pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cho 2 con học tiếng Anh từ nhỏ, bà mẹ ở Bình Thuận rút ra 6 sai lầm khi đồng hành cùng con
Ảnh minh họa
"Ở độ tuổi nào thì có thể bắt đầu cho trẻ học tiếng Anh?" – Đây là một trong những vấn đề được rất nhiều phụ huynh quan tâm và lo lắng. Một số người thì tuyên bố rằng càng sớm càng tốt, một số khác lại khuyên các phụ huynh nên chờ đợi cho tới khi trẻ được 5, 6 tuổi, có thể nói rành tiếng mẹ đẻ. Ý kiến nào cũng có những luận điểm bảo vệ đầy thuyết phục.
Từng cho hai con học tiếng Anh ở hai giai đoạn khác nhau, chị Kim Ngọc (Bình Thuận) cho rằng: "Cho con bắt đầu lúc 5 hay 6 tuổi không quan trọng, chỉ sợ mình không kiên trì đi cùng con. Dù ở độ tuổi nào nếu ba mẹ chịu đồng hành cùng con thì cũng sẽ hái được quả ngọt. Chỉ sợ muộn khi cứ để con cầm điện thoại xem những thứ vô bổ vô tình con lại học được những cái không hay, hoặc chỉ có biết chơi game. Ba mẹ chỉ cần dành cho con mình tầm 1h đến 2h mỗi ngày thì không gì là không thể".
Bé Trí nhà chị Ngọc bắt đầu học tiếng Anh từ 5,5 tuổi, được cho là đã qua giai đoạn vàng. Bé Ngân thì bắt đầu từ 3,5 tuổi. Qua thời gian 1,5 năm đồng hành cùng con, chị Ngọc nhận thấy 2 bé đều tiếp thu rất tốt.
"Đừng nhìn con người ta, bởi mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt"
Với bé trai đầu, chị Ngọc từng rất vất vả kèm con. Chị đi làm đến 7h tối về mới đón con, hai mẹ con ăn uống tắm rửa cũng đã 8h thì mới bắt đầu học, học tầm đến 9h30 mới sửa soạn đi ngủ.
"Thời gian đầu mình cũng mày mò đi tìm tài liệu học hỏi kinh nghiệm của các mẹ đi trước, đào tường xuyên đêm là bình thường, càng đọc càng thấy hay và càng thấm. Nhưng không phải kinh nghiệm nào cũng áp dụng được với con mình, cứ thử các phương pháp, con hợp tác cái nào thì triển khai cái đó và quan trọng là đừng nhìn con người ta, mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt và không giống ai.
Nhà mình có 2 bạn với 2 sở thích, khả năng khác nhau. Mẹ phải kèm riêng 2 bạn, bạn lớn đi Razkid từ nhỏ còn bạn nhỏ lại đi Grased. Chỉ có ba mẹ mới hiểu mới biết được con mình thích gì và học gì là phù hợp, thiếu gì thì bổ sung cái đó", chị Ngọc chia sẻ.
Theo bà mẹ này, lúc mới bắt đầu quan trọng nhất là phải tạo sở thích học tiếng Anh cho con. Hai tuần đầu bé từ chối nghe loa vì nói nhức đầu, mẹ phải cho nghe từ 10 phút tăng thời gian lên dần dần, rảnh lúc nào nghe lúc đó: Sáng sớm, về nhà chơi đợi mẹ dọn dẹp, trước khi đi ngủ tranh thủ. Thời gian nghe 4h/ngày.
Khó khăn nhất là tìm được sở thích của của con để "dụ dỗ". Bạn thích sticker thì mẹ in sticker các con vật, rồi tập cho con nói những từ đơn, mẹ ngồi vẽ mindmap cùng con, rồi con nói lại những từ con biết. Mẹ bắt đầu chuyển dần qua cho con đọc Razkid.
"Nhà mình kết hợp NGHE - XEM - ĐỌC cùng 1 lúc. Con thích xem thì mẹ dùng phần thưởng xem Netflix sau khi con đọc xong 5 cuốn Razkid level aa mỗi ngày. Nhà mình cứ đều đặn mỗi ngày như vậy khoảng 6 tháng thì kết hợp cho con học thêm Phonic abeka k4, Jolly phonic, Oxfort phonic, đọc thêm các sách cùng level để con củng cố thêm nền móng của mình như: All abroading, Usbone xanh, See the grow, Biscuit, Oxfort discover, One story day...
