Chia tay nhạc sĩ Thanh Tùng: 'Bao đêm tôi đã một mình nhớ em'

15/03/2016 - 12:09
Khán giả bàng hoàng nghe tin nhạc sĩ Thanh Tùng, tác giả ca khúc nổi tiếng “Một mình” vừa qua đời ở tuổi 68. Giờ ông lại ra đi, với khán giả, sự cô đơn càng mênh mang hơn.

Đã nhiều lần, tôi lặng nghe ca khúc “Một mình” nhưng chưa bao giờ giai điệu da diết, dìu dặt ấy vang lên, đọng lại sâu đậm đến thế...

 

Giai điệu như dẫn dụ ta vào một cõi xa xôi, mông lung, mơ hồ, như kiếm tìm, như thao thức, như đợi chờ, khắc khoải... "ngẩn ngơ". "Bao đêm tôi đã một mình nhớ em/ Đêm nay tôi lại một mình”. Nỗi cô đơn từ từ, dần dần lan tỏa, ngấm vào cồn cào, xa xót. Nhạc sĩ Thanh Tùng viết "Một mình" dành cho người vợ đã khuất của mình. Lời hát tràn ra từ nỗi nhớ của một người đàn ông đầy yêu thương và cô đơn... Người đàn ông ấy không "một mình" mà có gió, có mưa nhưng thiên nhiên cũng lẻ loi và nhung nhớ. Con người giữa không gian thêm cô quạnh, đơn chiếc. Nỗi nhớ của gió, mưa và người như hòa vào nhau trong mịt mùng đêm vắng "Bao đêm tôi đã một mình nhớ em”.

Phải nhắm mắt lại để âm thanh ấy chảy tràn vào tận trong tim, để cảm nhận đến tận cùng nỗi cô đơn.


Ca khúc "Một mình" của Hà Anh Tuấn

Hình ảnh người vợ dịu dàng đã ghim chặt vào trái tim, tâm thức nhạc sĩ. Người nghe cảm nhận được bóng dáng người phụ nữ bé nhỏ, tần tảo, chịu thương chịu khó. Ta như thấy hiện lên hình ảnh người thiếu phụ khẽ vén tóc mai, gạt giọt mồ hôi giữa trưa hè, hiện lên bóng dáng người thiếu phụ với đôi vai gầy mòn pha sương gió. Phải chăng xen lẫn trong đó nỗi niềm xót xa yêu thương ông dành cho vợ?...

Giai điệu đang dìu dặt, dàn trải chợt chuyển sang nhanh hơn, dồn dập, vội vàng, gấp gáp:

"Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ

Nghiêng nghiêng bóng em gầy."

Không hiểu sao, tôi thực sự ám ảnh và ấn tượng khi nghe đến câu hát "Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ". Tôi mường tượng thật rõ ràng tiếng nhịp bước chân chênh vênh, chênh chao trên lối về của người phụ nữ, gợi nhắc hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp song lại quá cô đơn - được đặc tả với tiếng bước chân day dứt, ám ảnh trên những bậc cầu thang nhà trọ đối diện với mỗi - một - bóng - mình mỗi lần ra ngoài mua cơm, trong bộ phim "Tâm trạng khi yêu" (I'm in the Mood for Love).

Phải chăng tác giả không chỉ viết cho nỗi cô đơn của bản thân mà viết cho mọi người, cho sự thấu hiểu người vợ của mình, thấu hiểu cho nữ giới?

Không chỉ đơn thuần là nỗi cô đơn mà đẩy lên thành nỗi cô độc "còn lại tôi với tôi" và câu hỏi nhức nhối "đời còn ai với ai". Một mình, tôi gặp mình tôi, nỗi cô đơn ấy như nhân đôi, xa xót hơn, đau đớn hơn... Cảm nhận nỗi cô đơn của chính mình để thương hơn người bên kia thế giới xa xôi, cách ngăn, lặng lẽ: "Thương em mênh mông chân trời lạ/ Bơ vơ chốn xa xôi."

Một mình - cô đơn, nhưng đáng sợ hơn là sự thiếu vắng một bóng hình thân thương, một người yêu và hiểu mình, đồng cảm với chính mình. Điều đó đáng sợ hơn nỗi cô đơn, là nỗi đau của sự cô độc đến tận cùng khi không còn người tri âm tri kỷ như Bá Nha đập đàn khóc thương Tử Kỳ, như Hồng Thanh Quang đã từng tê tái:

"Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp

Khi thanh âm cũng bất lực như lời”

Ai chẳng từng trải qua những phút giây một mình, trải qua những nỗi nhớ. Đi qua nhớ thương là một điều khó khăn. Tác giả đi qua nỗi đau bằng thanh âm đồng điệu cùng thính giả, bằng nỗi "cô đơn cùng với tôi về", bằng nhớ nhung in hằn sâu sắc,...

“Một mình” để gửi trao một khát khao lớn trong đời, còn mong ước gì lớn hơn, hạnh phúc hơn khi có một sự đồng cảm, tri kỷ giữa cuộc sống này?

Bây giờ Thanh Tùng đã về với “nửa kia” của mình ở bên kia thế giới, liệu ông có còn chìm đắm trong nỗi cô đơn?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm