Chính các mẹ cũng cần trưởng thành

23/09/2015 - 15:15
Nhiều bậc phụ huynh đang rơi vào tình trạng lo quá đà cho con cái. Thậm chí khi con đã lập gia đình riêng, cha mẹ vẫn “bao sân” toàn bộ cho cả con dâu, rể và các cháu của mình.

 Cha mẹ luôn lo lắng, quan tâm tới con cái nhưng nếu lo quá đà sẽ khiến mọi chuyện rơi vào bế tắc

Nhà có điều kiện, không cho con thì để làm gì? Đó là tâm lý chung của hầu hết các bậc cha mẹ. Nhà chị Phương là ví dụ. Vợ chồng chị mỗi người là Giám đốc một công ty tư nhân. Kinh tế gia đình mạnh. Sau 5 năm du học ở Đức, con trai cả của chị cưới vợ, là một cô gái Đức. Cưới xong, vợ chồng cậu con trai quyết định về Việt Nam sinh sống. Chị Phương bàn với chồng, thống nhất mua ngay căn hộ xa xỉ tại khu chung cư hiện đại cho con. Khi ông bà thông gia sang thăm, họ trầm trồ vì căn hộ rất đẹp, tiện nghi. Chị Phương phổng mũi, nghĩ rằng ông bà thông hẳn sẽ cảm kích và nói lời cảm ơn vì anh chị đã bỏ tiền mua căn hộ cho các con. Nhưng sau những lời khen, bà thông gia lại bảo chị:

- Anh chị cho các con vay tiền mua căn hộ này phải không?

- Không, chúng tôi cho các cháu - chị Phương hài lòng khẳng định.

- Tại sao lại cho? Chị không có nghĩa vụ phải cho các con. Chúng đã lớn, phải tự lo nhà, việc làm, mọi thứ. Ở Đức, các cặp vợ chồng đều tự mua nhà và trả góp.

Chị Phương cười trừ vì không biết đáp lời bà thông gia thế nào. Chả lẽ giải thích rằng vì chị thương con, không muốn con vất vả ư? Nói thế lại e bà thông gia nghĩ chị bảo bà ấy không thương con bằng mình? Chị Phương đành gật gù “Thế à!” cho qua chuyện.

1 năm sau ngày cưới của con trai, chị Phương bắt đầu sốt ruột. Nàng dâu ngoại quốc chưa sinh cháu cho chị đã đành, cô lại quanh quẩn ở nhà suốt ngày, không đi làm. Cô chỉ tụ tập bạn bè, xem tivi, đọc sách. Khi chị gợi ý thẳng với con dâu là nên kiếm việc làm thì cô lắc đầu, trả lời: “Mẹ thấy đấy, chồng con đi làm kiếm tiền đủ dùng cho gia đình. Chúng con đã có căn hộ mà bố mẹ tặng, nên con không phải đi làm”.

Chị Phương đem chuyện đó kể với chồng. Chồng chị chỉ cười, bảo: “Kệ chúng nó đi. Đời nó nó lo, chúng ta lo nhà cửa cho nó, giờ còn định lo con cái, việc làm cho chúng nữa sao? Đừng sống hộ các con nữa, em ạ. Ta sẽ làm chúng nó khó chịu, và gây áp lực cho chính em”.

Đến hơn 1 năm nay, chị Tùng vẫn chưa thể nhìn mặt sui gia, do trận cãi nhau to năm ngoái. Số là khi con gái chị đẻ, chị đón con và cháu về nhà chăm nuôi nửa năm. Nhìn con gái sau sinh nở thay da đổi thịt béo trắng, cháu trai bụ bẫm, chị Tùng không chỉ mừng, mà con tự hào lắm. Nhưng sau nửa năm, ông bà sui gia nhất định đòi đón cháu về nhà. Chị Tùng nhớ con, thương cháu lắm nhưng đành phải để sui gia đón con, cháu đi.

Tháng sau, chị Tùng lên thăm nhà sui gia, không báo trước. Đến nơi, chị thấy cảnh nhà cửa bề bộn, khăn, bỉm vương vãi. Con gái chị thì đi làm, cháu chị đang bị sốt mà bà sui cho thằng bé uống sữa lại bị sặc. Nhìn bà sui vụng về, xót cháu, chị Tùng hét lên: “Cháu đang khóc ngằn ngặt thế mà chị cứ đổ sữa cho nó liên tục thì bằng giết cháu à!”. Bà sui cũng chẳng kém, quát vào mặt chị: “Cháu tôi tôi lo, bà ra khỏi nhà tôi ngay!”.

Chị Tùng ấm ức về kể lại với chồng. Không ủng hộ mà chồng chị còn bảo: “Em can thiệp làm gì? Nếu em rảnh thì chăm sóc anh đây nè. Em mà để anh một mình, anh sẽ kiếm bà khác “quắp” đi chơi đó”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm