Những điểm thay đổi được quy định ở thông tư 22 thay thế cho thông tư 30, trong đó đưa ra nhiều điểm mới theo hướng giảm áp lực cho thầy cô giáo và tăng tính động viên, khích lệ học sinh trong quá trình học.
Nguyên tắc đánh giá được điều chỉnh theo hướng: Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kì bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.
Trong đó, đánh giá thường xuyên là đánh giá trong quá trình học tập, rèn luyện về kiến thức, kĩ năng, thái độ và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh, được thực hiện theo tiến trình nội dung của các môn học và các hoạt động giáo dục. Mục đích của đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên và học sinh nhằm hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh.
Bộ GD&ĐT quy định rõ:
- Đánh giá thường xuyên về học tập: Giáo viên dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời. Học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn, nhóm bạn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập để học và làm tốt hơn.
- Đánh giá thường xuyên về năng lực, phẩm chất: Giáo viên căn cứ vào các biểu hiện về nhận thức, kĩ năng, thái độ của học sinh ở từng năng lực, phẩm chất để nhận xét, có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Học sinh được tự nhận xét và được tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn về những biểu hiện của từng năng lực, phẩm chất để hoàn thiện bản thân.
Nhiều điểm mới thay đổi trong đánh giá học sinh tiểu học vừa được Bộ GD&ĐT công bố. |
Về đánh giá định kỳ, Bộ GD&ĐT thay đổi theo hướng:
- Đánh giá định kì về học tập: Vào giữa và cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kĩ năng để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức: Hoàn thành tốt (thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục); Hoàn thành (thực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục) và Chưa hoàn thành (chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục).
Vào cuối học kì I và cuối năm học, đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc có bài kiểm tra định kì. Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kì môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kì I và giữa học kì II.
Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh.
- Đánh giá định kì năng lực, phẩm chất: Vào giữa và cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào biểu hiện nhận thức, kĩ năng, thái độ trong quá trình đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển từng năng lực, phẩm chất của học sinh, tổng hợp theo các mức: Tốt (đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên); Đạt (đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên); Cần cố gắng (chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ).
Ngoài ra, hồ sơ đánh giá học sinh tiểu học cũng được điều chỉnh theo hướng bao gồm Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả đánh giá giáo dục của học sinh vào Học bạ.
Học sinh được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học phải đạt các điều kiện sau:
- Đánh giá định kì về học tập cuối năm học của từng môn học và hoạt động giáo dục: Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành;
- Đánh giá định kì về từng năng lực và phẩm chất cuối năm học: Tốt hoặc Đạt;
- Bài kiểm tra định kì cuối năm học của các môn học đạt điểm 5 trở lên;
Thông tư điều chỉnh này cũng nêu rõ trách nhiệm của hiệu trưởng: “Tôn trọng quyền tự chủ của giáo viên trong việc thực hiện quy định đánh giá học sinh”.