Chính phủ Nhật Bản bị kiện vì từng ép hơn 25.000 phụ nữ triệt sản
16/04/2018 - 08:30
Nạn nhân bị triệt sản một cách ép buộc theo Luật Ưu sinh của Nhật Bản từ năm 1948 nhằm "ngăn chặn việc sinh ra con cháu thấp kém” đang đâm đơn kiện Chính phủ Nhật. Họ cho rằng, Luật gây ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân và quyền sinh con của mình.
Nỗi đau dai dẳng của những phụ nữ bị ép triệt sản từ năm 16 tuổi
Áp lực buộc Chính phủ Nhật Bản hành động lớn dần khi ngày càng có nhiều nạn nhân lên tiếng. Trong một hội trường của Đại học Tohoku Gakuin ở Sendai, các nạn nhân nói trước sinh viên về những gì họ trải qua. Bà Junko Iizuka, một người bị ép triệt sản, tốn nhiều năm để có đủ dũng khí cho việc này. "Tôi muốn mọi người biết sự thật về những gì đã xảy ra. Những gì tôi muốn là chính phủ xin lỗi và bồi thường cho những người đã phải chịu đựng", bà Iizuka nói.
Bà Junko Iizuka lúc mới 16 tuổi được đưa tới một bệnh viện ở Đông Bắc Nhật Bản, buộc phải thực hiện cuộc phẫu thuật bí ẩn mà mãi về sau, bà mới biết đó là cách nhằm ngăn ngừa mình có con.
"Gây mê xong, tôi chẳng nhớ gì nữa. Khi tỉnh dậy, tôi nằm trên giường và nhìn thấy một cái bồn. Tôi muốn uống nước nhưng người ta bảo không được uống ", bà Iizuka kể.
Sau này, khi nghe lỏm bố mẹ nói chuyện, bà mới phát hiện ra sự thật khủng khiếp, đó là mình đã trở thành 1 trong số 16.500 người bị ép buộc phải triệt sản theo Luật Ưu sinh nhằm ngăn ngừa sự ra đời của những trẻ em "kém cỏi".
Bà bị thắt ống dẫn trứng năm 1963 khi bị nghi ngờ mắc bệnh tâm thần. 50 năm sau, bà Iizuka vẫn run rẩy khi nhắc tới ảnh hưởng của cuộc phẫu thuật vì bà mắc chứng đau dạ dày dai dẳng và tâm lý lúc nào cũng nặng nề.
"Tôi đến Tokyo khám với hy vọng khôi phục lại ống dẫn trứng, nhưng bác sĩ bảo không thể. Họ đã lấy đi cuộc đời tôi như thế đấy", bà nói.
Một nạn nhân khác của việc cưỡng ép triệt sản là Yumi Sato, bị triệt sản vào năm 1972, khi mới 15 tuổi. Bà Michiko, chị dâu của bà Sato cho hay, cuộc phẫu thuật đã khiến Sato mất đi cơ hội lập gia đình.
"Em Sato từng cân nhắc chuyện lấy chồng năm 22, 23 tuổi. Nhưng khi Sato bảo không thể có con, bạn trai cầu hôn nó bảo rằng không muốn cưới nữa. Thời điểm đó, việc lấy chồng sinh con là điều hiển nhiên. Vì thế, sẽ rất khó kết hôn nếu không thể sinh con", bà Michiko chia sẻ.
Gần đây, bà Sato quyết định đâm đơn kiện để tìm sự bồi thường từ Chính phủ Nhật Bản. Bà cho rằng, Luật Ưu sinh đã vi phạm hiến pháp hậu chiến của Nhật Bản vì xâm phạm quyền được mưu cầu hạnh phúc của con người. Đây là vụ kiện đầu tiên về vấn đề này tại Nhật Bản và các nạn nhân khác hy vọng nó sẽ dọn đường cho việc chính phủ xin lỗi trước công chúng.
