Chị em chinh phục nghề may Kimono đòi hỏi khắt khe
16/07/2018 - 14:37
Những bộ Kimono được làm nên từ đôi tay của người thợ Việt Nam, trong đó đa phần là phụ nữ, luôn được đánh giá rất cao. Chính sự kiên trì, cẩn thận của người phụ nữ Việt đã góp phần đô đậm thêm dấu ấn của bộ trang phục truyền thống của Nhật Bản.
Nghề may Kimono bắt đầu tại Việt Nam từ khá lâu và đến nay vẫn là sự lựa chọn của nhiều thợ may ở nước ta. Với mức thu nhập từ 7 đến 15 triệu đồng/tháng, nghề may Kimono vẫn có sức hút nhất định. Thế nhưng để gắn bó và trở thành một người thợ may Kimono giỏi thật sự không phải là điều dễ dàng.
Chị Nguyễn Thị Ngợi (37 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) có gần 18 năm gắn bó với nghề may Kimono cho biết, vào năm 2000, khi đó chị đang làm nghề may thời trang thì đúng lúc công ty tuyển thợ may Kimono. Thấy công việc khá thú vị, lại yêu thích văn hóa Nhật Bản nên chị quyết định theo học nghề may Kimono và gắn bó đến tận bây giờ.
Theo chị Ngợi, muốn đến với nghề may Kimono thì cần phải có tính tỉ mỉ, cẩn thận và con mắt thẩm mỹ. “Áo Kimono truyền thống được may thủ công, 100% bằng tay. Để may được thì phải học rất nhiều, chỉ việc học cách cầm kim thôi cũng phải mất 1 tuần. Và mất khoảng 2 năm để học được cách may một loại áo Kimono hoàn chỉnh”, chị Ngợi cho hay.
Chị Ngợi tiết lộ, áo Kimono có rất nhiều loại nên sẽ luôn tạo sự hứng thú, mới mẻ cho người thợ. Tuy nhiên, sự tỉ mỉ của nghề cũng chính là thách thức không nhỏ đối với những người đến với nghề may Kimono. Nếu không có quyết tâm, đam mê thì người học may Kimono sẽ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng.
Chị Phạm Thị Bích Kiều (40 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) cho biết, sự khéo léo, tỉ mỉ của người phụ nữ Việt Nam rất phù hợp với nghề may Kimono. Tùy vào độ khó và tay nghề của người thợ mà thời gian hoàn thành bộ Kimono nhanh hay chậm.
Hiện tại, chị Kiều đang là chủ một tổ hợp may Kimono với gần 10 công nhân. Theo chị Kiều, cơ sở của chị nhận may Kimono cho một công ty chuyên may Kimono Nhật Bản có trụ sở tại Việt Nam. Toàn bộ sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ được gửi cho công ty kiểm tra, nếu đạt chuẩn thì bộ Kimono sẽ được chuyển qua Nhật Bản cho khách hàng đã đặt trước, nên hoàn toàn yên tâm trong khâu tiêu thụ.
“Mỗi sản phẩm do mình làm ra đều được khách hàng phản hồi, nhận xét. Khi nhận được lời khen của khách hàng thì ai cũng rất hãnh diện, hào hừng, càng có động lực để làm việc”, chị Kiều chia sẻ.
Nhiều người thợ may Kimono kể, việc may áo Kimono phải hết sức tỉ mỉ, khéo léo, sạch đẹp, không được để lại một vết dơ nào trên áo.
Thợ may Kimono không được đeo nhiều trang sức, vì đeo trang sức dễ làm xước vải khi may và khi rửa tay nước đọng trong trang sức nếu lau không kỹ sẽ dính lên áo khiến áo có vết lỗi dơ. Ngoài ra, thợ may Kimono còn không được trang điểm, làm móng tay, tóc phải buộc gọn để không có bất kỳ vết bẩn nào dính lên áo trong quá trình may.
Ông Shigehisa Yoshida, Chủ tịch HĐQT công ty Nihonwasou Holdings,Inc - một trong những công ty may Kimono hàng đầu ở Nhật Bản và có chi nhánh tại Việt Nam, đánh giá, tay nghề của những người thợ may Kimono Việt Nam đã vượt qua cả tay nghề của nhiều thợ may Kimono tại Nhật Bản do người Việt Nam khéo léo, nhanh nhẹn hơn.
Theo ông Yoshida, những năm trước, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về sự mai một của nghề may Kimono ngay tại Nhật Bản. Thực tế, cũng có sự sụt giảm nhưng do Kimono là trang phục truyền thống của Nhật Bản nên sẽ không bao giờ mất đi. Hiện tại, công ty vẫn nhận được rất nhiều đơn hàng may Kimono. Những người thợ Việt Nam may đến 70% đơn hàng của công ty và trong tương lai, hy vọng 30% đơn hàng còn lại cũng sẽ được những người thợ Kimono tại Việt Nam thực hiện.
“Tôi có lời khen đối với kỹ thuật của người thợ may Kimono Việt Nam. Thật ra, kỹ thuật may Kimono là của người Nhật Bản nhưng chúng tôi hy vọng sẽ đem kỹ thuật này về Việt Nam, đào tạo để trở thành kỹ thuật may của người Việt Nam”, ông Yoshida nói.
Áo Kimono thường được may từ vải tơ tầm hoặc vải Tumughi. Tumughi là loại vải được làm bằng vỏ cây đem đi ngâm và dệt sợi, vải này rất đắt tiền và khi sờ vào có cảm giác “thô cứng”. Vải may áo Kimono không được giặt bằng nước mà chỉ hấp khô, chỉ cần dính nước hay vết dơ nhỏ cũng phải mang đi tiệm chuyên giặt khô loại vải này để xử lý vết dơ và lỗi. Vì thế trong lúc may, tay của những thợ may phải được giữ sạch sẽ. Trước khi đụng vào áo, thợ may phải rửa tay, lau tay sạch bằng khăn khô, sử dụng nước rửa tay khô để khử trùng.
Áo Kimono phải may trong điều kiện có lắp điều hòa nhiệt độ khoảng 25 độ C vì nhiệt độ của Việt Nam nóng hơn Nhật Bản, nếu vải để ở nhiệt độ thường sẽ bị co dãn làm sai số đo của áo khi ra thành phẩm.Áo Kimono có giá khoảng 20 - 100 triệu đồng/bộ, những áo đặc biệt có thể lên đến 500 triệu hoặc 1 tỉ đồng/bộ.