“Câu hỏi dẫn lối theo đuổi đam mê”
Google vừa tung chiến dịch quảng bá dịch vụ tìm kiếm bằng giọng nói tại Việt Nam với tên gọi “Câu hỏi dẫn lối theo đuổi đam mê”. Hiện nay, bộ nhận diện giọng nói của Google có thể hiểu được phần lớn những giọng nói ở các vùng miền khác nhau.
Dù bạn nói giọng Bắc- Trung hay Nam thì google vẫn hiểu và trả lời được
Từ vài năm trước, Google đã cho phép sử dụng nhiều cách để tra cứu, trong đó có 1 cách rất đơn giản là “hỏi” bằng giọng nói. Người dùng muốn tìm một thông tin nào đó, không cần phải vào trang Google nhập ký tự, mà đưa ra dữ kiện bằng chính giọng nói của mình, chỉ tích tắc sau, Google sẽ cho kết quả.
Nếu nhìn lại quá khứ, có thể thấy Google đã từng bước tiếp cận và chinh phục người dùng khắp thế giới một cách hiệu quả bằng nỗ lực “riêng biệt hóa” theo từng loại ngôn ngữ khác nhau. Trước đây, khi nhập ký tự để tra cứu, người Việt chỉ có thể sử dụng các từ khóa không dấu. Sau đó, Google cho phép sử dụng từ khóa tiếng Việt có dấu - được coi là một bước tiến lớn của họ tại thị trường Việt Nam. Phương pháp tra cứu này được coi là “kinh điển”, tồn tại vững chắc ở vị thế hàng đầu trong nhiều năm qua.
Chỉ đến khi việc sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng trở nên phổ biến thì nhu cầu “hỏi” Google bằng giọng nói mới được đặt ra. Từ vài năm trước, Google đã lần lượt cung cấp dịch vụ tra cứu bằng giọng nói đối với những loại ngôn ngữ phổ biến, đầu tiên là tiếng Anh, sau đó đến tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật Bản… Và gần đây là tiếng Việt.
Trên máy tính, người dùng có thể kích hoạt tìm kiếm qua giọng nói bằng cách nhấn vào biểu tượng microphone trên thanh công cụ tìm kiếm Google.com. Sau khi kích hoạt, chỉ cần nói vào microphone trên máy tính “OK, Google” (đọc theo phiên âm là “ô kê gu gồ”), thì “cỗ máy tìm kiếm sẽ chuyển sang chế độ nhận diện câu lệnh tìm kiếm bằng giọng nói từ người dùng.
Tương tự, trên điện thoại thông minh, ứng dụng tìm kiếm Google và Voice Search đã có sẵn tại hầu hết các điện thoại dùng hệ điều hành Android. Bạn nhấn vào biểu tượng microphone của Google Search, nói vào điện thoại “OK, Google” rồi sau đó có thể đọc tiếp câu hỏi với nội dung trọn vẹn, thay vì chỉ một từ hay cụm từ.
Nhận diện tốt giọng nói
Theo bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc tiếp thị thị trường Việt Nam, các kỹ sư của hãng công nghệ này đã nghiên cứu xây dựng dữ liệu ngôn ngữ tiếng Việt trong 4 năm qua, nên Google Voice Search có thể nhận diện rất tốt giọng nói tiếng Việt, bao gồm các câu hỏi ngữ nghĩa dài hơi hay những giọng đặc trưng vùng miền. Các thử nghiệm đều cho thấy khả năng nhận diện với mức độ chính xác cao. Người dùng có thể hỏi những câu dài, chứa nội dung “không dễ hiểu” chút nào với người nước ngoài - vì đó là những nội dung, cụm từ chưa được quốc tế hóa. Ví dụ với dữ kiện “Bún mắm ngon ở Sài Gòn”, hay “Tìm mua nước mắm nhĩ”. Google đều có thể trả về kết quả tìm kiếm là các website có thông tin giải đáp nội dung câu hỏi một cách chính xác. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể hỏi một số câu dạng chuyển đổi dữ liệu như "6 inch bằng bao nhiêu cm?". Khi đó, Google giải đáp ngay con số trực tiếp bên cạnh các liên kết website.
Không chỉ nghe- hiểu- trả lời, google còn phân biệt được giọng nói với tiếng ồn
Một điểm ưu việt mới của dịch vụ tìm kiếm bằng giọng nói của Google hiện nay, đó là hệ thống đã phân biệt được tiếng ồn và giọng nói, giúp việc tìm kiếm ở các môi trường ồn ào dễ dàng và chính xác hơn trước.
Hiện lượng người sử dụng smartphone truy cập Google tại Việt Nam đã tăng lên 55%, so với năm ngoái chỉ chiếm 36%. Với đặc thù này, người dùng sẽ gia tăng tìm kiếm bằng giọng nói hơn là gõ các cụm từ tìm kiếm như trước.
Tuy vậy, khi chuyển tìm kiếm bằng cách gõ từ sang tìm kiếm bằng giọng nói, thói quen của người tìm kiếm sẽ thay đổi. Khi tìm kiếm bằng ký tự, người dùng sẽ gõ các cụm từ đơn giản, nhưng khi chuyển sang giọng nói, người dùng sẽ nói các câu hoàn chỉnh và có nghĩa hơn. Chẳng hạn, khi tìm kiếm bằng giọng nói, người dùng có xu hướng nói “Cách nào để đi guốc cao chuẩn hơn”, thay vì chỉ gõ “đi guốc chuẩn”.
Bà Phương Anh cho biết thêm, trong 15 năm qua, lượng người dùng internet tại Việt Nam tăng 120 lần. Khi lượng người dùng tăng lên, nhu cầu tìm kiếm cũng khác đi, “hiện nay chủ yếu là các tìm kiếm học thuật hoặc những tìm kiếm nhằm mở rộng hiểu biết, thay vì chỉ đơn thuần là các tìm kiếm tức thời nhằm giải quyết một câu hỏi vừa nghĩ ra trong đầu như trước”.
Theo thống kê từ Google, mỗi ngày có đến 15% những tìm kiếm là mới hoàn toàn, chưa từng có ai tìm trước đó. Vì thế, khả năng xử lý dữ kiện từ giọng nói của Google cũng cần phải tinh tế, “địa phương hóa” sâu sắc hơn, thì mới có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng.
Để dùng tính năng hỏi Google qua giọng nói, bạn cần kết nối internet cho smartphone. Để Google nhận diện được tiếng Việt, vào phần Settings (Thiết lập) > Language and Input (Ngôn ngữ và Bộ gõ) > nhấn vào Google voice typing > Languages > chọn Tiếng Việt (Việt Nam). Hiện Google chưa đưa ra gói ngôn ngữ tiếng Việt cho phép tải về dùng không cần kết nối internet (Offline speech recognition). Để dùng tính năng hỏi Google qua giọng nói khi đeo tai nghe Bluetooth (headset), chọn Bluetooth headset trong phần Settings > Language and Input. |