Đồ chơi: Hàng nội “phủ sóng”
Điểm nổi bật trên thị trường đồ chơi Trung thu năm nay, đó là sự chiếm lĩnh của hàng Việt Nam. Phần lớn các mẫu lồng đèn, đồ chơi được bày bán đều là sản phẩm sản xuất trong nước, vừa đậm bản sắc dân tộc, vừa mang tính giáo dục cao.
Đồ chơi nội được ưa chuộng. Ảnh minh họa
Các mẫu lồng đèn giấy, kiếng in hình bản đồ Việt Nam, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Quang Trung, với thông điệp hướng về biển đảo quê hương cùng những dòng chữ như “Em yêu biển đảo quê hương”, “Em yêu chú bộ đội hải quân Việt Nam"… có giá dao động từ 15.000 đến 60.000đ/cái (tăng khoảng 10% so với năm ngoái), được nhiều người lựa chọn, vì vừa đẹp, an toàn, lại có tác dụng giáo dục lòng yêu nước và lịch sử cho trẻ em.
Ngoài ra, thị trường còn có những mẫu lồng đèn minh họa những câu chuyện cổ tích Việt Nam hay các nhân vật quen thuộc với trẻ em như chị Ong nâu, thằng Bờm, cu Tí… Các mẫu lồng đèn này đều được làm bằng nhựa, có tay cầm và nhiều hình ảnh sống động, màu sắc bắt mắt, sử dụng nền nhạc thiếu nhi Việt Nam.
Lồng đèn giấy có thể xài cả đèn cầy (nến) hoặc gắn pin tùy ý thích. Bên cạnh đó còn có những mẫu lồng đèn tự lắp ráp giúp trẻ nâng cao khả năng sáng tạo theo tiêu chí “vừa học vừa chơi”. Một số nhà sản xuất cho biết, tất cả nguyên phụ liệu làm lồng đèn đều có xuất xứ trong nước, hệ thống nhạc cài cũng được công ty mua bản quyền và được kiểm định chất lượng an toàn.
Ngoài lồng đèn, phần lớn các mặt hàng đồ chơi khác xuất hiện trong mùa Trung thu năm nay cũng mang đậm dấu ấn truyền thống, với nhiều loại đầu lân, đèn ông sao, trống bỏi, mặt nạ… Giá đầu lân từ 55.000 đến 200.000đ/chiếc, trống cơm từ 50.000 đến 120.000đ/chiếc…
Bánh Trung thu: Thêm nhiều lựa chọn
Khác với thị trường đồ chơi, thị trường bánh Trung thu có sự “phân tầng” khá rõ rệt. Có thể phân biệt dễ dàng giữa những loại bánh được mua để đem biếu, tặng với các loại bánh được mua về cho gia đình.
Bánh trung thu được "phân tầng" rõ rệt. Ảnh minh họa
Bánh để biếu là những hộp bánh do các khách sạn chế biến có hình thức công phu, kỹ lưỡng, với nhiều họa tiết, hoa văn làm bằng gỗ sơn mài, vải thêu, mạ vàng. Bánh được làm từ những loại sản vật cao cấp như vi cá, yến sào, các loại hạt bổ dưỡng hoặc chất liệu mới lạ như nhân kem tươi, vỏ bánh làm bằng rau câu… Giá của những hộp bánh loại này khá cao, từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.
Trong khi đó, bánh được mua cho gia đình sử dụng không quá cầu kỳ về hình thức nhưng chất lượng lại khá được chăm chút. Mặc dù chất liệu làm bánh không có nhiều điểm mới mẻ so với những năm trước nhưng do được đầu tư kỹ về kỹ thuật nên vỏ bánh mềm hơn, nhân bánh ngọt dịu, trứng muối bùi và thơm… được đánh giá là gần gũi với hương vị của các loại bánh Trung thu truyền thống hơn hẳn so với trước. Giá bánh Trung thu của các thương hiệu phổ thông từ 80.000 đến 200.000đ/chiếc, tùy loại.
Một điểm nổi bật là sự ưa chuộng của người tiêu dùng dành cho các loại bánh làm theo phương pháp thủ công truyền thống. Cửa hàng bánh Trung thu truyền thống Bảo Phương ở phố Thụy Khuê, Hà Nội, hay Đông Phương ở Hải Phòng là những nơi luôn thu hút đông đảo khách đến xếp hàng mua bánh. Đây không hẳn chỉ là sự hoài niệm, hoài cổ, mà còn cho thấy sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng khi những giá trị truyền thống dần quay trở lại, từ miếng bánh, tấm quà cho tới những thứ khác to tát, lớn lao hơn.
Bên cạnh đó, trên thị trường còn có những loại bánh “hàng chợ” bán xá, cân ký, đa dạng chủng loại nhưng xuất xứ không rõ ràng, không ghi hạn sử dụng, chất lượng không đảm bảo, mặc dù giá rẻ chỉ bằng 10 - 30% so với bánh có thương hiệu. Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua loại bánh này để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.