pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Chiếc cầu" nối những mùa xuân sự sống
Thư được ghép phổi vào chiều 30 Tết năm 2023. Cô còn rất trẻ, mới 21 tuổi, đang là sinh viên của một trường đại học và phải bỏ giữa chừng vì không may mắc bệnh lý u cơ trơn mạch bạch huyết ở phổi (còn gọi là bệnh LAM hay bệnh phổi đục lỗ), là một bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Bệnh này tạo các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi. Tình trạng người bệnh rất nặng, khả năng tử vong trong vòng vài tháng nếu không được ghép phổi.
"Từ năm trước, con đã phải thở oxy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Trên đường về hôm ấy, đèn hoa, phố xá tấp nập, đào quất dọc hai bên, nhạc xuân rộn ràng, còn tôi thì như chết lặng nhìn con gái đang thở từng đợt khó nhọc. Bác sĩ nói con có thể "đi" bất cứ lúc nào. Tôi đã ước mình có thể hiến phổi được cho con. Cảm ơn người đã hiến tặng con tôi 2 lá phổi, cảm ơn các y, bác sĩ đã là cầu nối, đã nỗ lực từng giây từng phút để giữ lại sự sống cho con tôi", mẹ Thư chia sẻ.
Sau 1 năm được ghép phổi, sức khỏe của Thư đã ổn định. Cô sinh viên ấy đã quay lại trường để tiếp tục học đại học năm 2. Thư đã có thể tự phục vụ bản thân, tự đi bộ, đi xe máy. Đi học về có thể tự nấu cơm ăn và tham gia nhiều hoạt động mà trước kia không thể làm được vì mất sức.
"Em sẽ cố gắng sống khỏe, sống có ích để xứng đáng với sự sống mà người hiến tặng đã trao lại, xứng đáng với những y, bác sĩ đã hy sinh khoảnh khắc đoàn tụ bên gia đình ngày Tết, ở lại bệnh viện để cứu chữa cho em, giúp em có thêm nhiều mùa xuân mới" - Thư chia sẻ, trong đôi mắt em lấp lánh niềm vui và tràn đầy những hy vọng ở hành trình tiếp theo của cuộc đời.
"Bệnh nhân cần sống hơn là mình cần Tết"
10 năm làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương, với chị Nguyễn Thị Kim Anh, điều dưỡng Khoa Gây mê hồi sức, việc được tham gia các ca ghép tạng, nhất là vào thời khắc đặc biệt như ngày Tết là những kỷ niệm nghề nghiệp không thể nào quên. Ghép tạng - một ca đại phẫu vô cùng quan trọng vì không chỉ sự sống còn của bệnh nhân mà còn là hy vọng của rất nhiều người. Chính vì vậy nên các điều dưỡng như chị Kim Anh đã phải chuẩn bị tỉ mỉ, cẩn thận từng cây kim, sợi chỉ, từng con dao mổ... tuyệt đối không được để xảy ra bất cứ sai sót nào.
"Tôi nhớ chiều 29 Tết năm trước, khi tôi được nghỉ cùng gia đình về nhà ngoại ở Gia Lâm thì nhận được điện thoại quay trở lại bệnh viện ngay lập tức để chuẩn bị cho ca ghép phổi. Tôi chỉ kịp áy náy nói với bố mẹ: "Con đi làm chưa biết đến bao giờ về", xin lỗi chồng, con rồi vội vàng đến bệnh viện ngay. Bởi tôi còn có nhiều cái Tết để đón với gia đình nhưng bệnh nhân chỉ có 1 cơ hội duy nhất. Họ cần sống hơn là mình cần Tết. Đấy là một trong những Giao thừa vắng nhà nhưng lại có ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi", Kim Anh tâm sự.
Nữ điều dưỡng cho biết, trong quá trình thực hiện ca ghép phổi, mỗi giây, mỗi phút đều rất căng thẳng. Nhưng cảm động và hồi hộp nhất là khi bắt đầu bơm máu trở lại 2 lá phổi để xem 2 lá phổi có "sống" không. Khi nhìn thấy 2 lá phổi sau ghép được thông khí trở nên hồng hào, nở căng trong lồng ngực của bệnh nhân, niềm vui vỡ òa và những lo lắng mới được trút xuống.
"Công việc của một điều dưỡng bình thường có thể nói là rất nặng nhọc, cần sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Khi phục vụ cho ghép tạng và chăm sóc sau ghép tạng thì lại càng phải cẩn trọng hơn. Chỉ một sai sót nhỏ có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân, ảnh hưởng đến công sức và sự nỗ lực của cả ê kíp hàng trăm con người. Song, tôi không coi đó là áp lực, chúng tôi dùng tất cả trái tim yêu thương để hoàn thành tốt công việc của mình", Kim Anh chia sẻ khi được hỏi về nghề của mình.