Con bắt đầu làm bộ đọc hiểu đầu tiên Dolphin, làm quiz các bài Razkids con đọc. Sau khi anh ấy đọc đến level F thì chuyển dần qua đọc Ssbone đỏ, nghe loa rồi đọc lại các bộ sách Usbone dày", bà mẹ hai con chia sẻ.
Chị Ngân nhấn mạnh, ba mẹ phải luôn động viên khuyến khích con mỗi ngày, đặc biệt phải làm gương cho con, mẹ cũng học bài cùng con mỗi ngày.
Đến giai đoạn này thì con ghiền Tây du kí, nghe 108 tập và kể lại được Little fox mẹ sẽ mở lên để con chọn các truyện con yêu thích và nghe trong thời gian này như bộ Aladin và cây đèn thần; Cậu bé rừng xanh; Nghe Grased từ unit 1 đến unit 10 hầu như thuộc hết và diễn theo mp4 cùng em gái. Hiện tại thì bạn vẫn kết hợp NGHE - XEM - ĐỌC và làm các bộ sách đọc hiểu như Warm up, 180 days; Bộ ngựa; Toán tư duy; Harry potter; Luyện nói DE, kể lại các truyện đã đọc.
6 sai lầm khi đồng hành cùng con
Theo chị Ngân, có những sai lầm chị nhận thấy rất nhiều phụ huynh mắc phải khi đồng hành cùng con học tiếng Anh:
Sai lầm 1: Nghĩ con mình không có năng khiếu. Học tiếng Anh không cần năng khiếu, chỉ cần ba mẹ chịu khó kiên trì tìm kiếm cái con thích để dụ dỗ con học thì sẽ được hết. Khi đã quen tiếng Anh rồi thì mê tiếng Anh hơn tiếng Việt.
Sai lầm 2: Dễ dàng thỏa hiệp với con nên bỏ cuộc sớm. Mình phải tìm cách nói chuyện khuyến khích con, cho con xem các bạn giỏi để con có động lực cho bản thân mình.
Sai lầm 3: Không chỉ tập trung mỗi tiếng Anh. Nhà mình lúc đầu chỉ tập trung mỗi tiếng Anh nên con không chịu học tiếng Việt, mẹ phải tìm cách cân bằng lại tiếng Việt bằng cách mua các bộ sách hay vui nhộn để con hứng thứ như bộ Quizz khoa học kì thú, Nhật kí côn trùng, Chuyện xóm gà, Tớ là CEO nhí.
Sai lầm 4: Mẹ ôm quá nhiều tài liệu nên bị hoang mang, thấy người ta học gì cũng muốn cho con mình học sẽ mệt cả mẹ lẫn con. Chọn một số bộ mà con thích rồi đi từ cơ bản đến nâng cao sẽ ổn.
Sai lầm 5: Các bạn mới bắt đầu mẹ không nên tương tác với con nếu mẹ phát âm không chuẩn. Mình chỉ dám tương tác với con sau 1 năm luyện lại phát âm và lúc này con đã tiếp xúc phonic ổn và khi nghe có thể phát hiện ai nói sai hay nói đúng. Mình rất hạn chế nói chuyện tiếng Anh, vẫn để bạn nghe xem ngấm ngôn ngữ tự nhiên.
Sai lầm 6: Dịch nghĩa trong lúc học. Tuyệt đối không nên vì lúc dịch nghĩa qua tiếng Việt là đã làm chậm khả năng ngôn ngữ của con một nhịp. Từ lúc bạn Trí nhà mình học tiếng Anh đến giờ mẹ chưa bao giờ từng dịch nghĩa cho con và cũng không dùng từ điển Anh Việt để tra từ cho con, mình chỉ dùng từ điển Anh Anh để tra cách đọc cho con nghe lại phát âm của các từ con không đọc được.
Vậy cách con học từ vựng như thế nào để không cần dịch nghĩa và có tư duy Anh Anh. Lúc bắt đầu thì con nên nghe và xem những chương trình tiếng Anh trên youtube để con có thể hình dung qua hình ảnh và âm thanh để hiểu nghĩa của từ vựng, việc đọc sách có hình ảnh cũng giúp con có được lượng từ vựng rất lớn.