Chốn ác mộng ngày đêm của phụ nữ chuyển giới

25/08/2018 - 06:00
Cứ mỗi giờ, ở Ấn Độ lại có 4 người phụ nữ bị xâm hại, con số này đã đặt Ấn Độ vào điểm nóng của nạn bạo lực tình dục. Đặc biệt, Ấn Độ còn là “nỗi ác mộng” ngày đêm của phụ nữ chuyển giới.

4 năm đi tìm công lý trong tuyệt vọng

 

Khushi, một phụ nữ chuyển giới Ấn Độ, không bao giờ nghĩ rằng cô lại là nạn nhân của hiếp dâm và đối xử thậm tệ khiến cô mất 4 năm ròng rã đi tìm công lý cho bản thân mình. Trong một cuộc hành hương đến ngôi đền Hồi giáo ở bang Rajasthan, Khushi - một người phụ nữ chuyển giới sống ở Mumbra, một thành phố ở ngoại ô Mumbai (Ấn Độ) bị bắt và đưa đến đồn cảnh sát.

a3-an-do-3.jpg
Neha Munde bị giam giữ và tấn công tình dục trong 2 năm

 

Ở đó, cô bị đánh đập và cưỡng hiếp. Cô đã khiếu nại các cơ quan có thẩm quyền ròng rã 4 năm qua. Khushi cho biết: “Người dân Ấn Độ đã thể hiện sự phẫn nộ mỗi khi có trường hợp cưỡng hiếp nhưng không phải cho những người như tôi. Khi một phụ nữ chuyển giới bị cưỡng hiếp ở đất nước này, cảnh sát đầu tiên sẽ lên tiếng chế giễu cô ấy rằng cô ấy không có các bộ phận sinh dục để tấn công tình dục. Những gì sau đấy là một loạt những bất công khác”.

 

Khi cô tố cáo hành vi tấn công tình dục của 3 cảnh sát, các nhà chức trách đã từ chối tin vào câu chuyện khủng khiếp ấy. Khushi kể: “Mặc cho tôi cầu xin, ba người trong số họ thay phiên cưỡng hiếp. Trong khi đó, viên cảnh sát thứ tư đã quay lại cảnh ấy bằng điện thoại. Cuộc tấn công chỉ dừng lại khi một nữ cảnh sát nghe thấy tiếng khóc của tôi và chạy đến yêu cầu mở cửa”.

 

Khushi bị tạm giữ trong 4 ngày sau vụ tấn công và không có bất kỳ hỗ trợ nào về y tế. Khi Khushi gửi khiếu nại đến các cơ quan chức năng, một trong số những viên cảnh sát hãm hiếp cô đã bị đình chỉ, còn 3 người khác bị điều chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, họ không phải chịu một mức án nào cả. Đến tận bây giờ những hình ảnh khủng khiếp đêm ấy không ngừng ám ảnh cô.

 

Cô Vyjayanti Vasanta Mogli, một phụ nữ chuyển giới đồng thời là thành viên sáng lập của tập đoàn Telangana Hijra Intersex Transgender Samiti ở Hyderabad chia sẻ: “Vài năm trước, tôi đã gặp trường hợp một phụ nữ chuyển giới bị cưỡng hiếp bởi một người lính. Hắn ta còn định ném cô ấy ra khỏi xe đang chạy. Khi người phụ nữ này la hét để tìm kiếm sự giúp đỡ, hắn ta đã dừng xe và dùng cành cây đánh vào mặt cô ấy”. Mogli cho biết rằng các nạn nhân chuyển giới phải chịu đựng trong im lặng vì các cơ quan chức năng từ chối khiếu nại hành vi tấn công tình dục đối với họ.

 

a4-an-do-4.jpg
Salman Khan điều hành tổ chức Kinnar Maa Trust giúp cộng đồng người chuyển giới

 

Năm 2013, trường hợp của Neha Munde (28 tuổi) ở Mumbai đã gây chấn động lớn. Cô bị bắt cóc khi đang trên đường đến thăm một người bạn. Những kẻ bắt cóc đưa cô đến một căn hộ và giam giữ trong vòng 2 năm. “Không ngày nào tôi không bị tấn công tình dục. Chúng hãm hiếp tôi vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày, thậm chí còn rủ bạn bè tham gia. Phải mất 2 năm tôi mới trốn thoát được khỏi địa ngục đó”, cô Neha kể.

