Cô gái ấy điện thoại xin tư vấn vào tối chủ nhật, đúng lúc Thanh Tâm đang thong thả đi dạo sau bữa cơm tối. Câu chuyện của cô khiến đêm ấy Thanh Tâm khó ngủ.
Cô kể mình gái yêu tha thiết một người bạn học cùng trường đại học, hơn cô 3 tuổi. Khi mới chớm yêu, cô cũng có chút ngại ngần bởi tương quan giữa hai người chênh lệch. Cô là cô gái tỉnh lẻ, bố mẹ mất sớm. Trong khi đó người yêu là con một trong gia đình quan chức hạng khá giữa thủ đô. Nhưng vẻ đẹp khỏe mạnh, trong sáng của cô thì quyến rũ không chỉ một mình anh chàng đó. Anh ta luôn tỏ ra tự hào về cô và luôn động viên người yêu cứ vững tin vào tương lai tốt đẹp của hai người. Chính vì tin vào tình yêu và cũng vì sự non nớt của tuổi trẻ, khi chuẩn bị tốt nghiệp, cô phát hiện mình đã mang thai.
Hai kẻ yêu nhau không biết làm gì khác hơn là về tạ tội cùng bố mẹ của anh chàng kia, cầu xin bố mẹ tổ chức đám cưới gấp. Nhưng họ đã vấp phải sự lạnh lùng của cả một đại gia đình. Mẹ người yêu gặp riêng cô, yêu cầu cô bỏ thai và hứa sẽ đền cho cô một món tiền lớn. Đau đớn, cô đã chạy ra khỏi quán cà phê trong khi câu chuyện với người mà cô ngỡ sẽ gọi là mẹ chồng còn chưa kết thúc. Những ngày đen tối đó của cô càng tối tăm hơn bởi sự biến mất của người yêu. Có lẽ anh ta cũng đang chịu sức ép nặng nề từ phía gia đình mình.
Còn một mình, cô đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều, để cuối cùng đi đến quyết định giữ lại đứa bé.
Vừa cố gắng học để thi tốt nghiệp lại vừa tranh thủ đi làm thêm, trong năm đó cô đã lập kỳ tích : tốt nghiệp hạng khá và sinh một đứa con trai khỏe mạnh, đủ ngày đủ tháng. Tiền làm thêm tích cóp được đủ cho cô thuê một căn nhà trọ xoàng xĩnh và tự lực nuôi con. Tất nhiên là cô không thông báo gì cho bố của đứa trẻ nhưng cô chật vật nuôi con đến cả vài năm mà anh ta không một lần xuất hiện thì cô cũng coi như con người đó đã chết.
Như để bù đắp cho sự thiệt thòi của mẹ, con trai hầu như không ốm đau và rất ngoan. Nhìn thằng bé lúc nào cũng sạch sẽ tươm tất, ít ai hình dung được hoàn cảnh thật sự của nó. Cô sau vài năm đầu vất vả, cũng kiếm được một công việc ổn định, lại còn có công việc làm thêm ở một công ty dịch thuật nên đời sống vật chất dần dễ thở hơn. Hai mẹ con chuyển khỏi khu nhà trọ tồi tàn cũ, thuê một căn hộ nhỏ nhưng thoáng mát. Cũng thời gian này, có người đàn ông đem lòng thương yêu cô và cô cũng thấy có sự rung động. Phải nói thêm là trong mấy năm ấy, có không ít người muốn đến với cô nhưng cô luôn thấy lòng mình nguội lạnh. Người đàn ông khiến trái tim cô ấm áp trở lại cũng từng có một đời vợ nhưng đã chia tay vì không có con, do căn bệnh quai bị biến chứng của anh. Cô yêu anh một phần lớn là do cô nhìn thấy sự thương yêu chân chất, thật lòng của anh với con trai cô. Hai người đã đi xem ngày cưới.
Đúng lúc ấy, mẹ của người yêu cũ đến tìm cô. Ngược hẳn với thái độ trịch thượng của vài năm về trước, bà mang một bộ mặt đau khổ và ân hận. Bà kể rằng người yêu cũ của cô đã lấy vợ nhưng không hạnh phúc. Đặc biệt là sau khi có một đứa con gái nhỏ thì anh bị một tai nạn giao thông, khiến thận bị tổn thương nặng và bác sỹ cho biết anh sẽ vĩnh viễn mất khả năng làm cha. Vợ anh ta cũng bỏ đi lấy chồng khác sau đó ít lâu.
Chẳng hiểu vì sao mà gia đình bà biết được cô đã không bỏ thai như yêu cầu của họ, hơn nữa đứa bé sinh ra lại là con trai. Bà đề nghị cô cho cha được nhận con, ông bà nhận cháu. Thằng bé là cháu đích tôn sẽ được hưởng trọn vẹn những gì là “của nó”, sẽ có một tương lai đảm bảo. Phản xạ ban đầu của cô là định chạy trốn khỏi người đàn bà đó, như cô đã làm mấy năm về trước. Nhưng cô có hơi chùng lại vì nghĩ đến tương lai của con trai mình. Dẫu có lao động vất vả cả đời chưa chắc cô đã đem lại cho con điều kiện tốt như thế.
Nghĩ lại những ngày tháng khó khăn, cô cũng mong con có cuộc sống tương lai đầy đủ
Thanh Tâm rất cảm thông với suy nghĩ của cô và cũng hiểu nỗi day dứt của cô khi con cũng vì mẹ mà sống trong cảnh thiếu thốn cả vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, mọi việc đang dần ổn với một người phụ nữ nghị lực, biết sống và yêu hết mình như cô. Mặt khác, sau một thời gian quá dài không có một cử chỉ quan tâm nào, hành động xin nhận con nhận cháu có vẻ như không thật sự xuất phát từ tiếng gọi của tình cảm ruột thịt. Nếu bố đứa trẻ không rơi vào tình trạng éo le như vậy liệu họ có tìm đến mẹ con cô? Điều kiện vật chất rất cần thiết nhưng sự trưởng thành của một con người cần nhiều hơn thế. Lời khuyên của Thanh Tâm là cô không nên làm xáo trộn cuộc sống của con trai và của cả chính mình nữa. Nhưng cô hãy chủ động về việc chia sẻ với con về nguồn gốc, những người ruột thịt của nó. Tình máu mủ không thể thay đổi nhưng không nên cân đong nó với điều kiện vật chất. Con trai cô được sống với một người mẹ can trường, sẽ có dượng thực sự yêu thương, cháu sẽ trưởng thành và biết ứng xử đúng với các mối quan hệ phức tạp của mình. Cô hình như đã nhận ra nỗi băn khoăn của mình hình như quá nhỏ…