Cũng như điều dưỡng Kim Anh, đã tham gia nhiều ca ghép tạng nhưng với TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương, tham gia ca ghép tạng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là một cảm xúc vô cùng thiêng liêng. Nhớ lại khoảnh khắc chạy đua từng giây, từng phút để ghép phổi cho bệnh nhân ngay khi nhà nhà đang rộn ràng quây quần bên mâm cơm Tất niên, chuẩn bị đón Giao thừa, trên gương mặt nữ bác ấy hiện lên những suy tư.
"Bệnh nhân đấy còn quá trẻ. Là một người mẹ, tôi thấy vô cùng đau lòng, hiểu cảm giác bất lực của người mẹ bệnh nhân khi nghĩ con mình sẽ chết ngay trước mặt mình. Vì vậy mà ngay khi có thông tin bệnh nhân có khả năng được ghép tạng, mọi hy vọng lại bừng sáng. Ca mổ đã thành công. Nhận bàn giao chăm sóc sau phẫu thuật, tôi và kíp trực Giao thừa hôm đó toàn tâm toàn ý với người bệnh và cũng chỉ biết là đến Giao thừa khi nhìn thấy ánh sáng của pháo hoa bên cửa sổ" - bác sĩ Ngọc tâm sự.
"Mùa xuân là lúc mọi chuyện khởi đầu. Ghép tạng chính là đi tìm sự sống từ trong cái chết, chính là mang lại khởi đầu mới, mùa xuân mới cho những người bệnh đang từng ngày mòn mỏi chờ đợi một tia hy vọng sống. Có những bệnh nhân đang ở giai đoạn tuổi xuân của cuộc đời. Nếu làm được gì đó để họ được ở lại, chúng tôi đều sẽ nỗ lực hết mình", TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương.
Với những bệnh nhân ghép tạng, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng đặc biệt quan trọng. Nếu phẫu thuật thành công nhưng chăm sóc hậu phẫu không tốt, bệnh nhân vẫn có thể bị nhiễm trùng và gặp các tai biến dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Chính vì vậy, bác sĩ Ngọc luôn tâm niệm, dù là ở công đoạn nào cũng đều phải làm tốt nhất có thể.
Đã chứng kiến rất nhiều khoảnh khắc bất lực vì không thể cứu bệnh nhân, chứng kiến nhiều khoảnh khắc vui mừng vì thêm một người được cứu nhưng với PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cảm xúc khi nhớ đến câu chuyện ghép tạng vào thời điểm Tết là một sự hạnh phúc, đan xen niềm tự hào trước nỗ lực của đồng nghiệp, đặc biệt là những nữ bác sĩ, nhân viên y tế. Không một ai than thở, tất cả chỉ tập trung cao nhất để nắm lấy tia hy vọng sống cho một sinh mệnh đang ở lằn ranh sinh tử.
"Trong ngành Y chúng tôi, cũng như tại Bệnh viện Phổi Trung ương thì đến 64% là lao động nữ. So với bác sĩ nam, các bác sĩ nữ, nhân viên y tế chịu áp lực hơn rất nhiều, họ vừa phải hoàn thành công việc chuyên môn, vừa phải làm dâu, làm mẹ, chăm lo cho gia đình. Câu chuyện chiều 30 Tết, mỗi gia đình cần một người mẹ, một người con dâu ở nhà để vun vén chuẩn bị nhưng họ vẫn còn ở trong phòng mổ, để lại đằng sau tất cả, vô cùng áp lực. Song, họ đều vượt đã qua được. Họ không nghĩ đấy là bệnh nhân mà phục vụ như người nhà mình" - chia sẻ về các nữ đồng nghiệp của mình, dưới cặp kính dày cộp đôi mắt của PGS Phú bất giác đỏ hoe.
Những nữ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế là một phần không thể thiếu trong mỗi ca ghép tạng. Có những ca ghép diễn ra ngay thời điểm Giao thừa, thời điểm đầu năm mới, họ vẫn miệt mài, sẵn sàng gác lại giây phút đoàn tụ cùng gia đình để tham gia hành trình kéo dài sự sống. Nếu như những người hiến tạng mang tới mùa xuân cho các bệnh nhân chờ ghép tạng thì các nhân viên y tế chính là người bắc nhịp cầu cầu nối những mùa xuân.