pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính sách tín dụng xã hội tạo động lực cho hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế
Hội LHPN các cấp đồng hành, sát cánh cùng Ngân hàng CSXH đưa vốn ưu đãi đến với phụ nữ nghèo hội viên, phụ nữ
Kết nối sức mạnh để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cho Hội viên, phụ nữ
Về làng nghề đậu phụ An Vĩ (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), có dịp được chị Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã An Vĩ dẫn đi thăm quan một vòng quanh làng. Những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp mà minh chứng rõ nét nhất cho thấy sự đổi thay của một làng nghề truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: Xuất phát từ trăn trở của nhiều chị em hội viên, phụ nữ có mong muốn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, Hội LHPN xã đã đứng ra tín chấp với NHCSXH để chị em vay vốn phát triển kinh tế. Từ đó, chị em đã phát huy được thế mạnh của làng nghề, phát triển sản xuất.
Nhiều mô hình, câu lạc bộ làm kinh tế giỏi của chị em đã được hình thành, phát triển. Đó cũng là sự ghi dấu cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân nơi đây, trong đó có bóng dáng của những người phụ nữ tảo tần đằng sau mỗi công đoạn làm đậu, để góp phần giữ nghề, phát triển làng nghề, giúp đổi thay cuộc sống gia đình và đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Được ví như cánh tay nối dài trong truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng địa chỉ, Hội LHPN các cấp đã luôn đồng hành, sát cánh cùng NHCSXH tiếp sức, tiếp thêm động lực cho hội viên, phụ nữ trên cả nước vững tin phát triển kinh tế.
Dẫn chúng tôi len lỏi qua những gốc cam, gốc bưởi trĩu quả, hứa hẹn một vụ mùa bội thu đang đến gần, chị Vũ Thị Lệ Thủy (Giám đốc HTX 3T Farm, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) hồ hởi: Hợp tác xã lựa chọn con đường đi khá chông gai là trồng các loại cây có múi theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng hóa chất. Với phương thức này, cần nhiều thời gian để cải tạo đất đai và năng suất, sản lượng thu được không cao như những phương thức canh tác khác. Nhờ có nguồn vốn vay từ NHCSXH với lãi suất ưu đãi, HTX đã có thêm nguồn lực để đầu tư trang thiết bị máy móc, nguyên liệu, cơ sở vật chất để kiên định theo hướng sản xuất hữu cơ.
Xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ là một xã miền núi đặc biệt khó khăn. Đinh Thị Thu Giang, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Đồng tâm sự: "Trước đây, cuộc sống của chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Mường bấp bênh lắm. Công việc không có, chị em chỉ quẩn quanh ở nhà trông con, có thời gian thì đi làm thuê, làm mướn, thu nhập gia đình chủ yếu phụ thuộc vào người chồng.
Để hỗ trợ hội viên phụ nữ giảm nghèo bền vững, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội LHPN xã đã rà soát đối tượng chị em phụ nữ trên địa bàn, phối hợp với NHCSXH huyện đề xuất cho các chị em được vay từ nguồn vay giải quyết việc làm.
Từ đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế như mô hình chăn nuôi, trồng trọt, mô hình may gia công được thành lập. Những mô hình này thu hút nhiều chị em phụ nữ tham gia, có thu nhập ổn định. Từ đó, cuộc sống của chị em có nhiều thay đổi tích cực, phát huy được vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội".
Được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, phù hợp với điều kiện từng địa bàn, nhiều hội viên, phụ nữ từ chỗ là hộ nghèo đã vươn lên có kinh tế khá với mức thu nhập ổn định, trở thành điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa cho nhiều hộ nghèo khác học tập.
Tiếp tục giữ vững "6 nhất"
Đối với Hội LHPN các cấp, tín dụng CSXH là giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn tín dụng được ví như một luồng "sinh khí" mới, một dòng nước mát lành giúp hội viên, phụ nữ, góp phần giúp hội viên phụ nữ vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, thực hiện tốt Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" và phong trào "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi".
Tại Hội nghị "Giao ban hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội" (tổ chức tháng 8/2023 tại Hà Nội) Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương nhấn mạnh: Với Hội LHPN, trong hoàn cảnh hiện tại, nhiều lao động nữ đã bị mất việc làm; nguồn vốn tín dụng là giải pháp hiệu quả để Hội phụ nữ các cấp hỗ trợ chị em tham gia vào các mô hình sinh kế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Dù trong bối cảnh nền kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn vốn chính sách đã kịp thời đến được với đối tượng người nghèo, người yếu thế.
Hội LHPN các cấp đã triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp góp phần giữ vững "6 nhất" trong hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đó là: Dư nợ cao nhất; tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất; số tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nhất; số dư tiết kiệm đạt cao nhất; số lượng thành viên nhiều nhất; tổ tiết kiệm và vay vốn có chất lượng tốt nhất.
Đến nay, dư nợ ủy thác qua Hội LHPN đạt hơn 115.882 tỷ đồng, chiếm 38,19% tổng dư nợ ủy thác, tăng 7.890 tỷ đồng so với cuối năm 2022 (+7,3%); nợ quá hạn chiếm 0,13%, nợ khoanh chiếm 0,35% tổng dư nợ nhận ủy thác của Hội; quản lý 62.048 Tổ TK&VV với hơn 2,5 triệu khách hàng; 99,98% số Tổ TK&VV có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 6.602 tỷ đồng (tăng 779 tỷ đồng so với năm 2022).
Để đạt được những kết quả trên, trong quá trình triển khai các nội dung nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH, Hội LHPN các cấp đã luôn đồng hành, sát cánh cùng Ngân hàng CSXH vượt qua nhiều khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và triển khai đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả các nội dung ký kết trong Văn bản liên tịch, Hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH.