Chỉ với 1 tác phẩm, nữ văn sĩ làm nên lịch sử

14/03/2017 - 12:11
Cả cuộc đời chỉ sáng tác 1 tác phẩm nhưng Margaret Mitchell đã để lại cho đời cuốn tiểu thuyết vĩ đại. 'Cuốn theo chiều gió'. Tác phẩm này từng trở thành hiện tượng của ngành xuất bản nước Mỹ trong những năm 1930 và giành giải thưởng Pulitzer năm 1937.

Margaret Mitchell sinh ngày 8/11/1900 tại Atlanta, Mỹ, trong một gia đình tri thức nền nếp và có truyền thống học tập. Bố bà là Chủ tịch Hội sử học Atlanta.

Tốt nghiệp trung học, ban đầu Margaret Mitchell từng theo học ngành y khoa. Nhưng sau cái chết của người mẹ, Margaret quyết định trở về nhà chăm sóc bố và em trai.

Năm 1922, bà kết hôn với Berrien Kinnard Upshaw và làm phóng viên tại tuần báo ở quê hương Atlanta với bút danh Peggy Mitchell. Cuộc hôn nhân tan vỡ không lâu sau đó nhưng bù lại, Mitchell nhanh chóng thành công trong vai trò của một nhà báo. Vào thời kỳ đó, nhà báo Peggy Mitchell trở thành người phụ nữ đầu tiên phụ trách một chuyên mục cho tờ báo nổi tiếng nhất tại miền Nam Hoa Kỳ.

6.jpg
 Chân dung nhà báo, nhà văn Margaret Mitchell.

Năm 1925, Mitchell tái hôn với John Robert Marsh - một người hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Năm 1926, một biến cố sức khỏe đã trở thành bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của bà. Tai nạn bất ngờ gây nên chấn thương ở mắt cá chân buộc bà phải từ bỏ nghề báo để ở nhà dưỡng thương. Bà sống lặng lẽ và thu mình trong gian phòng nhỏ của mình trong căn hộ của hai vợ chồng ở đại lộ Crescent và vùi đầu vào hàng chồng sách lịch sử mượn từ thư viện.

Một hôm, chồng bà nói: ‘Peggy, nếu em muốn một cuốn sách khác, tại sao em lại không tự viết một cuốn cho riêng mình?’. Câu nói này chính là một gợi mở thú vị và vô cùng quan trọng dành cho bà. Ngày hôm sau, Marsh sắm sửa cho Margaret một cái máy chữ hiệu Remington. Khi Margaret hỏi chồng nên viết về cái gì, Marsh đã trả lời rằng: ‘Viết những gì mà em biết’.

Vật là trên chiếc máy chữ Remington cũ kỹ, nhớ lại những câu chuyện được người thân và những người từng tham gia cuộc nội chiến những năm 1860 kể lại, Margaret Mitchell đã bí mật bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết lớn nhất của đời mình.

Bà viết tác phẩm này theo một cách thức kỳ lạ và tùy hứng: viết phần kết trước, sau đó nhảy cóc từ chương này sang chương kia. Công việc viết lách hoàn toàn diễn ra trong bí mật. Rất ít người biết chuyện Margaret đang viết sách và chồng bà là người duy nhất được đọc những trang bản thảo vừa mới hoàn thành của bà. Margaret Mitchell thậm chí còn đem giấu những trang bản thảo của mình ở dưới những chiếc khăn tắm, dưới đi-văng, trong những bộ quần áo của bà hay dưới giường...

Năm 1929, khi chân bà đã khỏi thì phần lớn tác phẩm đã hoàn thành, tập bản thảo dang dở còn lại bị xếp xó suốt một thời gian dài. Có lẽ, ‘Cuốn theo chiều gió’ sẽ mãi trôi vào quên lãng nếu không có Lois Cole, một người bạn thân của Margaret làm việc tại nhà xuất bản danh tiếng Macmillan ở New York. Một lần, Cole đọc được những trang bản thảo vất vưởng của Mitchell liền tiết lộ với Harold Latham - giám đốc nhà xuất bản về cuốn sách và khẳng định đó có thể là một báu vật của nền văn học Mỹ.

