Cô bé kể với Thanh Tâm từ khi nhớ được nhiều chuyện, tức là khoảng từ 5,6,7 tuổi thì cô chỉ luôn có mẹ ở bên cạnh. Người lớn nói với cô rằng bố cô đã ốm rồi chết khi cô mới được hơn một tuổi. Cô nhớ hồi ấy, mỗi khi ai đó nói với cô rằng rồi mẹ cô sẽ đi lấy chồng, rồi cô sẽ có bố dượng là cô ghét người ấy vô cùng. Vài lần cô về hỏi thẳng mẹ có phải mẹ sẽ đi lấy chồng không thì mẹ cô ôm cô vào lòng thật chặt và nói: “Con gái tội nghiệp của mẹ, mẹ sẽ không bỏ con để đi lấy chồng đâu”.
Cô bé chỉ còn có mẹ nên cô muốn giữ mẹ cho riêng mình
Cô bé kể vào kỳ nghỉ hè năm thứ hai đại học, vì muốn dành cho mẹ sự vui mừng bất ngờ lớn nên cô không điện báo trước cho mẹ ngày cô sẽ về nhà. Nào ngờ, mẹ đang phải nằm viện hơn một tuần rồi. Vậy mà gọi điện cho cô, mẹ vẫn nói mọi chuyện bình thường, mẹ vẫn khỏe. Thì ra không muốn để con phải lo lắng làm ảnh hưởng đến việc học tập nên mẹ đã giấu cô. Khi nói lại chuyện này với Thanh Tâm, giọng cô bé vẫn còn nghẹn ngào dù rằng chuyện đó đã xảy ra bảy, tám năm rồi. Cô nói chưa bao giờ cô thấy thương mẹ như lúc ấy. Cô bật khóc nức nở không sao kìm nén được vì bất chợt nhớ lại việc mình đã ngăn cản mẹ đi bước nữa ngày còn bé và thấy hối hận vô cùng.
Sau ngày đó, nhiều lần cô nửa đùa nửa thật nói với mẹ: “Con phải gả chồng cho mẹ thôi. Chứ để mẹ sống một mình như thế này con không yên tâm”. Cô bé nói với Thanh Tâm, lúc ấy mẹ cô mới 43 tuổi và còn rất đẹp cả về dáng lẫn khuôn mặt. Dù mẹ gạt đi, còn đùa cô rằng “mẹ ở tuổi này có ma nó lấy”, nhưng cô đã chủ động nhờ bạn bè thân của mẹ mai mối giúp. Đúng là tìm được người phù hợp với hoàn cảnh cũng như tính nết, lối sống và cảm thông yêu thương mẹ thật nhiều chẳng dễ dàng gì. Mãi đến khi cô tốt nghiệp ra trường, kiếm được việc làm ở thủ đô và cũng đã có người yêu thì cô mới “duyệt” được một người ưng ý cho mẹ. Bác ấy là bạn của cả bố mẹ cô, cũng đã góa vợ được bốn, năm năm rồi, có hai con trai, một đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, một học đại học đã ra trường và xin được việc làm ở tỉnh. May mắn là cả hai con của bác ấy đều không gây khó dễ cho việc bố đi bước nữa. Nhưng mẹ cô lại nhất định nói rằng phải xây dựng gia đình cho cô xong thì mẹ mới tính gì thì tính. Và bạn của bố mẹ cô cũng nhất trí chờ đợi mẹ…
Giờ thì cô con gái ấy đã lập gia đình và làm việc ở Hà Nội. Bác bạn của bố cô giờ đã là chồng của mẹ. Hai người đến với nhau hết sức thuận lợi vì được con cái và cả hai bên gia đình họ hàng đồng thuận ủng hộ. Cô bé nói với Thanh Tâm kể từ khi mẹ tái giá, lòng cô như trút được gánh nặng khi nghĩ đến cảnh mẹ ngày ngày không còn phải vò võ đi về một thân một mình trong căn nhà rộng. Nhưng để nói rằng có thể coi bố dượng thực sự như bố đẻ mình thì cô vẫn chưa thể làm được. Mỗi khi thấy họ có điều gì không hài lòng với nhau, mỗi khi thấy mẹ có vẻ buồn là lập tức cô bị ức chế, chỉ muốn “nhẩy ra” bênh vực mẹ và tỏ thái độ với bố dượng. Thấy mẹ chăm sóc bố dượng, những cử chỉ hàng ngày cô vẫn làm với chồng mình, nhưng sao với bố dượng thì cô lại khó chịu? Cô luôn ấm ức: Sao mẹ lại phải làm như vậy? Nhất là khi thấy mẹ bươn bả lo sắm sửa lễ lạt giỗ chạp cho nhà chồng mới là cô lại chạnh lòng, tỏ ra khó chịu. Cảm nhận được thái độ của con gái, vài lần mẹ cô gợi ý hay là để mẹ và bố dượng sang ở nhà bố dượng, còn cái nhà này cứ đóng cửa để đấy, khi nào vợ chồng cô về thì mẹ đến. Lập tức cô thấy tủi thân vô cùng, khóc nức nở: “Giờ mẹ có gia đình mới rồi, mẹ không muốn gần gũi con cháu của mẹ nữa hay sao”? Và mẹ cô cũng khóc. Đến lúc trở ra Hà Nội, cô đã rất hối hận với những gì mình đối xử với mẹ, để lần sau lại có một điều gì đó tương tự tái diễn…
Thay vì nghĩ người ta là cha dượng hãy nghĩ họ là người bạn, là chỗ nương tựa của mẹ mình từ nay cho đến lúc già
Cô gái hỏi Thanh Tâm, sao chấp nhận chồng của mẹ như người thân trong nhà mình lại khó khăn đến như vậy? Làm sao có thể coi người đó giống như bố của mình? Thanh Tâm an ủi cô gái: Chưa cần miễn cưỡng coi người ấy như bố của mình, mà chỉ cần nghĩ rằng người ấy đã khiến mẹ được vui vẻ, không còn bị cô đơn; Người ấy là chỗ nương tựa của mẹ mỗi khi mẹ trái nắng trở trời mà không có con cái ở bên cạnh thì sẽ thấy tầm quan trọng của người ấy với cuộc đời mẹ, sẽ thấy cần biết ơn người ấy. Tình cảm con người không thể gò ép, và nó có thể thay đổi qua thời gian, hãy kiên nhẫn chờ đợi…