 

Cô nói rằng kể từ khi người chuyển giới bị coi là gánh nặng, gia đình cô không tìm kiếm cô khi cô mất tích suốt 2 năm. Năm 2016, Neha lại tiếp tục bị hãm hiếp bởi những người đàn ông tương tự. Những tiếng kêu cứu của cô đến cơ quan chức năng chỉ được đáp lại bằng sự thờ ơ. Cô nói: “Cuối cùng, với sự giúp đỡ của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Ấn Độ, một đơn khiếu nại chính thức đã được nộp vào đầu năm nay”.

 

Salma Khan, một người phụ nữ chuyển giới và là chủ tịch Kinnar Maa Trust, một tổ chức phi chính phủ tại Mumbai cho biết: “Cuộc sống của người chuyển giới ở Ấn Độ là câu chuyện về đấu tranh và bất công. Họ là một trong những cộng đồng chịu nhiều áp bức và bất công nhất tại Ấn Độ. Họ bị chính thân nhân ruồng bỏ và phải chịu những hành động bạo lực ác ý của mọi người xung quanh. Họ thường bị chế nhạo và bắt nạt trong các trường học.

 

Thậm chí họ còn bị tước đoạt cơ hội việc làm. Bạo lực tình dục tràn lan và luật pháp thờ ơ trên bi kịch của họ. Luật pháp cần phải tăng cường để chống bạo lực tình dục với người chuyển giới. Nhưng quan trọng hơn, xã hội Ấn Độ cần phải ngưng kì thị, đối xử công bằng với những người như chúng tôi”.

 

a6-an-do-6.jpg
Biểu tình chống nạn hãm hiếp hoành hành ở Ấn Độ

 

Mỗi giờ có 4 phụ nữ bị tấn công tình dục

 

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Thomson Reuters Foundation đối với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Ấn Độ bị xếp vào hàng quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với phụ nữ do bạo lực tình dục, nạn buôn bán người, lao động nặng nhọc, kết hôn cưỡng ép, nô lệ tình dục... Nguy cơ phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục và bị buộc phải lao động nô lệ cho thấy  Ấn Độ chưa giải quyết được những nguy hiểm mà phụ nữ phải đối mặt kể từ khi xảy ra vụ hãm hiếp và giết hại một nữ sinh trên một chiếc xe bus ở New Delhi năm 2012. Các trường hợp tội phạm chống lại phụ nữ đã tăng 83% từ năm 2007 đến năm 2016 với 39.000 vụ.

 

Theo số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Ấn Độ, từ năm 2012 đến năm 2016, trên cả nước có 170.000 phụ nữ bị cưỡng hiếp. Đồng nghĩa, mỗi giờ có 4 phụ nữ bị tấn công tình dục. Cảnh sát Ấn Độ mỗi ngày vẫn nhận được báo cáo về khoảng 100 vụ tấn công tình dục.

 

a1-an-do-1.jpg
Ấn Độ bị xếp vào hàng quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với phụ nữ do bạo lực tình dục, nạn buôn bán người, lao động nặng nhọc, kết hôn cưỡng ép, nô lệ tình dục...

 

Chính phủ Ấn Độ đã thông qua pháp lệnh quy định tội phạm hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi phải lãnh tối thiểu 20 năm tù so với trước là 10 năm, tội phạm hiếp dâm phụ nữ trưởng thành phải lãnh tối thiểu 10 năm tù so với trước là 7 năm, áp dụng án tử hình đối với những tội phạm hiếp dâm trẻ em dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, số vụ hiếp dâm vẫn chưa có chiều hướng giảm.

 

“Trong dự luật năm 2016, Chính phủ còn không định nghĩa cưỡng hiếp là một hành vi phạm tội. Theo luật pháp Ấn Độ, vấn đề bạo lực tình dục hầu như không được giải quyết cho những người chuyển giới”, Santa Khurai, thư ký của Hiệp hội Manipur Nupi Mannbi, một tổ chức phi lợi nhuận của cộng đồng LGBT ở bang Manipur nói.

 

Chính phủ Ấn Độ cũng không công bố số liệu thống kê hàng năm về tội ác chống lại người chuyển giới. Các dữ liệu này thường được các tổ chức phi chính phủ thu thập. Một cuộc khảo sát vào năm ngoái cho thấy, 40% người chuyển giới ở Ấn Độ phải đối mặt với vấn nạn bị lạm dụng tình dục trước khi họ bước sang tuổi 18.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm