pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chắt bóp từng đồng một với mức lương 7 triệu/tháng tại Hà Nội
Ảnh minh họa
Lương 7 triệu đồng/tháng vẫn gửi được tiền biếu bố mẹ
Trịnh Hằng (24 tuổi, Hà Nội) đang làm công việc nhân viên văn phòng trong một công ty xuất nhập khẩu, nhận lương 6,5 - 7 triệu đồng/tháng.
Cô nàng đang ở ghép cùng một người bạn tại căn chung cư mini ở quận Hai Bà Trưng, rộng khoảng 40m2, với tổng chi phí thuê nhà là 2,5 triệu đồng/tháng/người. Trịnh Hằng và hai người bạn đã ở cùng nhau từ thời sinh viên nên đã có sự hiểu nhau nhất định, do đó việc ở ghép sẽ dễ dàng hơn.
Mỗi tháng, Trịnh Hằng dành thêm 3 triệu đồng cho tiền ăn và các khoản chi tiêu khác. Khoảng 2 triệu đồng còn lại cô dùng để tích luỹ, phòng rủi ro khi ốm đau và hỏng xe hoặc mua thêm quần áo phục vụ công việc.
“Ba mẹ mình ở quê, vẫn còn đi làm được nên mình không gặp áp lực phải gửi tiền về hàng tháng. Mình chỉ gửi thêm tiền cho phụ huynh vào dịp lễ Tết hoặc trường hợp thật sự cần thiết, như gia đình có đám hiếu hỷ…”, Trịnh Hằng nói thêm. Khoảng tầm 1 quý, cô nàng có thể gửi cho bố mẹ 2-4 triệu đồng tuỳ tình hình tài chính và mức chi tiêu cá nhân.
Với Trịnh Hằng, lương tháng 7 triệu đồng chỉ có thể “sống đủ" chứ không thể “sống tốt". Bởi lẽ ở thời điểm hiện tại, khi có mức thu nhập không cao, cô nàng chỉ có thể quản lý tài chính tốt bằng cách tiết kiệm chi tiêu chứ không thể dành tiền đi học hay đầu tư để tiền đẻ ra tiền.
“Mình tự nhận thức mức lương này chỉ phù hợp với một người trẻ chưa có gia đình và con cái, không bệnh tật, hạn chế giao du với bạn bè và không dự nhiều đám cưới. Chỉ trong 2-3 năm sau, nếu lạm phát tăng cao thì mức lương này rất khó sống ở thành phố lớn.
Mình vẫn đang tìm kiếm cơ hội để nhân đôi thu nhập bằng Affiliate Marketing, hoặc thăng tiến trong công việc chính thức. Hiện tại, chỉ với nguồn thu nhập 7 triệu/tháng thì mình thấy hơi khó sống".
Lương 7 triệu đồng/tháng “sống đủ” ở Hà Nội thế nào?
“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" là nguyên tắc chi tiêu của cô nàng với mức thu nhập khiêm tốn hiện tại. Dù có tiền lương không cao song trong thời buổi bão sa thải như hiện nay, Trịnh Hằng vẫn thấy may mắn khi cô chưa cần vay nợ, không bị mất việc và không cần xin tiền hàng tháng từ bố mẹ.
Với mức lương hiện tại, Trịnh Hằng đã cắt giảm nhiều thói quen mua sắm mà người trẻ thường theo đuổi như gội đầu dưỡng sinh, ăn ngoài hàng… hoặc chỉ thay điện thoại mới 3 năm/lần. Bên cạnh đó, cô nàng vẫn luôn tự nhắc nhở phải duy trì chính sách tiết kiệm tiền chặt chẽ như sau:
- So sánh kỹ giá cả khi mua hàng hoá:
Trước khi mua các sản phẩm từ 300 ngàn đồng trở lại như quần áo hay điện thoại… cô nàng thường so sánh mức giá trên các sàn thương mại điện tử hay tại cửa hàng trực tiếp.
“Một cái bẫy tiêu dùng mà các cửa hàng hay lừa chúng ta là nâng mức giá cao hơn, khiến mình lầm tưởng đang mua hàng chất lượng cao. Mình từng nhiều lần phân vân giữa mua cái áo khoảng 500 ngàn đồng với một cái áo 300 ngàn đồng nhưng kiểu dáng tương tự.
Sau đó, mình chọn mua cái rẻ hơn vì mình nghèo. Kết quả là mình thấy cái áo 300 ngàn đồng chất lượng không kém so với áo 500 ngàn đồng, trong khi bản thân còn tiết kiệm được nhiều tiền hơn".
- Chi tiêu có kế hoạch
Với Trịnh Hằng, để người trẻ sống tốt với mức thu nhập ít ỏi thì họ cần phải tuân theo kế hoạch tài chính đã đề ra. Bởi chỉ cần một lần vung tay quá chán cũng có thể tiêu sạch hết nửa tháng tiền lương. Cô nàng chi tiêu có kế hoạch bằng cách nấu ăn tại nhà để tiết kiệm chi phí, lựa chọn quần áo tối giản và mua đồ bình dân.
- Quy tắc 24 giờ
Khi lướt các sàn thương mại điện tử, đặc biệt vào ban đêm, chúng ta thường dễ mua những món đồ không thật sự cần thiết. Trịnh Hằng đã giảm bớt sự chi tiêu hoang phí này bằng quy tắc 24 giờ. Cụ thể, nếu vẫn còn do dự khi mua món đồ nào đó, cô nàng sẽ để chúng qua một ngày sau, nếu thấy đồ vẫn còn đáng tiền thì mới mua về.
Cuối cùng, Trịnh Hằng cho rằng dù có mức lương cao hơn, bản thân vẫn cần cắt giảm các chi phí sinh hoạt không cần thiết. “Mình biết nhiều người cho rằng tiêu tiền là động lực của việc kiếm tiền. Tuy nhiên, nếu chỉ biết tiêu tiền theo bản năng, không cần suy nghĩ thì đến một ngày tài chính của bạn cũng dần cạn kiệt.
Hơn nữa, không phải ai cũng đoán trước được tình hình tài chính cá nhân trong 2-3 năm tới. Vậy nên với mình, tiết kiệm còn để phòng những trường hợp bất trắc, tạo thói quen tốt cho tương lai”.