5.jpg
 Tuy không chủ đích viết tiểu thuyết nhưng 'Cuốn theo chiều gió' là tác phẩm duy nhất và cũng là tác phẩm để đời của Margaret Mitchell, từng gây nên cơn sốt cho độc giả Mỹ và trên cả thế giới.

Năm 1935, trong chuyến công tác đến Atlanta để ký hợp đồng xuất bản với các tác giả mới, Latham đã nhớ đến Margaret Mitchell và tìm gặp bà. Nhưng Mitchell một mực khẳng định, bà không viết cuốn tiểu thuyết nào hết. Ngày cuối cùng ở Atlanta, khi gặp gỡ Margaret cùng các bạn của bà, Latham lại một lần nữa đề cập đến cuốn sách. Cũng như lần trước, Latham tiếp tục nhận được những cái lắc đầu phủ nhận. Tuy vậy, sau khi ông giám đốc lên xe về khách sạn, trước những câu nói khích tướng của bạn bè, Margaret đã lôi tập bản thảo cũ kỹ của mình tìm đến giao cho Latham.

Bản thảo mà Latham được đọc là một bức tranh toàn cảnh về nội chiến và thời kỳ tái thiết diễn ra tại nước Mỹ cuối thế kỷ 19. Nhân vật chính là một người phụ nữ trẻ tên là Pansy O’Hara. Cuốn sách chưa có chương đầu mà Margaret đã viết chương cuối trước. Người này nhanh chóng nhận ra đây là một tác phẩm vĩ đại, sau đấy, Margaret Mitchell được cấp kinh phí để hoàn thành nốt tác phẩm, hay chính xác hơn là viết nốt… chương đầu tiên.

Latham góp ý rằng, ông không thích tên của nhân vật chính. Pansy O’Hara đã được Margaret đổi thành Scarlett. Ban đầu, cuốn tiểu thuyết có tựa đề là ‘Tomorrow is another day’ (Mai là một ngày mới). Câu này về sau được chuyển thành câu kết tác phẩm. Tựa đề ‘Cuốn theo chiều gió’ sau đó được Margaret lấy từ một câu thơ của Ernest Dowson.

8.jpg
 Được dựng thành phim và ra mắt vào năm 1939, 'Cuốn theo chiều gió' chứng tỏ sức sống lâu bền trong lòng khán giả khi nằm ở top đầu trong danh sách 100 bộ phim thành công nhất mọi thời đại về doanh thu tại Mỹ.

Margaret đã hoàn thành trọn vẹn tác phẩm trong năm 1935. Ngày 30/6/1936, ‘Cuốn theo chiều gió’, tiểu thuyết dày trên 1.000 trang, chính thức ra mắt độc giả và trở thành một sự kiện gây chấn động nước Mỹ, trở thành hiện tượng của ngành xuất bản nước này trong những năm 1930 và giành giải thưởng Pulitzer năm 1937.

Với giá bìa 3 USD (tương đương với khoảng 43,5 USD ngày nay) - một con số không hề khiêm tốn trong thời buổi khủng hoảng kinh tế những năm 1930, ‘Cuốn theo chiều gió’ vẫn tiêu thụ được 178.000 bản trong 3 tuần đầu tiên. Tháng 4/1938, sau 21 tháng ngự trị trên các bảng xếp hạng best-seller, doanh số bán ra của tác phẩm đạt đến 2 triệu bản.

Có lúc Margaret Mitchell đã nói về dự định tác phẩm tiếp theo nhưng điều đó không bao giờ trở thành hiện thực. Năm 1949, bà ra đi đột ngột sau một vụ tai nạn ô tô trên đường tới rạp chiếu bóng khi mới 49 tuổi. Chỉ với duy nhất tiểu thuyết ‘Cuốn theo chiều gió’, Margaret Mitchell đã trở thành tượng đài sừng sững trên văn đàn thế giới. Thông điệp mà bà gửi gắm tới tất cả mọi người, mang lại niềm hy vọng, xua tan những lo âu sẽ còn mãi: ‘Tomorrow is another day - Ngày mai là một ngày mới’.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm