pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chi đến đồng tiền cuối cùng nuôi con thành tài nhưng vẫn "gặt" kết quả không vui
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, bố mất sớm nhưng được ông nội là thợ may nổi tiếng chu cấp nên tuổi thơ của bà Hòa dù thiếu thốn về tình cảm nhưng vật chất thì khá đầy đủ. Tốt nghiệp cấp 3, bà thi đỗ đại học, ra trường kiếm việc dễ dàng. Lập nghiệp rồi gây dựng gia đình, sinh con đủ cả nếp tẻ, kinh tế có đồng ra đồng vào nên có thể nói cuộc sống của bà khá thong dong.
Trong gia đình, bà là chị cả của 3 người em. Vì thoát ly sớm nên bà không phải chứng kiến cảnh vật lộn với cuộc sống của mẹ và các em bà sau sự cố ông nội bị tai biến mạch máu não do làm việc quá sức. Từ đó, một mình mẹ bà phải gồng mình nuôi 3 con còn lại ăn học và chăm sóc bố chồng mắc bệnh khiến cuộc sống khốn khổ, lao đao.
Cùng sinh ra trong một gia đình nhưng cuộc sống của bà và người em út của bà hoàn toàn trái ngược. Khác hẳn với bà, do sinh sau đẻ muộn nên người em út của bà phải hứng trọn thời điểm khó khăn nhất của gia đình. Vì thế, người em rất hiểu và thương người mẹ tần tảo, đầy đức hy sinh, tiết kiệm từng đồng nuôi cả 3 người con ăn học, trưởng thành trong gian khó.
Nhìn bóng mẹ mỗi ngày một đổ rạp xuống vì lưng còng, tóc mỗi ngày lại thêm nhiều sợi bạc, người em không khỏi xa xót. Dù cuộc sống gặp không ít khó khăn, con nhỏ nhưng người em vẫn luôn bố trí thời gian cùng chồng, con về thăm, chăm sóc, phụng dưỡng mẹ. Không chỉ chăm lo việc nhà mình mà việc bên chồng, chăm sóc bố mẹ chồng, người em cũng luôn lo toan chu đáo.
Còn bà, có lẽ vì cuộc sống khá thuận lợi nên bà cũng không để ý gì nhiều. Bà toàn tâm toàn ý lo cho chồng con mà quên mất phần trách nhiệm với hai bên gia đình, với chính mẹ đẻ và với bố mẹ chồng. Khác hẳn với người em đi công tác hoặc đi đâu cũng để ý mua quà biếu mẹ và bố mẹ chồng. Còn bà chỉ chăm chắm mua thật nhiều quà cho chồng, con.
Mỗi khi có dịp về thăm mẹ, dù biết mẹ thiếu thốn nhưng mắc bệnh "con gái cái bòn", có gì bà cũng mang đi trong khi người em chỉ lẳng lặng mang về. Kinh tế dù dư dả hơn người em nhưng cũng rất hiếm khi bà cho con về thăm nội ngoại trong khi việc này với người em là thường xuyên. Khi mẹ cần đóng góp việc gì bà cũng nhăn nhó, kêu không có tiền trong khi người em luôn sẵn lòng thu xếp.
Giờ đây, khi bước vào tuổi xưa nay hiếm, bà mới cảm nhận được hậu quả của những việc mình làm. Hai con cùa bà đều rất phương trưởng, thành đạt, có học hàm học vị thạc sĩ, tiến sĩ, có gia đình ổn thỏa, có cuộc sống khá giả. Nhưng bà vẫn không cảm thấy vui. Bởi lẽ dù bà cũng đã hy sinh trọn đời cho chồng cho con, sẵn sàng chi đến đồng tiền cuối cùng nuôi con ăn học nhưng các con của bà dường như không bận tâm lắm đến bố mẹ. Những ngày lễ tết, bà càng thấy buồn se sắt vì dù thu nhập "khủng" nhưng các con bà cũng chẳng biếu bà một xu. Hai bên nội ngoại càng không bao giờ để ý trong khi các con bà có thể chi vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho những chuyến đi du lịch nước ngoài.
Còn người em út của bà, dù các con không giỏi giang bằng con bà nhưng có gì ngon nhất cũng mang biếu bố mẹ, có chuyện gì cũng về cũng rủ rỉ với bố mẹ. Riêng 3 ngày Tết thì luôn xác định, Tết là để trở về, là sự sum họp, sẻ chia bên mâm cơm đông đủ, đầm ấm của đại gia đình. Nhìn cảnh gia đình em quây quần vui vẻ, bà không khỏi chạnh lòng...