫn có thể tìm cách giữ liên kết với gia đình. Không nhất thiết phải cắt đứt quan hệ với gia đình, cũng không cần phải gò mình sống theo người khác.
"Chìa khóa" nằm ở giao tiếp kiên trì và thời gian. Cha mẹ cô đang mang nỗi sợ bị cộng đồng đánh giá. Cô là thế hệ chuyển tiếp, cô có thể từng bước làm thay đổi nếp nghĩ truyền thống bằng việc sống tử tế, thành công, giữ liên hệ với gia đình, về thăm bản làng, nói chuyện nhẹ nhàng với người thân… để khiến gia đình và cộng đồng hiểu việc con gái học cao, đi làm việc ở nơi xa là một hành trình phát triển bản thân, vì danh dự của bản làng.
Cô có thể nhờ một người có uy tín trong cộng đồng làm cầu nối, tuyên truyền, vận động để giúp cha mẹ cô hiểu thêm những quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Thanh Tâm biết, con đường cô chọn không dễ dàng nhưng chính vì khó nên nếu cô vượt qua được, cô sẽ là người mở lối không chỉ cho bản thân, mà cho cả những trẻ em gái khác trong bản. Thanh Tâm mong cô vững vàng, cô có thể là cái cây mạnh mẽ vươn cao, mà vẫn gắn liền với đất mẹ.