Theo các hồ sơ chính thức, bà Sato bị triệt sản do được chẩn đoán “não có vấn đề về di truyền”. Tuy nhiên, gia đình bà cho rằng, não của bà bị tổn thương là do bị cho uống nhiều thuốc gây mê khi phẫu thuật hở hàm ếch hồi bé chứ không phải do di truyền. Sau này, bà Sato về sống với gia đình người em trai hơn 40 năm, chăm bẵm các cháu.
Bộ luật gây tranh cãi
Ra đời năm 1948 tại Nhật, Luật Ưu sinh Quốc gia cho phép tiến hành triệt sản bất kể có hay không có sự đồng thuận, đối với những người mắc bệnh tâm thần, thiểu năng cũng như người mắc các bệnh di truyền. Từ khoảng năm 1948 đến 1996, có khoảng 25.000 phụ nữ Nhật bị triệt sản theo luật này, trong đó có 16.500 người không đồng ý nhưng vẫn bị triệt sản. Những bệnh nhân ít tuổi nhất mới 9-10 tuổi.
Những năm 1950, Chính phủ Nhật đã tập hợp và ép buộc hàng nghìn người mắc bệnh phong đến sống tại các cơ sở nằm sâu trong núi hay trên các hòn đảo xa xôi. Nhiều người bị triệt sản hoặc bị bắt phải phá thai.
Năm 2001, một tòa án ra phán quyết rằng chính sách cách ly những người mắc bệnh phong là vi hiến và lẽ ra phải bị xóa bỏ sau khi các phương thức điều trị đa dược có hiệu quả được phổ biến rộng rãi vào cuối thập niên 1950.
Năm 1972, chính phủ đưa ra một đề xuất sửa đổi gây tranh cãi trong Luật Ưu sinh, đó là cho phép phụ nữ mang thai mà thai nhi bị khuyết tật, được quyền sinh nở. "Đáp lại, những người ủng hộ quyền của người khuyết tập, chủ yếu là người bị bại não, đã biểu tình và vận động quốc hội không thông qua luật này. Họ cáo buộc Luật Ưu sinh giống với triệt sản của Đức Quốc xã, làm suy giảm hình ảnh của ''thuyết ưu sinh ", Yoko Matsubara, giáo sư đạo đức sinh học, Đại học Ritsumeikan, cho hay.
Số vụ triệt sản giảm xuống chưa đầy 5 ca/năm vào cuối thập niên 1980. Dù luật bị bãi bỏ năm 1996 nhưng một số người cho rằng, thái độ phân biệt đối xử do ảnh hưởng từ luật vẫn tồn tại trong nhiều tầng lớp xã hội Nhật Bản.
Năm 2001, cựu Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi từng gửi lời xin lỗi chính thức. Liên hợp quốc cũng đã chỉ trích Nhật Bản vì không xin lỗi hoặc bồi thường cho các nạn nhân của chính sách triệt sản ép buộc.
Tại phiên tòa đầu tiên tại thành phố Sendai cuối tháng 3/2018, đại diện chính quyền cho rằng vụ kiện nên dừng lại để chính quyền tổ chức tranh luận vào thời điểm thích hợp. Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch làm việc với các chính quyền địa phương về vấn đề này nhằm dọn đường cho việc bồi thường trong tương lai.
Yasutaka Ichinokawa, giáo sư ngành xã hội học thuộc Đại học Tokyo cho biết, các nhà tâm lý học đã chỉ ra danh tính bệnh nhân mà họ cho rằng cần làm phẫu thuật triệt sản. Những hộ lý tại các trung tâm chăm sóc người thiểu năng trí tuệ cũng đồng ý với ý kiến này.
Ngoài ra, những người quan trọng có tính quyết định tới việc thực thi luật là Miensei-iin, nhân viên phúc lợi xã hội tại địa phương. "Họ làm việc đó với thiện chí, nghĩ rằng triệt sản mang lại lợi ích cho những người họ đang chăm sóc. Tuy nhiên, đến ngày nay, chúng ta phải nhìn nhận đây là sự vi phạm quyền sinh đẻ của người khuyết tật", Ichinokawa nhận xét.